Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24909

6 nguy cơ xâm hại người chưa thành niên trên không gian mạng

Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng Internet. Một số liệu khác của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 cũng làm tăng nguy cơ trẻ em bị quấy rối bởi các nội dung bạo lực, tình dục trên không gian mạng.

Báo cáo năm 2022 của ECPAT, Interpol và UNICEF cho thấy, có 1% trẻ em Việt Nam bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm khi sử dụng Internet. Không chỉ vậy, 2% trẻ em Việt Nam nhận được yêu cầu trò chuyện tình dục qua mạng, 1% trẻ em Việt tham gia khảo sát bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi không có sự đồng ý. Đáng chú ý, trong quá trình sử dụng Internet, 0,3% trẻ em Việt bị đề nghị cho tiền hoặc quà để thực hiện hành vi quan hệ tình dục.

Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ an toàn trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)

Nhiều nghiên cứu ở Mỹ đã cho thấy, có mối quan hệ nhân quả giữa việc tiếp xúc các sản phẩm bạo lực tình dục trẻ em với hành vi bạo lực hay cưỡng ép tình dục. Trẻ em 10-16 tuổi có nguy cơ tham gia vào các hoạt động cưỡng ép tình dục cao hơn gấp 6 lần.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các nội dung độc hại trên mạng cũng làm tăng nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn và mang thai ngoài ý muốn ở trẻ. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và hành vi của trẻ vị thành niên.

Các chuyên gia nhận định, các hình thức và nguy cơ xâm hại trên không gian mạng xã hội mà người chưa thành niên thường gặp phải bao gồm:

a) Bí mật riêng tư và thông tin cá nhân

Theo báo cáo của MDS năm 2020, 60% người chưa thành niên tham gia khảo sát cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet, tuy nhiên rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân của các em chiếm tỷ lệ lớn nhất khoảng 66,6%.

Số liệu hình ảnh và video bất hợp pháp được xác nhận bởi INHOPE tăng 83% từ năm 2016 đến năm 2018. INHOPE cũng báo cáo tỷ lệ hình ảnh và video bất hợp pháp trẻ em tiền dậy thì (3-13 tuổi) thông qua CSEA tăng từ 56% (122.276) năm 2016 đến 79% (148.041) năm 2017, và 89% (223,999) năm 2018.

b) Bị lợi dụng để xây dựng văn hóa phẩm khiêu dâm

Văn hóa phẩm khiêu dâm người chưa thành niên, trẻ em là những tài liệu “có tính chất khiêu dâm” đối với trẻ em trong đó có sự mô tả liên quan đến tình dục trẻ em hoặc các cuộc trình diễn có tính chất khiêu dâm. Nó bao gồm ảnh, video, hình vẽ, sự trình bày bằng hình ảnh và âm thanh và văn bản mô tả trẻ em đang tham gia vào hoạt động tình dục thật hoặc mô phỏng hoặc mô tả các bộ phận cơ thể của trẻ em một cách gợi dục.

Nghiên cứu của UNICEF cho thấ,  một số người chưa thành niên, trẻ em dù không tham gia vào hoạt động mại dâm, trong đó có những trẻ em đang đi học, song lại chia sẻ những hình ảnh tình dục rõ ràng qua điện thoại hoặc mạng Internet và những hình ảnh đó về sau được những kẻ phạm tội sử dụng cho các mục đích thương mại. Báo cáo cũng nêu lên những quan ngại về thói quen mới nổi là “khoe cơ thể” và “trò chuyện về tình dục” mà ở đó trẻ em đồng ý hoặc bị lôi kéo để tải lên những hình ảnh tình dục hoặc để lộ cơ thể của mình qua webcam để lấy tiền.

Báo cáo năm 2022 của ECPAT, Interpol và UNICEF cho thấy, có 1% trẻ em Việt Nam bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm khi sử dụng Internet.

c) Bị xâm hại tình dục, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em.

Người chưa thành niên, trẻ em vào Internet phải đối mặt với không ít nguy cơ rủi ro, bị xâm hại. Không chỉ vậy, các em cũng có nguy cơ tiếp xúc với những video, thông tin, hình ảnh khiêu dâm hay sai lệch. Trên không gian mạng không ít trẻ em vô tình tiết lộ thông tin cá nhân, bị doạ nạt tống tiền, ép quan hệ tình dục, tham gia các hoạt động phi pháp thậm chí có em đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán người.

d) Bị bắt nạt trực tuyến

Việc trẻ bị bắt nạt trên mạng đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn khi trẻ bị bắt nạt trong thực tế. Bởi lẽ, nếu bị bắt nạt ngoài đời, trẻ có thể sẽ quên sau một thời gian. Nhưng khi bị bắt nạt trên mạng hoặc trong cộng đồng thì nỗi ám ảnh về việc bị bắt nạt ngày càng gia tăng và nhiều trẻ em cảm thấy không có lối thoát. Khi bị chia sẻ các clip về bạo hành, bắt nạt, nhiều trẻ em đã không dám quay lại trường học và khó khăn trong việc hoà nhập cộng đồng.

Năm 2018, Trung tâm quốc gia Hoa Kỳ về trẻ mất tích và bị bóc lột thông báo 17% các bậc cha mẹ phụ huynh nói con họ là nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến, ở một số quốc gia con số này lên tới 37%.

e) Tiếp cận nội dung có hại

Trên môi trường Internet còn có rất nhiều trang web đen, độc hại tràn ngập xu hướng bạo lực hoặc hướng dẫn tìm hiểu các tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma tuý, mại dâm) như: Hội những người thích đâm thuê chém mướn, bảo kê; Hội anh em mê bạo lực; Hội thích hút thuốc cỏ Mỹ… Nếu trẻ em sử dụng mạng xã hội thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát của người lớn sẽ rất đi vào các trang web đen độc hại này. Thời gian qua, câu chuyện trẻ nhỏ tự ý tham gia trò chơi có tên “thử thách cá voi xanh” và kết cục tự vẫn của một số trẻ em là minh chứng cho thấy, khi trẻ theo dõi, làm theo những hướng dẫn nguy hại trên mạng sẽ mang đến nhiều hậu quả khôn lường…

Tại Việt Nam, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu (web đen) trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.

f) Sử dụng quá mức và nghiện Internet

Vấn đề nghiện internet, đặc biệt là trò chơi điện tử trực tuyến ở người chưa thành niên Việt Nam đã bắt đầu nổi lên từ năm 2009. Nhiều quan ngại đã được nêu ra rằng việc chơi điện tử trực tuyến quá mức đã góp phần gây ra tội phạm vị thành niên, làm cho trẻ em bỏ học và trong một số trường hợp phải nhập viện vào Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một cuộc khảo sát do Viettrack thực hiện vào năm 2010 cho biết “chơi điện tử trực tuyến” là một trong những hình thức giải trí chính của trẻ em Việt Nam và là hoạt động phổ biến nhất trực tuyến.  Khảo sát về sự an toàn và vai trò công dân kỹ thuật số của UNICEF năm 2012 tương tự cũng cho thấy 82% số thanh thiếu niên ở khu vực thành thị và 32% ở khu vực nông thôn cho biết đã và đang chơi điện tử trực tuyến, vì vậy chơi điện tử trực tuyến là hoạt động phổ biến nhất trực tuyến của những trẻ em tham gia khảo sát này. Một khảo sát do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện vào năm 2010 với sự tham gia của trên 370.000 học sinh thuộc 1000 trường học cho thấy phần lớn học sinh ở Hà Nội đi đến các tiệm internet để chơi điện tử trực tuyến từ một đến ba lần mỗi tuần, mỗi lần chơi từ một đến ba giờ. Cứ bốn trẻ em tiểu học ở Việt Nam thì có ba em chơi điện tử trực tuyến vào ngày cuối tuần, và một khảo sát ở năm thành phố của Việt Nam cho thấy có trên 1.000 học sinh chơi điện tử trực tuyến từ ba đến 16 giờ mỗi ngày.

G.Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *