Skip to content
Năm 2024 vừa qua chứng kiến nỗ lực, thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam về nhân quyền, nhưng cũng chứng kiến hiếm có năm nào mà các thế lực thù địch gia tăng xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, quyền tự do ngôn luận, báo chí và tôn giáo quyết liệt, dữ dội như vậy.
![](data:image/svg+xml,%3Csvg%20viewBox%3D%220%200%201315%20740%22%20xmlns%3D%22http%3A%2F%2Fwww.w3.org%2F2000%2Fsvg%22%3E%3C%2Fsvg%3E)
Thứ nhất, Quyền con người được bảo vệ và phát triển. Hiến pháp Việt Nam 2013 dành 36/120 điều để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định tính chất toàn diện của hệ thống pháp luật trong bảo vệ nhân quyền. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng, đạt mức 0.703 năm 2024, thuộc nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, chứng minh những tiến bộ trong bảo vệ quyền sống, quyền học tập, và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 giảm còn 1%, cho thấy sự cải thiện đáng kể trong việc bảo đảm quyền kinh tế, xã hội.
Thứ hai, Quyền tự do tôn giáo được đẩy mạnh. Việt Nam công nhận 16 tôn giáo, với gần 29 triệu tín đồ và hơn 29.000 cơ sở thờ tự. Các lễ hội tôn giáo được tổ chức công khai và tự do. Việt Nam đã ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, bao gồm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Thứ ba, tăng cường tham gia, phát huy vai trò trong các cơ chế quốc tế về nhân quyền. Việt Nam đã hoàn thành hai nhiệm kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và chuẩn bị tham gia nhiệm kỳ thứ ba. Điều này khẳng định uy tín quốc tế của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Thứ tư, bất chấp các cáo buộc Việt Nam “hạn chế tự do ngôn luận” và “kiểm soát báo chí”. Hiện thực chứng minh, Việt Nam hiện có 812 cơ quan báo chí, hàng nghìn trang web và mạng xã hội hoạt động tự do, thu hút hàng chục triệu người tham gia. Các kỳ họp Quốc hội Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và mạng xã hội, thể hiện sự minh bạch trong quản lý nhà nước. Việt Nam không hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Người dân được tự do truy cập các nền tảng xuyên quốc gia như Facebook, YouTube, Zalo, điều này trái ngược với những cáo buộc về “kiểm soát thông tin”. Những cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng tự do báo chí để phát tán thông tin sai lệch hoặc kích động chống đối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Đây là nguyên tắc chung được thực hiện ở tất cả các quốc gia.
Thứ năm, Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng được đảm bảo, bất chấp các cáo buộc Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”.Quyền này được pháp luật bảo vệ. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.” Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 tạo khung pháp lý thuận lợi để các tổ chức tôn giáo hoạt động tự do và bình đẳng. Nhiều tôn giáo tổ chức các sự kiện lớn, ví dụ: Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) được tổ chức tại Việt Nam. Các tổ chức tôn giáo tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việc một số cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá sẽ bị xử lý theo pháp luật. Điều này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Thứ sáu, với cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế, Việt Nam tham gia tích cực vào các cơ chế quốc tế về quyền con người, như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em, và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật. Việt Nam đã nỗ lực cải thiện quyền của phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số, được quốc tế đánh giá cao. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế bầu chọn tham gia các cơ chế quốc tế, khẳng định sự công nhận về nỗ lực và thành tựu trong bảo vệ quyền con người.
Thứ bảy, các thế lực thù địch gọi những cá nhân bị bắt vì vi phạm pháp luật là “tù nhân lương tâm”. Tuy nhiên, các cá nhân bị xử lý không phải vì bày tỏ quan điểm, mà do lợi dụng tự do ngôn luận để kích động chống phá nhà nước, phát tán thông tin sai lệch, hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc xử lý các đối tượng này là bảo vệ quyền lợi của đa số nhân dân, duy trì trật tự xã hội và an ninh quốc gia.
Những cáo buộc về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam là thiếu cơ sở và mang tính xuyên tạc ác ý. Thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo vệ quyền con người, từ cải thiện đời sống kinh tế đến bảo đảm tự do tín ngưỡng, báo chí và ngôn luận. Những kết quả này chính là bằng chứng rõ ràng, bác bỏ hoàn toàn các luận điệu sai trái của các thế lực chống phá.