Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
31000

Văn hóa Việt tỏa đi muôn nơi

Tôi luôn tâm niệm cả năm dù đi đâu, làm ăn tận chốn nào thì ngày Tết cũng là lúc cần gác lại mọi công việc, mọi lo toan bận rộn để trở về bên gia đình. Thời khắc chuyển giao năm mới, chẳng có nơi đâu đầm ấm, an lành hơn chính ngôi nhà có mẹ cha và những người thân yêu ruột thịt.

Tôi yêu không khí của những ngày giáp tết. Không cần đợi đến ngày tiễn ông Công, ông Táo chầu trời, mà ngay từ đầu tháng Chạp, không khí đón tết đã râm ran khắp các đường làng, ngõ phố. Ai còn đang dang dở công việc gì cũng cố gắng hoàn tất thật nhanh để soạn sửa đón tết. Các điểm vui chơi công cộng như vườn hoa, công viên,… được khẩn trương chỉnh trang, bổ sung các chậu hoa xuân rực rỡ sắc mầu. Đèn trang trí, băng rôn khẩu hiệu chào năm mới xuất hiện tại nhiều công sở, nhà hàng. Văng vẳng trên đài phát thanh, các bài hát ca ngợi mùa xuân vang lên, phấn chấn lòng người. Tại các khu dân cư, không khí đón tết càng thêm phần chộn rộn. Nhà cửa được sửa sang sạch sẽ, đường đi lối lại trong các khu dân cư được huy động bà con lối phố tổng vệ sinh. Các việc sắm sửa tết được hối hả chuẩn bị. Trẻ con bắt đầu đếm ngược chờ ngày xúng xính quần áo mới và nhận lì xì.

Những ngày này, bước chân ra đường dễ dàng bắt gặp ngập tràn muôn sắc hoa tưng bừng tỏa đi các ngõ phố, nào lay ơn, thược dược, hải đường, violet,… Và tất nhiên không thể thiếu được đào, mai, quất. Những năm gần đây, cùng với giao thương mở rộng, nhiều loại kỳ hoa dị thảo từ nước ngoài được nhập về Việt Nam, nhộp nhịp góp vui vào hội hoa xuân càng thêm sắc mầu. Từ hoa tuylip biểu tượng của đất nước Hà Lan, đến hoa anh đào của xứ sở mặt trời mọc hay hoa thanh liễu đến từ quê hương của những chú kanguru, hoặc mao lương, mai Mỹ, đào đông… Nhưng dù có thêm trăm loài hoa từ khắp các phương trời về quần tụ, xuân nước Việt sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu cành đào, cành mai bên cặp bánh chưng xanh và tiếng trống khai hội rộn rã.

Tết Hà Nội

Những ngày cuối năm, không khí tết nhất đậm đặc nhất là tại các khu chợ dân sinh. Vài năm qua nhiều người bắt đầy có thói quen mua sắm tại siêu thị nhưng không vì thế mà các chợ truyền thống kém phần náo nhiệt. Còn vài tuần mới đến tết nhưng tại các quầy hàng trong chợ đã tràn ngập bánh mứt kẹo. Dãy hàng quần áo treo lúc lỉu trên đầu người qua lại, rực rỡ sắc mầu trong đó mầu đỏ dường như được ưa chuộng nhất vì người Việt vẫn thường quan niệm mặc mầu đỏ cho ngày đầu năm mới sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho cả năm. Gian đồ khô thì thơm nức với hành, mộc nhĩ, nấm hương, thảo quả và các loại gạo đặc sản như tám, nếp cái hoa vàng… Gian hàng tươi sống thì chộn rộn lợn, bò, gà, vịt,… Mặt hàng cả năm thường ít bán là lá dong, lạt giang thì như đi được mùa vào hội, ùn ùn từ miền ngược chở xuống, xếp cao chất ngất, tràn ra cả lối đi. Chợ ngày tết dễ phải phình to gấp 3-4 lần so với chợ ngày thường.

Ngày nhỏ, tôi hay xin mẹ cho đi mua sắm cùng vào những ngày giáp tết. Chỉ cần nhìn ngắm không khí tại chợ thôi đã thấy tết đặc biệt đến thế nào với người Việt. Những bà nội trợ phân vân chọn lựa quần áo cho con, nhẩm tính số bánh chưng cần gói để tính toán mua gạo, mua đỗ sao cho đủ. Cánh đàn ông hăm hở vác đào, vác quất, mồ hôi nhễ nhại dù đang giữa tiết trời mùa đông rét mướt. Mấy cô thiếu nữ yêu kiều sà vào gian hàng mỹ phẩm, đồ trang sức, tỉ mẩn lựa chọn son phấn, vòng xuyến để diện tết. Có vô số lý do để người người đổ về chợ vào dịp này. Bởi vậy chợ ngày thường vốn đã đông đúc nay càng trở nên quá tải. Người đi chợ phải lách qua từng khe hẹp, nồng nã mùi hàng hóa. Để nghe thấy tiếng nhau, người mua kẻ bán thường phải nói to kết hợp với ra hiệu bằng tay nhìn rất ngộ. Việc mua bán ngày tết cũng thường chóng vánh để còn nhường chỗ cho người khác. Những ngày ấy, hôm nào mẹ tôi cũng trở về nhà với lúc lỉu túi lớn, túi bé treo đầy ghi đông xe đạp vậy mà về đến nhà mẹ vẫn bần thần thảng thốt vì quên mua một thứ gì đó hay tự trách mình vì tính nhầm tiền hàng.

Cứ tíu tít bận bịu đến rối bời như vậy, và tết cũng ùa đến hân hoan, hứng khỏi như đã chực chờ sẵn từ lâu lắm rồi. Gian nhà ngói ba gian của chúng tôi bừng sắc hoa đào và mùi hương trầm vương vấn. Mâm cúng ông bà tổ tiên có con gà ngậm hoa hồng, đĩa xôi gấc, vuông bánh chưng, bát thịt nấu đông, khoanh giò, bát canh măng sườn, đĩa dưa hành. Chừng ấy thức đủ tạo nên phong vị cỗ tết cổ truyền không thể lẫn đi đâu. Để rồi tết qua đi, người già trẻ con lại bần thần nhớ tết. Và rồi cứ đến tầm tháng 9, tháng 10 người người xôn xao bàn chuyện tết.

Bao nhiêu năm tắm đẫm trong không khí tết cổ truyền ấy, đến mức nhắm mắt lại tôi cũng có thể hình dung tường tận từng việc diễn ra, từng âm thanh, từng mùi vị tết đang hiện diện sống động ngay bên cạnh mình, tưởng như có thể cầm nắm ngay lấy. Tôi chưa từng nghĩ nếu mình rời xa quê nhà, sống ở một nơi xa xôi, nơi tiếng Việt chỉ có thể cất lên trong những cộng đồng nhỏ lẻ thì sẽ thế nào. Liệu bản sắc Việt có mai một? Những cái tết cổ truyền sẽ phai nhạt trong tâm thức? Nhưng khi để tâm quan sát đời sống của người Việt xa xứ tôi mới nhận ra rằng, người Việt ta ở đâu sẽ mang theo văn hóa, tinh thần của quê hương xứ sở mình ở đó. Người Việt tìm nhau qua giọng nói, qua nếp ăn nếp ở, qua nếp nghĩ suy, qua tình thương mến thương chung nhau cội nguồn máu đỏ da vàng.

Lễ diễu hành vào dịp Tết với quy mô lớn của người Việt tại Mỹ

Hiện có tới 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không phải ai cũng có thể thu xếp trở về quê hương mỗi khi năm mới đến nên họ đã mang tết quê theo mình đi khắp muôn phương. Vậy mới nói người Việt ở đâu thì tết Việt ở đó, với những phong vị thật khác biệt. Một người bạn tôi làm dâu nước Pháp đã hơn hai chục năm tâm sự: những năm đầu mới làm dâu xứ chị xác định nhất quyết phải giữ tập tục truyền thống trong những ngày đón tết cổ truyền. Ít nhất cũng phải có mâm cỗ đón giao thừa đúng như ở Việt Nam. Thời gian đầu để làm mâm cỗ tết truyền thống chị vô cùng vất vả. Bởi không dễ kiếm được các nguyên vật liệu để được mâm cỗ chuẩn vị quê nhà. Giữa thủ đô Paris kiếm đâu ra lá dong, miến, măng, gà ta… Chưa kể các gia vị đặc trưng của người Việt cũng là thứ hiếm có khó tìm. Để khắc phục điều này, từ nhiều tháng trước chị đã nhờ họ hàng gửi đồ từ Việt Nam sang. Các mặt hàng khô thì đơn giản nhưng các mặt hàng tươi sống thì nan giải hơn nhiều. Do đó chị đành phải linh hoạt, tìm các nguyên liệu khác để thay thế. Ví như lá dong thì đành phải thay bằng lá chuối để gói bánh chưng. Hì hụi mãi chị cũng có được những tấm bánh vuông vắn nấu bằng nồi áp suất trên bếp điện. Giữa khung cảnh trời Âu mịt mù băng tuyết, nhìn nồi bánh gói ghém nhớ thương mà thấy nghẹn lòng. Những nỗ lực làm tết Việt của chị đã được gia đình nhà chồng hưởng ứng nhiệt tình. Mâm cơm chiều 30 tết với xôi gấc, canh măng miến, bánh chưng, nem rán của cô dâu Việt đã đốn gục trái tim của gia đình bên nội. Vậy là từ bấy về sau, năm nào cũng vậy, cả nhà chị sau khi tưng bừng đón Giáng sinh, năm mới theo phong tục của người châu Âu, mọi người lại háo hức đón chào tết cổ truyền của người Việt Nam. Không chỉ người bạn tôi mà rất nhiều người Việt Nam khác dù sinh sống làm ăn xa nhưng chưa bao giờ phai nhạt nỗi nhớ quê nhà, chưa bao giờ thờ ơ với ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Những năm qua, số lượng người Việt làm ăn sinh sống ở các nước ngày càng đông đảo. Từ đây hình thành nên các cộng đồng người Việt với nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó không thể thiếu việc tổ chức và đón tết cổ truyền. Cùng với sự phát triển của người Việt các khu chợ Việt cũng hình thành ở nhiều nơi, hàng hóa phong phú đa dạng. Giờ đây người Việt xa quê chẳng may thèm bữa canh rau muống với cà thì cũng có thể mua đồ từ chợ về nấu nướng tại gia. Bữa cơm đón năm mới theo đúng phong tục của quê hương xứ sở đã có thể thực hiện được không mấy khó khăn. Người Việt xa xứ không chỉ đón tết trong ngôi nhà của mình, họ còn quây quần bên nhau, tổ chức chung vui tết. Nghĩa đồng bào được gắn kết sâu đậm qua những năm dài sống xa quê. Một anh bạn tôi sống ở Đức khoe, năm nào tết hai vợ chồng anh và con gái cũng đi đến nhà người bạn, các gia đình cùng nhau sắm sửa, liên hoan đón tết, mời các bạn bè người bản xứ đến tham dự. Chính từ những bữa cơm như vậy, không chỉ giúp những người con xa quê ấm lòng, thấy dòng máu quê hương vẫn chảy trong huyết quản mà còn góp phần đưa văn hóa Việt lan tỏa đi muôn nơi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *