Nhân chuyện Đảng, Chính phủ, Quốc hội kiện toàn nhân sự cấp cao, ông Nguyễn Đình Bin lại diễn trò chúc mừng rồi nhân đó “gửi gắm tâm tư, nguyện vọng”, hóa ra chẳng tử tế gì, ông ta xuyên tạc, bóp méo lịch sử khi cho rằng Đại hội XIV sắp tới nên làm như Đại hội VI năm 1986 Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Chấp hành Trung ương khóa V đã làm – đó là thực hiện công cuộc đổi mới, thì “từ bỏ chủ thuyết (chủ thuyết Mác – Lênin), đã thực sự lỗi thời, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay…”(!). Đây là chiêu trò quen thuộc của những thành phần cơ hội, trở cờ lâu nay khi giả giọng đạo đức để công kích, phủ nhận, đòi thay đổi đường lối, chính sách, chế độ chính trị hiện nay theo “ảo tưởng” của họ.
Chưa bàn đến sự vô căn cứ trong đòi bỏ học thuyết Mác – Lênin vì đã có nhiều bài viết về chủ đề này, chỉ riêng chuyện ông Nguyễn Đình Bin quy kết rằng, Đảng ta duy trì nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin dẫn đến “khủng hoảng chính trị hiện nay” có đúng không? Xin trả lời ngay và luôn là nói Việt Nam đang “khủng hoảng chính trị” chỉ là sự võ đoán của ông Nguyễn Đình Bin.
Ông ta căn cứ vào dấu hiệu nào để cho rằng Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị?. Một cuộc khủng hoảng chính trị thường biểu hiện qua sự mất ổn định, bất đồng chính trị nghiêm trọng, và sự suy giảm lòng tin của dân chúng vào chính phủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình hình chính trị lại đang rất ổn định, người dân hoàn toàn đặt niềm tin, kỳ vọng vào quyết tâm chống tham nhũng, chỉnh đốn trong Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu nhằm làm trong sạch bộ máy.
Có ý kiến của một blogger bình luận rằng, việc Việt Nam vừa qua có một số cán bộ cấp cao từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương, thậm chí có cả cán bộ thuộc hàng “tú trụ” cũng buộc phải xin thôi công tác, nghỉ chế độ, có cán bộ còn bị xử lý hình sự, bị đi tù… nhưng đó không phải là mất ổn định, bất đồng chính trị nghiêm trọng. Nó chứng tỏ điều ngược lại, Việt Nam rất ổn định, có sự thống nhất rất cao nên mới xử lý được cán bộ “cỡ bự”. Nếu không có sự ổn định, sự thống nhất chính trị cao thì khó mà đưa những cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén cá nhân, vi phạm những điều đảng viên không được làm… ra để thi hành kỷ luật, hoặc cho thôi thực hiện nhiệm vụ, nghỉ công tác, nghỉ chế độ. Đó còn là dấu hiệu của một đảng mạnh. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Thực tế đã cho thấy, mặc dù có cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ thuộc “tú trụ” rút ra khỏi hệ thống, bộ máy của Đảng, Nhà nước thì toàn bộ đường lối, mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không hề có sự thay đổi. Cho nên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là giữ ổn định.
Với đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Điều đó đã củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các công việc từ nhỏ đến to trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều có sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Sự tích tực ủng hộ của nhân dân là một trong những nguyên nhân để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay mà trước đây chưa bao giờ có được!
Mọi thách thức hiện tại của nước ta, chủ yếu là những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, đều đang được các cấp chính quyền tích cực giải quyết và đạt kết quả tích cực. Đúng thế! Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo sự phát triển liên tục và ổn định của đất nước. Trong giai đoạn 2012 – 2022, theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trung bình 6,1% nằm trong số 20 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng cao.
Trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu là một trong 03 chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tiếp tục phục hồi từ cuối năm 2023, có sự bứt tốc ngay từ đầu năm. Tính chung 04 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD)… Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 04 năm trở lại đây [3].
Những kết quả trên cho thấy Việt Nam đã và đang vượt qua rất tốt những thách thức về kinh tế. Điều ấy chỉ có thể có được khi Việt Nam có một nền chính trị ổn định. Do vậy, việc cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là nguyên nhân dẫn đến “cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay” là sự võ đoán của ông Nguyễn Đình Bin, và rõ ràng là ý đồ bóp méo, dẫn lái sự việc nhắm động cơ đen tối của ông ta và đồng bọn./.