Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
38433

Thực tiễn bảo đảm quyền của phạm nhân nữ tại trại giam Phú Sơn 4

Việc tổ chức các lớp học tập cho phạm nhân nữ ở Trại giam Phú Sơn 4 được áp dụng đối với 100% số phạm nhân hiện có. Hoạt động học tập của phạm nhân nữ được tổ chức thành các lớp theo 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu vào, giai đoạn giữa và giai đoạn đầu ra. Năm 2015, tổ chức 7 lớp với 375 lượt phạm nhân nữ tham gia; năm 2018, tổ chức 13 lớp với 354 phạm nhân nữ tham gia, trong đó có 4 lớp cho số phạm nhân chuẩn bị chấp hành án xong

Thực tiễn sinh động

Với diện tích hơn 500ha, 06 phân trại thuộc Trại giam Phú Sơn 4 nằm trên địa bàn các xã Cổ Lũng, Vô Tranh, Sơn Cẩm, Yên Ninh huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Hiện Trại giam Phú Sơn 4 có 06 phân trại và 01 trung tâm dạy nghề, trong đó phân trại số 2 là phân trại trực tiếp quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân nữ. Phân trại số 2 được phân thành các khu giam đối với phạm nhân nữ có mức án tù trên 15 năm, phạm nhân nữ tái phạm nguy hiểm, khu giam giữ phạm nhân có mức án 15 năm trở xuống và được đánh số theo quy định; có 01 hội trường, 01 thư viện, 01 phòng khám chữa bệnh, trong khuôn viên được trồng nhiều cây xanh nhằm tạo ra môi trường xanh, thân thiện trong công tác quản lý phạm nhân nữ.

Theo kết quả thống kê từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2020, số lượng phạm nhân nữ tại trại giam Phú Sơn 4 luôn có sự biến động thay đổi theo chiều hướng tăng dần. Năm 2015 có 865 phạm nhân nữ, chiếm 17,18% tổng số phạm nhân; năm 2019 có 950 phạm nhân (chiếm 18,33%); đến tháng 6/2020 có 966 phạm nhân, chiếm (chiếm 18,80%). Qua nghiên cứu, phạm nhân nữ tại Trại giam Phú Sơn 4 có tội danh đa dạng, tuy nhiên số lượng lớn phạm nhân tập trung vào các loại tội như: Các tội phạm về ma túy, tội phạm về xâm phạm sở hữu, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Cán bộ trại giam chia sẻ niềm vui cùng các nữ phạm nhân trong ngày được đặc xá

Phạm nhân nữ tại Trại giam Phú Sơn 4 được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng theo quy định tại Nghị định 117/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ ăn. Phạm nhân nữ trong thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được tăng thêm định lượng thịt, cá từ 20% đến 30% nếu bác sỹ chỉ định. Đối với phạm nhân nữ có con theo mẹ vào trại ngoài các quy định của pháp luật thì được cấp thêm các đồ dùng cần thiết để phục vụ cho việc chăm sóc con. Phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi được giam giữ riêng; diện tích chỗ nằm đảm bảo tối thiểu cho mỗi phạm nhân nữ là 2m2, đối với phạm nhân nữ có con nhỏ nằm cùng thì tối thiểu là 3m2.

Hệ thống buồng giam có cửa sổ, được bố trí hệ thống thông gió nhằm đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng; buồng giam luôn được vệ sinh sạch sẽ, chăn màn, tư trang cá nhân được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp; khu vực vệ sinh luôn được vệ sinh sạch sẽ, luôn bảo đảm kín đáo, hợp vệ sinh.

Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều tình thành trên cả nước nhưng tại Trại giam Phú Sơn 4 các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đến nay chưa phát hiện một trường hợp phạm nhân nào mắc COVID-19.

Thư viện phạm nhân tại phân trại số 2 đã được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2015, có diện tích hơn 400m2, được trang bị bàn, ghế, tủ, vốn sách ban đầu hơn 4.000 bản và hàng chục loại báo, tạp chí về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật; gương người tốt việc tốt; y học; giáo dục; chăm sóc, nuôi dạy trẻ; khoa học kỹ thuật… và 01 bộ máy vi tính. Đây là thành quả của sự nỗ lực khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ, chiến sỹ Phân trại số 2 nói riêng, sự tâm huyết, trách nhiệm của Thư viện tỉnh Thái Nguyên và Trại giam Phú Sơn 4 đã vận động sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức và cá nhân, giúp cho mỗi phạm nhân có thêm một kênh thông tin hữu ích để tự học tập, rèn luyện bản thân trong quá trình cải tạo, sớm tái hoà nhập cộng đồng.

Các ngày hội thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo phạm nhân nữ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục phạm nhân nữ và bảo đảm quyền được thừa hưởng thành quả của văn hóa, nghệ thuật của phạm nhân nữ.

Đối với hoạt động thăm gặp, liên lạc của phạm nhân nữ, tại Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4 có khu nhà thăm gặp riêng, trong đó có xây dựng các buồng hạnh phúc nhằm phục vụ việc thăm gặp người thân trong thời gian 24 giờ đồng hồ của những phạm nhân nữ có quá trình giáo dục, cải tạo tốt. Đây được coi như phần thưởng cho quá trình nỗ lực không ngừng của phạm nhân nữ trên con đường hướng thiện, trở thành những người công dân có ích cho xã hội sau khi hoàn thành việc chấp hành, đồng thời những trường hợp đó cũng là tấm gương, là động lực để những phạm nhân nữ khác tiếp tục cố gắng cải tạo.

Số phạm nhân nữ tại Trại giam Phú Sơn 4 không có nghề nghiệp hoặc làm nghề tự do chiếm tỷ lệ dao động trên dưới 60% thì hoạt động dạy nghề cho họ là rất quan trọng. Việc tổ chức các lớp học tập cho phạm nhân nữ được áp dụng đối với 100% số phạm nhân hiện có. Hoạt động học tập của phạm nhân nữ được tổ chức thành các lớp theo 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu vào, giai đoạn giữa và giai đoạn đầu ra. Năm 2015, tổ chức 7 lớp với 375 lượt phạm nhân nữ tham gia; năm 2018, tổ chức 13 lớp với 354 phạm nhân nữ tham gia, trong đó có 4 lớp cho số phạm nhân chuẩn bị chấp hành án xong. Sau khi kết thúc khóa học thì tổ chức kiểm tra đánh giá và cấp chứng chỉ nghề. Ngoài thời gian tham gia lao động phạm nhân nữ còn được tham gia các lớp học văn hóa, pháp luật, giáo dục công dân theo chương trình do Bộ Công an quy định.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật

Bên cạnh những mặt đã đạt được thì việc bảo đảm QCN của phạm nhân nữ tại Trại giam Phú Sơn 4 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Hệ thống văn bản pháp luật hiện nay mặc dù đã có nhiều thay đổi so với trước đây, tuy nhiên vẫn chưa thật sự được hoàn thiện; chưa ghi nhận đầy đủ các QCN của phạm nhân nữ theo quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là trong việc xử lý đối với những hành vi tra tấn và các hình thức phân biệt đối xử; quy định trong hoạt động tố tụng hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc áp dụng đối với phạm nhân nói chung chứ chưa có quy định dành riêng đối với phạm nhân nữ. Cùng với sự gia tăng về số lượng phạm nữ thì cơ cấu thành phần phạm nhân nữ tại Trại giam Phú Sơn 4 cũng hết sức phức tạp, có đủ thành phần khác nhau: Từ những người mù chữ đến những người có trình độ đại học, cao đẳng; từ người dưới 18 tuổi đến người trên 45 tuổi; từ người không có nghề nghiệp ổn định đến người là học sinh, sinh viên, cán bộ công chức. Đặc biệt, về tội danh, có những tội không có xu hướng giảm như: Tội phạm về ma túy, tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm về kinh tế, chức vụ. Như vậy, ngoài việc phải bảo đảm quyền của từng phạm nhân nữ thì cũng cần phải bảo đảm quyền theo từng nhóm phạm nhân cho phù hợp.

Đội ngũ cán bộ tham gia quản lý, giáo dục phạm nhân nữ hiện nay còn thiếu, đặc biệt là số cán bộ làm công tác quản giáo. Điều kiện cơ sở vật chất, công trình giam giữ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, giáo dục phạm nhân nữ còn yếu và thiếu chưa đảm bảo yêu cầu công tác. Việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào việc quản lý, giáo dục phạm nhân nói chung, phạm nhân nữ nói riêng chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, tại Trại giam Phú Sơn 4 có một số phạm nhân nữ có con theo mẹ vào trại, điều này cho thấy phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ là bảo đảm quyền của phạm nhân nữ và quyền trẻ em.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã từng bước tương thích với pháp luật quốc tế về QCN của phạm nhân nói chung và phạm nhân nữ nói riêng. Tuy nhiên,  từ thực tế tại Trại giam Phú Sơn 4 có thể thấy những giải pháp cần triển khai thực hiện để có thể bảo đảm tốt hơn việc thực hiện QCN của phạm nhân nữ.

Thứ nhất, đối với các quy định của pháp Luật hình sự và tố tụng hình sự. Thực tế cho thấy, trong trường hợp cán bộ có thẩm quyền hoặc phạm nhân khác có hành vi xâm phạm đến QCN của phạm nhân nữ, đặc biệt là hành vi phân biệt đối xử, tra tấn, dùng nhục hình, bạo hành về thể xác, bạo hành về tình dục rất khó bị phát hiện. Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 2015 đã có những quy định phù hợp với pháp luật quốc tế trong ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ QCN. Tuy nhiên, để bảo đảm tốt hơn việc thực hiện QCN của phạm nhân nữ thì cần phải có quy định cụ thể đối với tội danh tra tấn, phân biệt đối xử đối với phạm nhân nữ; có quy định dành riêng cho đối tượng là phạm nhân nữ và bảo vệ nhân chứng của hành vi xâm phạm QCN của hạm nhân nữ. Đồng thời, khi xây dựng pháp luật cần phải thực hiện theo nguyên tắc tiếp cận dựa trên QCN và tính đến hai loại hành vi vi phạm là từ phía phạm nhân và từ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia thi hành án phạt tù. Đối với những vi phạm đến từ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia thi hành án phạt tù thì phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn, mức hình phạt nặng nhằm loại bỏ nguy cơ của hành vi tra tấn, phân biệt đối xử, dùng nhục hình đối với phạm nhân nữ.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về thi hành án hình sự. Cùng với pháp luật quốc gia thì hệ thống luật pháp về thi hành án hình sự có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ QCN của phạm nhân nữ. Đây là việc thể chế hóa chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm QCN của phạm nhân nữ. Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Đặc xá năm 2018… và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch giữa các bộ, ban, ngành được ban hành đã thực sự thể hiện đầy đủ tính nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác thi hành án hình sự, đồng thời cho thấy các QCN của phạm nhân nói chung, phạm nhân nữ nói riêng luôn được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định cụ thể về diện tích tiêu chuẩn của khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho mỗi phạm nhân nữ; có quy định cụ thể về tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phạm nhân nữ, như việc: Phạm nhân nữ có nhu cầu lưu trữ noãn để phục vụ việc thực hiện quyền làm mẹ sau khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung các quy định liên quan đến việc phạm nhân nữ được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm QCN của phạm nhân nữ. Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm giám sát hoạt động thi hành án hình sự (điều 6); Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát hoạt động thi hành án (điều 7, 167, 168). Tuy nhiên, đây mới chỉ là những quy định về hoạt động thi hành án hình sự nói chung, chưa có quy định về việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm QCN của phạm nhân nữ. Do vậy, để hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCN của phạm nhân nữ diễn ra thường xuyên, liên tục, và có hiệu quả hơn, tránh tình trạng khi có sự việc vi phạm xảy ra mới tiến hành, thì cần thiết phải có một cơ chế mới. Trong đó, giao trách nhiệm cho một cơ quan duy nhất, có đủ năng lực về chuyên môn, đủ nhân lực chịu trách nhiệm chính và có đủ quyền lực thực tế để thực hiện triệt để viêc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm QCN của phạm nhân nữ.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *