Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5 vào tháng 10/2024. Để lần kiểm tra này của Đoàn Thanh tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến về những nhiệm vụ cần thực hiện ngay.
Phóng viên: Thứ trưởng cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã có sự cải thiện như thế nào so với đánh giá của EC tại các lần kiểm tra trước?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: So với 4 lần đánh giá trước, đến nay, Việt Nam đã đạt kết quả tương đối tích cực.
Về khung pháp lý, Việt Nam đã có Luật Thủy sản năm 2017, các nghị đinh, thông tư đã được ban hành đầy đủ. Đặc biệt, gần đây, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sửa đổi, bổ sung 2 nghị định và các thông tư để quản lý đội tàu một cách toàn diện và triệt để. Bên cạnh đó, hồ sơ xuất khẩu hải sản sang EU đã cơ bản đáp ứng yêu cầu với sản phẩm khai thác trong nước và nhập khẩu. Việc truy xuất điện tử đã được thực hiện ở trên 70 cảng cá.
Việc xử lý các vi phạm pháp luật đã các ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm minh hơn, hiện đã xét xử và truy tố 11 vụ hình sự tạo nên sự nghiêm minh và răn đe với các đối tượng cố tình vi phạm, đưa người đi khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã tăng cường chỉ đạo về vấn đề này. Sau Văn bản số 81-CV/TW 20/3/2020 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản, tiếp đó là Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản được ban hành.
Từ ngày 23/10/2017 đến nay, đã có 13 hội nghị do Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp chủ trì cùng với 11 văn bản, công điện, chỉ thị cho thấy, qua 7 năm, các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU rất quyết liệt. Bởi vậy, việc tổ chức thực hiện vẫn là yếu tố then chốt để gỡ “thẻ vàng” IUU.
Tuy nhiên, thực hiện các khuyến nghị của EC, nghề cá Việt Nam vẫn còn có những tồn tại nhất định. Đó là việc quản lý, giám sát đội tàu; xử lý vi phạm hành chính chưa đạt được kết quả tốt như mong muốn.
Phóng viên: Trong giai đoạn nước rút này, sự vào cuộc của địa phương cần được đặt ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Qua 4 lần kiểm tra của EC, họ đều khẳng định ở cấp Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng đủ điều kiện để gỡ “thẻ vàng”. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức thực hiện, sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, người đứng đầu địa phương chưa quyết liệt.
Văn bản số 81-CV/TW và Chỉ thị số 32-CT/TW đều phân tích những nội dung đã đạt được, nội dung chưa đạt được, nguyên nhân, giải pháp. Nghị quyết số 52/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những nhiệm vụ phải thực hiện. Đặc biệt gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã họp với Bí thư, Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển với chỉ đạo rất quyết liệt và nêu rõ trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố nên việc vào cuộc của các địa phương từ nay đến khi EC vào kiểm tra lần thứ 5 có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc gỡ “thẻ vàng”.
Phóng viên: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có kế hoạch gì để cùng địa phương phòng, chống khai thác IUU?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức rất nhiều đoàn công tác, thậm chí có cảng cá, đoàn công tác đã kiểm tra đến lần thứ 5. Mỗi lần kiểm tra, giở từng quyển nhật ký khai thác, đoàn đều chỉ ra những điểm chưa làm tốt, tuy nhiên việc để ý và tổ chức thực hiện còn hạn chế.
Sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW, mỗi lần đoàn công tác làm việc đều có sự tham gia của Thường vụ Tỉnh ủy và sau làm việc đều có văn bản gửi Thường vụ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh để triển khai.
Khi công bố Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (nay là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định, Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP không phải nhắm vào ngư dân mà vào các đối tượng không tuân thủ pháp luật, cố tình lôi kéo ngư dân đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Thời gian tới, thông tin truyền thông gắn với giáo dục, xử lý vi phạm hành chính là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW. Ngoài chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, Việt Nam vẫn phải tăng cường tuyên truyền đến bà con ngư dân để ngư dân hiểu rằng, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm Việt Nam bán cho gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ thì phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của thị trường đặt ra. Không chỉ với thị trường EU mà Nhật bản, Mỹ cũng đã đặt ra vấn đề này.
Phóng viên:Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!