Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
43269

Quyền làm chủ tham gia quản lý nhà nước của công dân

Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân tại nhiều điều khoản với cả hình thức trực tiếp và gián tiếp. Theo tinh thần quy định tại Điều 28 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân.

Tham gia quản lý nhà nước của công dân thực chất là một nội dung của chế độ dân chủ và là một quyền dân chủ. Thuật ngữ dân chủ (Democratic) là từ ghép của hai từ demos (nhân dân) và kratos (quyền lực). Dân chủ từng được hiểu là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo đó, khái niệm dân chủ có thể được hiểu đơn giản như tất cả quyền lực thuộc về nhân dân hay quyền lực nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

Quyền làm chủ tham gia quản lý nhà nước của công dân
Người dân đóng góp ý kiến xây dựng đất nước

Tuy còn có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song các lý thuyết về dân chủ hiện nay có những điểm tương đồng như sau: (i) vấn đề trung tâm của các lý thuyết về dân chủ đều đặt mục đích vì nhân dân, cho rằng nhân dân có quyền tự chủ, tự quyết định và là người thấu hiểu nhất về nhu cầu của chính mình.

Do đó, các lý thuyết về dân chủ cho rằng sự phát triển của dân chủ là tất yếu khách quan và là yếu tố hợp thành nội dung của tiến bộ lịch sử. Ở Việt Nam, giá trị tiến bộ của dân chủ được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt kể từ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI; (ii) một trong những nội dung trọng tâm của những lý thuyết về dân chủ đề cập đến những vấn đề về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước mà quyền lực này bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân và vì dân.

Vì dân chủ có nội dung trọng tâm là về quyền lực nhà nước cho nên khái niệm dân chủ cần được xem xét tập trung trong lĩnh vực tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Như vậy, có sự thống nhất giữa các quan điểm hiện nay về việc tiếp cận dân chủ như những quyền của cá nhân công dân trong việc tham gia vào công việc nhà nước.

Quản lý nhà nước.

Đây là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước thực hiện đối với tất cả các tổ chức, cá nhân, các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng cách sử dụng quyền lực nhà nước có tính cưỡng chế đơn phương nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, duy trì ổn định, an ninh trật tự và thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng thống nhất của nhà nước[2]. Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước.

Các cơ quan nhà nước sử dụng công cụ quản lý là pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công dân tham gia quản lý nhà nước được hiểu là sự tham gia của công dân vào tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân tại nhiều điều khoản với cả hình thức trực tiếp và gián tiếp. Theo tinh thần quy định tại Điều 28 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân là một hình thức biểu hiện của quyền dân chủ và là quyền dân chủ quan trọng nhất. Từ nhu cầu tăng cường dân chủ xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng, từ quá trình hội nhập và toàn cầu hóa cũng như thực trạng thực hiện dân chủ và thực tiễn tham gia quản lý nhà nước của công dân ở Việt Nam cho thấy quyền này là chính đáng.

Bài viết giới hạn nghiên cứu một số quy định của pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân theo hình thức trực tiếp, bao gồm: quyền tham gia xây dựng pháp luật; quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Theo đó, bảo đảm sự tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân vào công việc quản lý nhà nuớc được ghi nhận trong Điều 28 Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật trực tiếp như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Thanh tra năm 2012, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn,…

Trong đó quy định rõ hình thức mà công dân tham gia vào hoạt động quản lý của Nhà nước như việc cơ quan nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại của công dân về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước, tổ chức thảo luận, góp ý và tiếp thu các ý kiến đóng góp vào các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, duy trì ổn định, an ninh trật tự và thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng thống nhất của nhà nước.

Quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân

là quyền tham gia thảo luận các công việc chung của đất nước trên phạm vi cả nước và từng địa phương, quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về xây dựng bộ máy nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Tính trực tiếp của quyền lực nhân dân được thể hiện trong quản lý Nhà nước. Nội dung của quyền này được xác định gồm: quyền tham gia trực tiếp vào việc quản lý nhà nước thông qua việc góp ý, thảo luận xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; quyền kiến nghị những vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Đây là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân được ghi nhận trong đạo luật cơ bản của Nhà nước là Hiến pháp, là cơ sở pháp lý quan trọng để công dân tham gia vào quản lý nhà nước, thể hiện vai trò làm chủ của công dân về chính trị, phát huy vai trò và trí tuệ, huy động sức mạnh của công dân vào việc duy trì ổn định, an ninh trật tự và thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng thống nhất của Nhà nước.

Như vậy, quyền tham gia quản lý nhà nước được hiểu là một quyền dân chủ trực tiếp và có ý nghĩa thực sự khi nó được gắn với trách nhiệm bảo đảm thực thi và tạo điều kiện bởi Nhà nước.

Pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân:

Trong đời sống xã hội, vai trò của pháp luật ngày càng được đề cao, đặc biệt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Theo quan điểm của học thuyết Mác – Lênin, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung, do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Với tư cách là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật luôn tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quan hệ xã hội nói chung, cũng như tới tất cả các yếu tố của thượng tầng chính trị – pháp lý nói riêng.

Trong khoa học pháp lý hiện nay, chưa có khái niệm thống nhất về sự điều chỉnh của pháp luật đối với quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân. Tuy nhiên, từ những khái niệm chung về pháp luật và sự phân tích mối liên hệ giữa pháp luật và vấn đề quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân, bài viết đưa ra khái niệm pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân ở Việt Nam như sau:

“Pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân là hệ thống quy định do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành trong việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; quyền kiến nghị những vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước, hướng đến mục tiêu bảo đảm quyền dân chủ của công dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”

Quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân ở Việt Nam được thể hiện qua các nội dung sau:

Quyền tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Xây dựng pháp luật là hoạt động ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của pháp luật cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Nói cách khác, xây dựng pháp luật là hoạt động sáng tạo hoặc thay đổi các quy phạm pháp luật đã có. Thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, hệ thống pháp luật có thể “phình” ra hoặc “teo” đi.

Hoạt động xây dựng pháp luật cũng là hoạt động quyền lực hóa các chuẩn mực xã hội[3]. Pháp luật không chỉ là công cụ để nhà nước thực hiện quản lý xã hội, mà còn là phương tiện để công dân giám sát hoạt động của nhà nước, đảm bảo hoạt động của nhà nước đi đúng hướng.

Như vậy, quyền tham gia xây dựng pháp luật có thể được hiểu ngắn gọn là khả năng pháp luật cho phép công dân đóng góp, thảo luận vào quá trình sáng kiến, soạn thảo, ban hành sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của pháp luật. Cụ thể đó là hoạt động như xây dựng chính sách; lấy ý kiến đối với chính sách và dự thảo văn bản; thẩm định, thẩm tra văn bản; xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật; bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 28 Hiến pháp năm 2013, Điều 6, Điều 36, Điều 57 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 ghi nhận quyền của công dân tham gia vào việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Phương thức để công dân tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo tổ chức cho công dân tham gia góp ý về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Công dân có quyền đóng góp ý kiến, phản ánh với Nhà nước về vướng mắc, bất cập của các văn bản pháp luật. Nhà nước xem xét, tiếp thu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”. Luật quy định rõ 15 loại văn bản quy phạm pháp luật mà công dân có quyền tham gia xây dựng[4].

Cần có các thiết chế cụ thể để công dân có thể thực hiện hiệu quả quyền tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm các quyền con người, quyền công dân là việc tạo ra các tiền đề, điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý và tổ chức để cá nhân công dân thực hiện tốt quyền đã được pháp luật ghi nhận.

Quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước

Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng cùng với quá trình quản lý Nhà nước, Nhà nước cần chủ động, tích cực tổ chức các cuộc thảo luận, đồng thời thu nhận ý kiến từ thực tế khách quan về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước do công dân phản ánh, kiến nghị. Điều này khắc phục tính thụ động của các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện sự nhạy bén tiếp nhận, xử lý đối với các vấn đề được công dân đưa ra, trong bối cảnh các quan hệ xã hội liên tục vận động.

Muốn nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, cần tạo cơ chế độc lập cho việc thực hiện quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước của công dân về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước trong hoạt động quản lý nhà nước. Công việc tại cơ sở, địa phương được công dân tham gia thảo luận, cùng đóng góp công sức, công dân được hưởng trực tiếp các thành quả, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quyền tham gia tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước của công dân về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước trong hoạt động quản lý nhà nước có thể được hiểu ngắn gọn là khả năng pháp luật cho phép công dân thảo luận, đề xuất, đóng góp các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề của cơ sở, địa phương nơi công dân sinh sống hoặc các vấn đề trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Thứ nhất, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

Phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia của công dân vào công việc quản lý nhà nước, một trong những mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các chính sách, pháp luật được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ ngay sau những ngày đầu thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Hiến pháp năm 1946 khẳng định “…

Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều thứ 1). “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều thứ 6), “…đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến thiết tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều thứ 7).

Việc công dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước, xây dựng các chính sách, pháp luật ở nước ta ngày càng được coi trọng. “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý” (Điều 53 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992).

Là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mỗi cá nhân công dân cần có ý thức nghiêm chỉnh tuân thủ, chấp hành và thực hiện đúng pháp luật; tích cực phòng ngừa, đấu tranh và chống các hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân là phương thức đề cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất; bảo đảm để công dân khai thác và sử dụng pháp luật khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Từ đó, công dân có điều kiện nâng cao trình độ, nhận thức, tận dụng cơ hội mà pháp luật quy định để chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào công việc quản lý nhà nước.

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gồm nhiều giai đoạn, từ sáng kiến pháp luật, lập chương trình xây dựng pháp luật đến soạn thảo, góp ý, thẩm định, thông qua và ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều chủ thể tham gia. Trong đó, giai đoạn góp ý vào dự thảo là hình thức trực tiếp về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân. Bằng hoạt động đóng góp ý kiến, quyền được thảo luận, được bàn bạc, được thể hiện chính kiến của công dân thể hiện rõ nét.

Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Để công dân tiếp cận, đóng góp ý kiến nhanh và hiệu quả nhất đối với dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì dự thảo phải lựa chọn hình thức lấy ý kiến phù hợp như gửi văn bản, đăng tải trên trang web, cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của cơ quan, trang fanpage, mạng xã hội, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm,…

Thực tế cho thấy, quyền tham gia xây dựng pháp luật của công dân thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực như nội dung lấy ý kiến phù hợp với đối tượng lấy ý kiến. Việc phân chia nội dung-đối tượng cho thấy công dân tham gia đóng góp ý kiến sẽ thiết thực hơn. Các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình, tiếp thu, đăng tải công khai báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của công dân trên cổng thông tin điện tử thể hiện sự tôn trọng công dân.

Pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân giúp cho chính công dân nhận thức được hành vi nào được phép hay phải thực hiện, hành vi nào bị nghiêm cấm. Từ đó, mỗi công dân sẽ tự giác và chủ động thực thi quyền, nghĩa vụ, có ý thức tuân thủ, không xâm hại trật tự chung cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và chủ thể khác. Nhà nước cũng kịp thời có biện pháp đấu tranh và xử lý khi phát hiện các chủ thể khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Thứ hai, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của Nhà nước, thể hiện sự gắn bó giữa Nhà nước và công dân.

Đáp ứng quyền được biết của công dân về các công việc của Nhà nước, tạo điều kiện để cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra sáng kiến hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan công quyền. Mối quan hệ hai chiều này được hình thành và duy trì trong các quy trình quản lý, từ dự kiến cho tới hoạch định, ban hành chính sách và tiếp theo là thi hành và đánh giá hiệu quả của chính sách.

Hiệu quả hoạt động của Nhà nước ngày càng được nâng cao khi tổ chức cho công dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chú trọng chất lượng, không nặng về hình thức, không thực chất, chưa tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị của công dân về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc và toàn diện.

Từ quyền được biết, công dân mới có thể phản biện các dự thảo chính sách, pháp luật. Việc tham gia của công dân vào quá trình quản lý nhà nước làm tăng chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước. Nhờ được cung cấp thông tin một cách đầy đủ và khách quan, công dân có điều kiện đánh giá các khía cạnh của dự thảo văn bản pháp luật.

Quá trình cung cấp thông tin chính là bước chuẩn bị về tinh thần cho những đối tượng chịu sự tác động và độ sẵn sàng của xã hội khi tiếp nhận và thực hiện pháp luật. Các kiến nghị của công dân đối với các vấn đề của cơ sở, địa phương và của cả nước được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xem xét kịp thời. Sự đồng thuận trong quá trình thực hiện pháp luật thể hiện thước đo hài lòng về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Rõ ràng là khi ý kiến của công dân được tiếp nhận là động lực cho công dân đóng góp những lần tiếp theo. Và đây được coi là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà nước, thể hiện sự gắn bó giữa nhà nước-công dân, là cốt lõi của cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Nhà nước quy định việc mở rộng sự tham gia để công dân thực hiện quyền và trách nhiệm đối với phạm vi nơi sinh sống và cả nước, mỗi công dân có quyền tham gia thảo luận trực tiếp và kiến nghị vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước vào các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cách thức thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông hoặc gửi ý kiến góp ý đến cơ quan có thẩm quyền, thông qua tính chất công việc và vị trí việc làm, công dân thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, đấu tranh loại trừ các hiện tượng tiêu cực như quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí,… trong bộ máy nhà nước. Ví dụ: Để bảo đảm công dân được an toàn khi tố cáo những hành vi sai phạm, những vấn đề nổi cộm của cơ sở, của địa phương cũng như cả nước, cần mở rộng các hình thức tố giác, tố cáo như đơn thư, email, điện thoại, tin nhắn,…

Bên cạnh đó, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007  quy định công dân có thể tham gia bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến đời sống ở cơ sở, công dân có thể góp ý với cơ quan chức năng về những vấn đề bất cập, tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển, đề xuất các giải pháp để giải quyết.

Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 và Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo và được cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận, giải quyết. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mang tính khách quan, thực tế của công dân ở cơ sở, địa phương và cả nước liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật. Từ đó, có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, tạo động lực phát triển.

Thứ ba, góp phần bảo đảm quyền làm chủ của công dân

Quyền làm chủ của công dân được thể hiện thông qua quyền được tiếp cận thông tin, quyền được thảo luận, quyền được quyết định và quyền được kiểm tra, giám sát. Với hình thức trực tiếp thực hiện quyền làm chủ, công dân tự mình đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng cách đó mà ý chí, trí tuệ của công dân được đưa vào các quyết định của Nhà nước. Đây là một kinh nghiệm, một hình thức dân chủ được Nhà nước thực hiện hiệu quả và nhất quán. Cùng với sự phát triển của xã hội, quyền tham gia vào quản lý nhà nước trực tiếp của công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ và minh bạch hơn.

Công dân được mở rộng quyền tham gia mạnh mẽ và thực chất vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước, tham gia vào các công việc của Nhà nước một cách có trách nhiệm, được khẳng định bản thân.

Tăng cường thực hiện pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước trực tiếp của công dân ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *