Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13836

Thách thức nào trong bảo vệ quyền con người của Tòa án giai đoạn xét xử vụ án hành chính?

Qua hoạt động của Tòa án giai đoạn xét xử vụ án hành chính, các quyền và lợi ích cơ bản của đương sự được đảm bảo, gồm: quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền tiếp cận, trao đổi chứng cứ, tự thu thập chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp không tự thu thập được; quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyền tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình và được trợ giúp pháp lý nếu thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý; quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án; quyền tiếp cận công lý.

Báo cáo tổng kết năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019 của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 10.506 vụ, tăng 1.195 vụ so với cùng kỳ năm 2017; đã giải quyết, xét xử được 6.575 vụ, tăng 1.657 vụ so với năm 2017 (đạt 62,58%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 4,43%, giảm 0,21%; bị sửa là 3,94%, tăng 0,12% so với cùng kỳ năm 2017. Toà án nhân dân các cấp đã giải thích, đính chính hoặc kháng nghị đối với 07 bản án do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Về công tác giải quyết các vụ án hành chính năm 2019, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 10.785 vụ, đã giải quyết, xét xử được 7.142 vụ, đạt tỷ lệ 66, 22% (so với năm 2018, thụ lý tăng 279 vụ; giải quyết, xét xử tăng 567 vụ). Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 7.969 vụ, đã giải quyết, xét xử 4.950 vụ; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 2.686 vụ, đã giải quyết, xét xử 2.099 vụ và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 130 vụ, đã giải quyết, xét xử 93 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 4,16%, giảm 0,27% so với cùng kỳ năm 2018; bị sửa là 3,4%, giảm 0,54% so với cùng kỳ năm 2018. Toà án nhân dân các cấp đã giải thích, đính chính đối với 15 bản án do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những hạn chế trong hoạt động của Tòa hành chính đối với bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người khởi kiện là cá nhân.

Thứ nhất, nguyên tắc trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa Hành chính và Hội đồng xét xử là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” chưa được hiện thực hóa tốt trong thực tiễn. Qua thực tế xét xử cho thấy, ở những vụ án mà ở đó “người bị kiện” lại là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (Chủ tịch UBND các cấp) thì “quyền độc lập xét xử” của Tòa án trong nhiều trường hợp không còn có ý nghĩa thực tế nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử vì lúc này tính khách quan, đúng pháp luật sẽ không còn nữa.

 Thứ hai, hạn chế ở sự phối hợp từ phía người bị kiện (đặc biệt nhấn mạnh chủ thể là Chủ tịch UBND) và sự phối hợp từ phía các cơ quan quản lý hành chính cung cấp các chứng cứ, tài liệu. Việc không đưa ra giải quyết, xét xử được án hành chính có nguyên nhân chủ yếu rất lớn từ phía chủ tịch UBND các cấp, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, nhưng không kịp thời giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu, chứng cứ; hoặc có giao nộp nhưng không đầy đủ, trong đó cá biệt còn có Chủ tịch UBND không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của tòa án. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, thời gian giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu chứng cứ là 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo thụ lý án và người đại diện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đa số người được ủy quyền đều lấy lý do bận công tác không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, dẫn đến tòa án phải hoãn đi, hoãn lại mất nhiều thời gian. Thực trạng trên đã và đang gây bức xúc đối với tổ chức, công dân khi có vụ việc cần đến tòa giải quyết, ảnh hưởng xấu đến chỉ tiêu, chất lượng giải quyết án hành chính; đồng thời, tạo ra áp lực đối với thẩm phán, thư ký khi phải giải quyết án hành chính. Trên thực tế, việc lấy các chứng cứ, tài liệu giấy tờ của người khởi kiện rất khó khăn, dễ làm đông cứng quá trình bảo vệ quyền của chính họ và mất niềm tin vào pháp luật.

Thứ ba, thực tiễn chứng minh rằng, để tiếp cận được công lý, người dân phải trải qua một hành trình pháp lý dài mà họ phải kiên trì theo đuổi, thậm chí thắng kiện còn chờ để đấy và chờ thi hành án.

Điều này thể hiện rất rõ thông qua số liệu về tỷ lệ bản án quyết định bị hủy, bị sửa trên tổng số vụ án hành chính đã giải quyết, xét xử qua các năm đều cao. Năm 2019,  tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy là 3,1%; bị sửa là 2,9%. Thực tế này cho thấy, vẫn còn tồn tại khá phổ biến các vụ án hành chính ở giai đoạn xét xử sở thẩm tại Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, người dân thường thua kiện, nhiều trường hợp chỉ đến phiên tòa phúc thẩm, vụ án mới được xem xét khách quan và nghiêm túc, và nhiều trường hợp, Tòa phúc thẩm có những phán quyết ngược lại và hủy án sơ thẩm.

Bên cạnh đó, việc xét xử vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn tăng. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này đó là trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý án hành chính, tòa án xác định đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, trả lại đơn khởi kiện không đúng, thụ lý đơn khởi kiện không đúng thẩm quyền; quyết định tạm đình chỉ vụ án không đúng; các hạn chế trong xác minh tài liệu, chứng cứ; hạn chế trong chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán; …Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm công lý của người dân, hay nói cách khác, cản trở sự tiếp cận quyền của nhóm đối tượng này.

Thứ năm, nguyên tắc tranh tụng, đối thoại không được đảm bảo khi luật cho phép xét xử vắng mặt người bị kiện. Tuy nhiên, ở tất cả các giai đoạn này, người bị kiện thường vắng mặt với lý do bận công tác, đặc biệt đối với các vụ kiện liên quan đến Chủ tịch UBND, UBND. Do đó, tính chất tranh tụng, đối thoại trong xét xử án hành chính trên thực tiễn nhiều khi không được đảm bảo trên thực tiễn. Hệ quả là quyền của người dân – người khởi kiện trong nhiều trường hợp không được bảo đảm

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *