Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13469

NHỮNG NGƯỜI ĐI QUA BIỂN Kỳ cuối: NHƯ LÀ QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

Năm 1975, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đã chấm dứt. Tiếng súng đã ngưng, nhưng hòa bình thực sự vẫn chưa đến với đất nước Việt Nam bởi chính sách cấm vận của chính quyền Mỹ. Khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn đầy chông gai và băng giá, thì những nhà văn, nhà thơ cựu binh của hai đất nước sau cuộc chiến đã mở một con đường đi qua biển để đến với nhau. Trước kia, những lính Mỹ đã đi qua biển mang theo bom đạn đến với mảnh đất Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, vẫn con đường đi qua biển, họ mang đến mảnh đất này sự sám hối và lời xin lỗi cùng giấc mơ hòa bình và tình bạn. Còn những người lính Việt Nam đi qua biển tới Mỹ chỉ mang theo những vẻ đẹp văn hóa, khát vọng hòa bình và lòng vị tha của dân tộc.

Trong suốt nhiều năm, họ là những người tiên phong dựng lên một cây cầu của tình bạn và hòa bình giữa hai dân tộc. Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt-Mỹ, Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết gồm 3 kỳ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một người đã tham dự từ đầu cùng các nhà văn, nhà thơ cựu binh của cả hai phía cho tới tận bây giờ để xây lên cây cầu ấy.

Kỳ cuối: NHƯ LÀ QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

1. Trong khi Chính phủ Mỹ đòi hỏi Việt Nam một cách vô lý về vấn đề hài cốt những lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam và dùng đó như một điều kiện cho việc phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước thì nhà thơ, cựu binh Mỹ Larry Rotman đã viết một bài thơ rất nổi tiếng về đến vấn đề này. Bài thơ là lời một lính Mỹ chết trong chiến tranh xâm lược Việt Nam nói với Chính phủ Mỹ rằng, đừng tốn tiền tìm hài cốt của ông. Người lính đó muốn được yên nghỉ đời đời trên mảnh đất mà ông đã mang vũ khí đến để tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Người lính Mỹ đó muốn được yên nghỉ trên cánh đồng lúa nước bên cạnh một dòng sông để ngày đêm được nghe tiếng gió rì rào, được nghe tiếng quẫy của những chú cá rô, được chạm vào những con cò đi kiếm ăn và được nghe những làn điệu dân ca của người nông dân Việt Nam… Nhà thơ, cựu binh Larry Rotman đã thực sự yêu mảnh đất này. Ông đã đưa vợ đến Việt Nam để tổ chức lễ cưới bạc. Tôi đã cùng những nhà văn, nhà thơ Việt Nam tổ chức lễ cưới ấy cho ông. Đêm đó, ông vừa uống rượu vang đỏ vừa khóc vì hạnh phúc.

bức thư được viết nhân dịp hai mươi năm thiết lập quan hệ giao giữa nước Mỹ và Việt Nam.

Cũng như nhà thơ, cựu binh Larry Rotman, Bruce Weigl, sau này là giáo sư ngôn ngữ và là nhà thơ danh tiếng đã viết một bài thơ về một buổi chiều trên cánh đồng ven chân dãy núi ở Tây Ninh. Người lính trẻ khi ấy có một giấc mơ được trút bỏ súng ống để nằm xuống cánh đồng đầy hương thơm của rơm rạ ngày mùa và ngủ mãi. Cho đến mãi những năm về sau, Bruce luôn tự hỏi vì sao ông không nằm xuống cánh đồng và ngủ mãi một giấc ngủ bình yên chứ không phải tiếp tục đi trong cuộc chiến tranh phi lý ấy. Sau này, trước bạn đọc Mỹ và trước các sinh viên Mỹ, Bruce luôn nói: “Tôi không chọn cuộc chiến tranh đó, nhưng tôi chọn đất nước đó (Việt Nam) như một quê hương”. Hàng năm, Bruce Weigl lại vào Việt Nam để mỗi sáng được đi bộ quanh hồ Thiền Quang, uống cà phê trên phố Nguyễn Du. Ông tâm sự với tôi: “Càng ngày tôi càng mơ ước được yên nghỉ trên mảnh đất này”. Lúc này tôi nhớ đến Giáo sư Yudith Ladinsky, Chủ tịch Ủy ban Khoa học hợp tác với Việt Nam. Bà là người Mỹ vào Việt Nam nhiều nhất, khoảng 150 lần, để mang thuốc men, dụng cụ y tế cũng như giúp Việt Nam đào tạo bác sĩ cao cấp. Bà mất tại Mỹ. Con gái bà đã thực hiện ước nguyện của bà là được an táng tại Việt Nam. Bộ Y tế đã an táng bà tại nghĩa trang Vĩnh Hằng. Tôi đã tham dự lễ an táng ấy và đã gặp con gái bà bởi trước đó, tôi đã từng làm phiên dịch cho bà trong những chuyến đến Việt Nam làm việc.

2. Khi viết loạt bài này, tôi đã mơ gặp lại nhà thơ Sam Hamill. Ông mất cách đây mấy năm. Lần cuối cùng chúng tôi mời ông đến Việt Nam dự hội thảo văn học Việt – Mỹ sau 30 năm hợp tác. Nhưng ông không vào được Việt Nam vì nghĩ rằng đến Nội Bài sẽ xin visa cấp tại sân bay. Vì không có visa, ông bị an ninh cửa khẩu ân bay Narita, Nhật Bản không cho bay tiếp vào Việt Nam. Đấy là chuyến đi thất vọng nhất của ông. Ông đã nghĩ về Việt Nam suốt chuyến bay từ Narita trở lại Mỹ và viết một bài thơ có tên “Không đến được Hà Nội”. Xin giới thiệu bản dịch bài thơ của dịch giả Ngân Phương:

Tắc ở sân bay Narita, tôi có hàng giờ

ngẫm nghĩ về một nhà thơ ở Việt Nam

người đã “bảo vệ nỗi buồn” cho ngôi làng của mình,

người mà nỗi đau trở lại giống như con dao

từ bài thơ này đến bài thơ khác.

Nhân viên đeo găng tay trắng

tại Narita lạnh lùng nói:

“Ngài không thể đi mà không có thị thực.

Xin lỗi ngài, luật quy định

ngài phải có thị thực”.

Không có chút ánh sáng nào trong cặp mắt anh ta.

Khi Garcia Lorca trở lại Tây Ban Nha,

ông ấy cũng làm vậy để

bảo vệ nụ cười của mình. Nụ cười của Thiều,

mang đậm nỗi buồn và vẻ đẹp,

là nụ cười đáng để bảo vệ.

Tôi lấy lại hộ chiếu

từ đôi bàn tay đeo găng trắng

và không nói gì cả. Liệu có thể nói gì

với một nhân viên bất động mà nụ cười

giống như một con ếch đang nuốt một con ruồi.

Tôi sẽ không đến Hà Nội

Tôi sẽ không nhìn thấy nụ cười mà tôi muốn nhìn,

ánh sáng sâu thẳm của đôi mắt

có rất ít niềm vui

nhưng lại nói lên rất nhiều điều.

Tôi nghe thấy tiếng ồn ã của phố phường bận rộn,

mùi khói của những xiên thịt nướng

được bán dọc bên đường. Nhưng tôi sẽ không phải

chịu đựng cái nóng ẩm ướt ngột ngạt.

Tôi có hàng giờ để chờ đợi

trước khi bay trở lại Mỹ.

Tôi thức dậy sau một giấc mơ

thấy mình ngồi trên một chiếc ghế sân bay,

lưng đau nhừ, chân tê cứng, khát khao

một thành phố tôi hiếm khi nhìn thấy.

Mệt mỏi, cảm thấy già cỗi như rác,

Tôi miễn cưỡng lên máy bay, và đón chào

bình minh từ độ cao 12.000 mét,

đọc những vần thơ Nguyễn Quang Thiều viết về bình minh

hít thở với hai lá phổi hồng,

một ở phía Tây, một ở phía Đông.

3. Lần đầu tiên tôi gặp David Hunt là năm 1990 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Ông không phải là một nhà văn, ông là một nhà sử học. Nhưng lúc đó, ông là đồng Chủ tịch của Trung tâm William Joiner, Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh của Đại học Massachusetts. Nghiên cứu của trung tâm này lại chủ yếu thông qua các tác phẩm văn học và các công trình khác của nhà văn. Bởi thế Trung tâm có một quan hệ chặt chẽ với các nhà văn Việt Nam đặc biệt là các nhà văn cựu chiến binh. Nhưng rồi, ông không làm ở Trung tâm này nữa. Ông xin thôi chức đồng Chủ tịch và giành thời gian nhiều hơn cho công việc của của một nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tại trường Đại học Massachusetts.

Các nhà thơ soạn thảo thư

 Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam và sau khi nó kết thúc, David Hunt luôn chìm đắm trong những thông tin và tư liệu về cuộc chiến. Một lần, ông đọc được một tài liệu đặc biệt, đó là văn bản những cuộc hỏi cung của Quân đội Mỹ với những người lính Việt cộng ở Mỹ Tho. Mà hầu hết những Việt cộng này lại là những người nông dân hiền lành và chất phác vẫn ngày ngày cày cấy trên những cánh đồng châu thổ trù phú của họ. Ông vô cùng ngạc nhiên trước ý chí bất khuất và khát vọng tự do bất diệt của những người nông dân này. Với ông, đó chính là một trong những câu trả lời thuyết phục nhất vì sao người Việt Nam lại có thể đi qua sự tàn khốc của cuộc chiến để đến chiến thắng cuối cùng. Những người nông dân ấy không phải là một đội quân tinh nhuệ được huấn luyện và trang bị hiện đại, họ chỉ là những người yêu tự do và đấu tranh cho tự do như mọi con người trên thế giới này.

Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, David Hunt đã đến Việt Nam. Từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ông đã tìm đến Mỹ Tho, nơi ông mới chỉ được biết đến qua các tư liệu, kể cả những tài liệu đã được giải mật liên quan đến vùng đất này. Thời gian đó, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn hết sức căng thẳng. Bởi thế, một người Mỹ tìm đến Mỹ Tho rồi “dò hỏi” đủ thứ chuyện liên quan đến những hoạt động cách mạng sẽ không tránh khỏi sự nghi ngờ của chính quyền và người dân. Vì thế, có lúc người địa phương nghi ngờ ông là nhân viên CIA. Sau 15 năm nghiên cứu và viết, cuốn sách đã ra mắt bạn đọc Mỹ. Trong lời giới thiệu cuốn sách của Nhà xuất bản báo chí Đại học Massachuetts có đoạn viết: Chính quyền Mỹ đã từng thề sẽ đánh bại lòng nhiệt huyết và tinh thần của người Việt Nam. Cụm từ “chiến tranh dân tộc” đã trở nên phổ biến trong giới những người lãnh đạo và ủng hộ các cuộc nổi dậy chống lại chiến tranh. Nhưng, trong khi có rất nhiều bài viết về những người được coi là đại diện tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, thì có một điều đáng ngạc nhiên là chúng ta lại biết quá ít về cuộc sống hàng ngày của những người nông dân – một tầng lớp chiếm phần đông dân số đất nước này. Cuốn sách này sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ vấn đề trên.

Có hai lý do chính khiến David Hunt theo đuổi công trình của ông suốt mười mấy năm trời. Thứ nhất, ông thực sự xúc động và kính trọng tinh thần bất khuất và sự hi sinh cho tự do của những người nông dân ở Mỹ Tho. Thứ hai, ông phát hiện ra sức mạnh bất diệt của văn hóa của mọi dân tộc không phải ở trong các di sản hay các công trình nghiên cứu mà ở trong đời sống bình dị của con người. Nhưng có thêm một lý do nữa góp phần thúc đẩy ông là tình yêu của ông với một cô gái Hà Nội. Sau những lần đến Việt Nam, ông đã yêu một cô gái phiên dịch tiếng Anh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Cô gái ấy là Thủy sống cùng bố mẹ ở phố Hàng Thiếc. Năm 1992, ông đến Hà Nội tổ chức lễ cưới. Mặc dù gia đình vợ “miễn” cho ông không phải làm một số thủ tục cưới xin của người Việt vì ông là một người Mỹ, nhưng David Hunt lại muốn làm tất cả. Ông nói với tôi đó là văn hóa và ông muốn được sống trong một phần của nền văn hóa ấy. Thế là lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ gia tiên… theo phong tục Việt Nam đều được thực hiện đầy đủ. Có ba nhà văn Việt Nam “được” phân công làm đại diện cho “Họ nhà trai David” đến nhà gái ở phố Hàng Thiếc ăn hỏi, xin cưới và đón dâu về nhà trai ở “khách sạn”. Đó là cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu và tôi. Và tôi là người thay mặt họ nhà trai để thực hiện việc thưa, việc đáp trong đám cưới đó. Mấy năm trước, David Hunt lại trở lại Việt Nam. Tôi thấy ông trẻ hơn, khỏe hơn so với lần gặp trước đó. Khi nghe tôi nhận xét vậy, ông nhìn vợ cười và nói: “Do thức ăn Việt Nam đấy”.

4. Năm 2015, một nhóm các nhà thơ Việt Nam, Cuba, Mỹ và Colombia tham dự Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương đã cùng nhau viết một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để kêu gọi Chính quyền Mỹ nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với Cuba. Những người viết thư gồm: Giáo sư, nhà thơ Martha Collins (Mỹ), nhà thơ Alex Pausides (Cuba), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Việt Nam), nhà thơ Fernando Rendon (Colombia), giáo sư, nhà thơ Fred Marchant (Mỹ), nhà văn Larry Heinemann (Mỹ), đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức (Việt Nam), giáo sư, nhà thơ Kevin Bowen (Mỹ), giáo sư, nhà thơ Robert Scanlan (Mỹ), tiến sỹ, nhà thơ Nguyễn Bá Chung (Mỹ). Bức thư viết bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh và Tây Ban Nha, kêu gọi các nhà thơ, nhà văn và những người yêu hòa bình trên toàn thế giới ký tên ủng hộ.

Thư gửi Tổng Thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2015

Là các nhà văn, nhà thơ, và những người có thiện chí và trong tinh thần của tình bạn bền lâu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tán thành và khuyến khích phá bỏ các rào cản, cùng việc mở cửa hướng tới sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa mọi dân tộc.

Để đạt được mục đích này, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến gần đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết, và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã phân cách quá lâu. Chúng tôi biết ơn cả hai chính phủ đã đáp ứng những ích lợi của chính dân tộc họ, và cổ vũ sự phát triển của những trao đổi văn hóa hữu ích như là một bước để tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện.

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người từ mọi quốc gia xin cùng chúng tôi ký vào lá thư này, một lá thư được viết nhân dịp 20 năm thiết lập quan hệ giao giữa nước Mỹ và Việt Nam.

Hàng trăm ngàn nhà thơ, nhà văn, trí thức, nhà báo, nghệ sĩ và những người yêu hòa bình trên toàn thế giới đã ký tên vào bức thư. Sau đó, chúng tôi nhận được thư trả lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông đồng tình với khát vọng của chúng tôi về việc phá bỏ cấm vận Cuba. Ông nói ngay cả khi hết nhiệm kì, nếu Chính phủ Mỹ chưa bỏ cấm vận Cuba thì ông vẫn tiếp tục lên tiếng thúc đẩy vấn đề nhân đạo này. Còn nhà văn Larry Heinamann nói: “Chúng tôi chọn Việt Nam để viết lá thư này vì đó là đất nước không bao giờ chùn bước trong cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do và lẽ công bằng của con người và mọi quốc gia. Đặc biệt hơn, đó là đất nước mà chúng tôi đã coi là quê hương thứ hai của mình”.■

 

 Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

* Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *