Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18678

Những Dấu chân Mùa xuân

Đến với huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vào dịp những ngày giáp Tết chúng tôi cảm nhận rõ tinh thần vì nhân dân phục vụ của những cán bộ, chiến sĩ công an đang ngày đêm cùng các lực lượng đứng chân trên địa bàn, gìn giữ sự bình yên cho vùng đất biên cương nơi cực Tây Tổ quốc…

Sự hy sinh lặng lẽ

Gặp Trung tá Lý A Tung, Công an xã chính quy được giao nhiệm vụ Trưởng Công an xã Nậm Kè trong một chuyến công tác tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chúng tôi bị ấn tượng mạnh bởi phong cách năng nổ, hoạt bát và nhiệt tình của một cán bộ công an lâu năm cắm bản, cắm xã, gắn bó với bà con dân bản. Dịp cận Tết Nguyên Đán, quả là khó gặp và liên lạc với anh bởi nhiệm vụ của CA xã Nậm Kè nói riêng và CA trong toàn huyện nói chung vào dịp này phải làm nhiều gấp mấy lần ngày thường để bảo bảo Tết an vui, ấm áp cho người dân ở vùng cực Tây Tổ quốc…

Những con đường dốc núi, lầy lội bùn đất là thử thách không nhỏ đối với cán bộ, chiến sĩ công an

Anh chia sẻ: “Công tác bảo đảm, giữ gìn trật tự trị an ở địa bàn xã Nậm Kè, cũng như toàn huyện Mường Nhé được triển khai chặt chẽ hơn vào dịp này. Chúng tôi đã triển khai kế hoạch trực ngoài giờ, tăng cường thời gian làm việc, ra quân cao điểm bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) vào dịp trước, trong và sau Tết cổ truyền nhằm giúp người dân vui xuân, đón tết an toàn…”

Công việc dịp Tết đến, Xuân về có bận hơn nhiều, nhưng chúng tôi biết rằng, quanh năm những chiến sĩ CA, nhất là người chỉ huy như Trung tá Lý A Tung phải thường xuyên căng mình thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn vùng biên có những phức tạp về ANTT đặc thù. CA xã Nậm Kè hiện có 6 đồng chí CA xã chính quy thực hiện nhiệm vụ nên phải thường xuyên hỗ trợ nhau đảm nhận các phần việc, kể cả phần việc không phải mình phụ trách thì mới bảo đảm được. “Tôi làm cán bộ ở Mường Nhé cũng tầm 14 năm, nên hiểu rõ tình hình. Không một lúc nào được phép lơ là nhiệm vụ. Những dịp cuối năm như thế này càng cần phải bám sát địa bàn và bà con để kịp thời nắm bắt tình hình  và xử lý các vụ việc phát sinh liên quan tới TTAN”.

Sau khi ra trường, anh Lý A Tung được phân công về công tác ở CA huyện Mường Chà trong khoảng 1 năm. Đến tháng 10-2002 khi huyện Mường Nhé được thành lập trên cơ sở chia tách, sáp nhập các xã của huyện Mường Tè (Lai Châu cũ) và Mường Chà (Điện Biên), anh được điều về công tác tại xã Chà Cang, huyện Mường Nhé. Cũng cần nói thêm rằng, công an là lực lượng đầu tiên triển khai làm nhiệm vụ ở Chà Cang- nơi đặt huyện lỵ tạm thời để dựng lán trại, thực hiện các nhiệm vụ công tác với rất nhiều khó khăn, vất vả của những ngày đầu.

Mường Nhé dạo đó là đối với người di cư là vùng đất đầy hứa hẹn, đất đai bạt ngàn và màu mỡ. Nên người di cư tự do kéo tới “miền đất hứa” ngày một đông với tốc độ đáng lo ngại. Tình hình kinh tế-xã hội, ANTT ở đây cũng vì thế trở nên phức tạp hơn. Nóng nhất vẫn là những hành vi lôi kéo, tuyên truyền bà con theo những đạo trái với đạo lý, truyền thống, gây mất đoàn tết, xuất nhập cảnh trái phép…

Học chuyên về công tác an ninh, cán bộ trẻ Lý A Tung được bố trí vào đội an ninh lúc bấy giờ của huyện Mường Nhé. Đội có ít người, anh được giao làm một số chuyên đề về dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông. Thời kỳ đó, ở đây còn nặng nề vấn đề đạo bởi hoạt động tín ngưỡng ở đây bị cấm vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tới tình hình an ninh chung, nên cần tăng cường công tác bám nắm. Cả đội an ninh có mỗi mình anh Lý A Tung là người Mông, am hiểu văn hoá, phong tục của bà con và nói tiếng Mông, nên mọi việc tiếp xúc, gặp gỡ, vận động bà con anh đều phải làm. Dạo đó, có thể nói rằng không có bản làng nào ở Mường Nhé là không có dấu chân của cán bộ trẻ xông xáo Lý A Tung. Cùng với những cán bộ, chiến sĩ CA trong toàn huyện, cán bộ Lý A Tung miệt mài với những chuyến đi cắm bản, trèo núi, vượt suối, lội rừng, cuốc bộ từ bản này sang bản khác. Chuyến đi của các anh kéo dài ròng rã mỗi năm 6 tháng, mỗi đợt đi 3 tháng, với nhiệm vụ chủ yếu là vận động người dân định canh định cư, ổn định sản xuất, không trồng thuốc phiện, không nghe và tin theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Anh Lý A Tung cho biết: “Thời gian cắm bản lâu nhất và liên tục của tôi là năm 2003. Khi đó tôi nhận nhiệm vụ ở bản Huổi Chạ, xã Mường Nhé (bây giờ là xã Nậm Vì). Trong 6 tháng liên tục, ăn, ở với bà con, tôi phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, thuyết phục bà con không nghe luận điệu xấu để đi theo những đạo hoạt động trái phép và một số nhiệm vụ khác”.

Anh Lý A Tung kể, người Mông trước khi theo đạo chỉ có tập tục thờ cúng tổ tiên. Trực tiếp tham gia một số buổi cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo của người Mông anh Lý A Tung nhận thấy thứ đạo mà bà con theo hoàn toàn trái lại với truyền thống, phong tục truyền thống tốt đẹp của người Mông. Ngoài thờ cúng tổ tiên,  trong các ngày lễ, tết, người Mông theo đạo còn giữ gìn các nét đẹp văn hoá ngày Xuân của mình như tham gia hội hội ném pao, thổi kèn, hát đối, thổi sáo để trai gái tìm hiểu nhau… Nhưng những người đạo bỏ hết phong tục thờ cúng tổ tiên, bỏ hát đối và các phong tục tốt đẹp khác. Những người theo đạo được tuyên truyền là chết là được lên thiên đàng, nên không được khóc lóc, không được buồn bã. Cái này trái với phong tục cổ truyền là con cái, vợ chồng khóc thương tiếc người mất, bà con thôn bản, họ hàng đến thăm viếng rất tình cảm. Nhưng phần lớn các đạo hồi đó chưa có giáo lý, giáo luật cụ thể chỉ tuyên truyền chung chung là “theo đạo là tốt” mà không theo giáo lý, giáo luật chính thống nào cả, thậm chí đạo còn chưa có tên gọi. Giữa người theo và không theo đạo nảy sinh những mâu thuẫn lớn, nếu không kịp thời nắm bắt sẽ càng phức tạp hơn.

Nhận thức của bà con mình khi đó hầu như là không có, thậm chí mê muội. Cái khó là người dân không chịu hợp tác, hỏi gì họ cũng trả lời không biết. Giữa cán bộ và người dân chưa hiểu nhau nên có rào cản, nhiều lúc vô cùng khó khăn để tiếp cận. Khi cán bộ CA xuống địa bàn, nhiều người dân vì nghe và tin kẻ xấu đã lảng tránh cán bộ. Khi biết chúng tôi tới, họ ở lì trong nhà không chịu ra gặp. Có bà con còn lợi dụng phong tục tập quán cắm lá xanh ở cửa, ngụ ý nhà đang kiêng không tiếp người lạ, để không cho mình vào. Nếu vào họ sẽ vu là vi phạm, nên phải kiên trì chờ đợi. Người dân họ chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe. Bằng những việc làm gần gũi dân bản của mình, anh em không ngại khó khăn, gian khổ, cùng ăn cùng ở, cùng làm, nói cùng ngôn ngữ với người dân nên đã cảm hoá dần được bà con, thậm chí nhiều đối tượng cầm đầu cũng đã nghe theo. Họ bị bệnh mà chỉ dựa vào cầu nguyện để mong khỏi, chúng tôi phải thuyết phục họ để lâu sẽ nguy hiểm và trực tiếp đưa họ tới trạm y tế để khám chữa…“Anh em chúng tôi phải động viên nhau, xác định đây là nhiệm vụ trường kỳ, mưa dầm thấm lâu, tiếp cận dần dần”, Trung tá Lý A Tung chia sẻ.

Nói về thuở gian nan thực hiện nhiệm vụ ban đầu, Trung tá Lý A Tung dường như không muốn dừng lại khi chưa kể hết. Để có sự yên bình như Mường Nhé hôm nay, những cán bộ công an cắm bản từ những ngày đầu đã đóng góp một phần không nhỏ và giờ đây, các anh vẫn kiên trì bám trụ nhiệm vụ, vì sự bình yên của vùng cực Tây Tổ quốc. Ở một trong những vùng biên khắc nghiệt nhất như Mường Nhé,vcó những chiến sĩ CA đang đang ngày đêm in vết lặng lẽ chân trên khắp mọi nẻo đường và núi rừng trùng điệp để giữ gìn cuộc sống bình yên ở nơi đây. Có thể nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện hôm qua ở Mường Nhé với những nỗi niềm. Nhưng hôm nay, ở vùng biên con gà gáy ba nước cùng nghe, những đổi thay kỳ diệu cùng diện mạo mới ở Mường Nhé hôm nay đang dần xua dần những băn khoăn ấy lùi vào quá khứ.

Sự đổi thay kỳ diệu

Huyện Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên tiếp giáp với cả hai nước Lào và Trung Quốc, trong đó có 165 km đường biên với Lào và 49,5 km với Trung Quốc. Nhắc tới Mường Nhé là người ta nghĩ ngay tới một vùng đất xa xôi, heo hút, nghèo khó, có muốn tới cũng không phải dễ. Nhưng giờ đây, khi tới Mường Nhé, nhiều người đã phải nghĩ khác khi tận mắt chứng kiến sự đổi thay ở nơi này cùng với các chính sách an sinh, xã hội, phát triển kinh tế ở vùng biên của Nhà nước và Chính phủ dành cho địa bàn vùng núi này.

Thiếu tá Lý A Tung, Trưởng Công an xã Nậm Kè (thứ 3 từ trái sang) và Công an viên thăm một nhà dân ở bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé

Nhờ những nỗ lực “vì nhân dân phục vụ” của các lực lượng đứng chân trên địa bàn cùng các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước dành cho huyện nghèo vùng cực Tây, Mường Nhé giờ đây đã được biết tới với những câu chuyện không chỉ là sự đổi thay kỳ diệu, mà còn là nơi chứng kiến tình quân dân gắn bó cùng sự tin tưởng của người dân đối với chính quyền. Ông Lò Văn Vanh, người dân ở bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè vui vẻ chia sẻ với chúng tôi rằng: Đời sống trước đây và bây giờ khác nhau hoàn toàn rồi. Đường xá trước đây đi lại gặp khó khăn lắm, phải đi bộ xuống tận Mường Tè của Lai Châu để mua muối, đeo về cũng chỉ được 5 đến 10 kg thôi. Mỗi năm phải đi vài lần như thế. Nhưng từ năm 1991-1992 trở lại đây, đường xa thông dần xuống Mường Nhé. Chúng tôi ở đây có báo đọc, nghe đài, xem ti vi, có mạng để xem các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Con cái cũng được học hành đến nơi đến chốn hơn.

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ người dân của chính quyền, ông Lò Văn Vanh khoe người dân ở Phiêng Vai đang áp dụng mô hình trồng cây cam, chăn nuôi lợn… Nhà nước đầu tư hỗ trợ về con giống, thuốc bảo vệ tiêm phong dịch bệnh. Một số hộ gia đình còn có của ăn của để, nhiều hộ có thu nhập từ lợn, chăn nuôi trâu bò mỗi năm bán 3-4 con, thu nhập mấy chục triệu.

Tuy nhiên, điều khiến ông vui mừng nữa đó là từ khi lực lượng CA chính quy được triển khai về xã ở Mường Nhé, các vụ việc phức tạp, gây mất trật tự được xử lý ổn thoả, tình hình an ninh được cải thiện hơn rất nhiều. Theo ông, việc đưa lực lượng CA chính quy xuống cơ sở là hoàn toàn thực tiễn với địa phương, sát thực với quần chúng nhân dân. Ông kể: “Ở bản cũng thi thoảng xảy ra các vụ tranh chấp đất đai, mặc dù không phải thẩm quyền của công an, mà bên địa chính, nhưng các đồng chí công an phối hợp tốt với địa chính, tư pháp, hoà giải thành công nhiều vụ, nhân dân yên tâm không có đơn khiếu nại tố cáo vượt cấp. Những cán bộ công an xã có chuyên môn nghiệp vụ, lại nói giỏi tiếng Mông nên người dân tin tưởng và quý mến. Như cán bộ Lý A Tung đó, trước khi làm việc bao giờ cũng hỏi han trao đổi tình cảm, nên người dân càng quý mến, nhất là các cụ lão làng. Trong xã nhiều người có số điện thoại của anh Tung, có việc đều tin tưởng gọi thông báo công an xã”.

Là Trưởng CA xã, Trung tá Lý A Tung trực tiếp quản lý 4 bản ở xã Nậm Kè. Với tinh thần và quyết tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ thôn bản, từ cơ sở, không để vượt cấp lên xã, huyện, nên dù là Chỉ huy nhưng anh Lý A Tung làm việc không khác gì các cán bộ cấp dưới của mình để bám sát và gần gũi bà con thôn bản. Có những hôm cần phải huy cả chỉ huy CA xã xuống bản ở 1-2 ngày với bà con. Đi công tác, cán bộ phải tự túc mang theo đồ ăn khô, gạo… Có những bản xa và khó khăn nhất như Huổi Thanh 2 và Chuyên Gia 3, chỉ có đường dân sinh, đường đất, đi bộ còn khó chưa nói gì đi xe. Nếu đúng mùa gặt, cán bộ công an còn cùng trưởng bản huy động những nhà có đông nhân lực tới giúp những nhà ít người.

14 năm gắn bó với Mường Nhé, Trung tá Lý A Tung luôn cảm thấy tự hào được sống trong tình cảm yêu mến của bà con, gắn bó với bà con thôn bản như trong gia đình. Nhà anh ở xã Mường Toong, nằm ở trung tâm huyện Mường Nhé nên  cũng không có nhiều thời gian về thăm gia đình, kể cả vào những dịp cuối năm, Tết đến, Xuân về như thế này. Có dạo vào mùa gặt, cán bộ Lý A Tung không thể về giúp gia đình, bà con dân bản đã huy động 40 nhân công tới giúp gia đình anh. “Tình cảm tin yêu, quý mến của bà con đối với mình là một động lực giúp tôi càng thêm gắn bó với vùng đất này”, Trung tá Lý A Tung chia sẻ. Tết cổ truyền sắp đến, nhưng cũng như bao cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở địa bàn từng nổi cộm vấn đề ANTT như Mường Nhé và tiềm ẩn những nguy cơ, Trung tá Lý A Tung gần như chưa có thời gian dành cho gia đình bởi công việc bộn bề với kế hoạch bảo đảm vui đón Tết an toàn cho bà con với tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của những chiến sĩ CAND nơi tuyến đầu.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *