Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
45295

Nặng tình Kiều bào với Trường Sa Kỳ 1: “Biển ta còn đó, đảo ta còn kia”

Tôi đã bật khóc khi nghe loa phóng thanh trên tàu nói, tàu nhổ neo ngoài xa, dùng xuồng nhỏ vào Song Tử Tây – đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa về phía Bắc. Biển đảo quê hương chúng ta đây sao? Tôi bâng khuâng và xúc động đến ngây người”, ông Nguyễn Phương Hùng (75 tuổi), Việt kiều Mỹ viết.

Biển ta còn đó, đảo ta còn kia

Trong cuộc trò chuyện trực tuyến đầy bất ngờ với chúng tôi đúng vào lúc dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, ông Nguyễn Phương Hùng vẫn đau đáu nỗi niềm được về thăm Việt Nam. Đã hơn 2 năm, ông chưa được về quê, được gặp gỡ bạn bè và người thân. Từng là cựu chiến binh của quân đội miền Nam Việt Nam, là một người chống Cộng nổi tiếng ở hải ngoại, giờ đây, Nguyễn Phương Hùng lại là một Việt kiều có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước và trở thành cầu nối đoàn kết giữa cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như người Việt ở nước ngoài với chính phủ, người dân trong nước. Hơn chục năm qua, hầu như năm nào ông cũng về nước, tham gia các hoạt động của Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài và thậm chí có tới 3 lần được đến thăm Trường Sa- mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên

“Một lần được đến Trường Sa đã là hãnh diện. Vậy mà tôi được đi đến 3 lần: năm 2012, 2014 và 2016. Năm 2012, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Trường Sa trong tinh thần của một nhà báo chân chính muốn tìm hiểu, đưa tin về sự thật mang tính chính trị: “Biển đảo vẫn còn”. Nếu bảo tôi so sánh cảm xúc của giây phút đầu tiên về Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 9 Hội nhà báo Việt Nam năm 2010 và trải nghiệm Trường Sa thì “mỗi nơi một vẻ, mười phân vẹn mười”, khó mà diễn tả. Cũng là những rung động của tư tưởng và nhịp đập con tim, nhưng bồi hồi, xúc cảm hoàn toàn không giống nhau, chỉ những giọt nước mắt đều bất ngờ chảy dài trên gò má”, ông Nguyễn Phương Hùng kể.

Giây phút cảm động nhất là lễ chào quốc kỳ trước cột mốc chủ quyền

Theo đó, chuyến đi đầu tiên của ông tới Trường Sa được thực hiện trong 10 ngày, từ 18 đến 28-4-2012 cùng gần 200 kiều bào. “Đoàn công tác số 6 là tên gọi của chuyến ra Trường Sa mỗi năm dành cho kiều bào. Chuyến đi năm ấy của chúng tôi có hai đồng trưởng đoàn là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trung tướng Phạm Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Nếu nói rằng mỗi chuyến đi trong đời người đều là những dấu ấn dù đẹp hay buồn thì mỗi hải trình ra Trường Sa lại mang đến cảm giác hạnh phúc khó tả. Ấn tượng Trường Sa làm người đi cảm thấy mình đang là một chứng nhân lịch sử để chứng kiến “biển đảo của quê hương, đất nước vẫn còn đây” bằng chính đôi mắt ngạc nhiên đầy thích thú chứ không phải như những lời xuyên tạc của các thế lực phản động. Nếu không có những chiến thắng đến từ tinh thần Cách mạng tháng 8 năm 1945, chiến thắng mùa xuân năm 1975 thì tôi không có được cơ hội đặt chân đến Trường Sa 3 lần trong những năm cuối đời. Cảm xúc của tôi từ ngày đầu tiên tiếp đáp sân bay quốc tế Nội Bài sau 56 năm rời xa Hà Nội khi mới 8 tuổi với những hồi hộp và nôn nao khi được bước chân lên tàu HQ571 hoàn toàn khác nhau. Tôi băn khoăn không biết an ninh ra sao và cuộc sống cư dân, chiến sĩ như thế nào. Tôi đã bật khóc khi nghe loa phóng thanh trên tàu nói, tàu nhổ neo ngoài xa, dùng xuồng nhỏ vào Song Tử Tây – đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa về phía Bắc. Biển đảo quê hương chúng ta đây sao? Tôi bâng khuâng và xúc động đến ngây người”, ông Nguyễn Phương Hùng nhớ lại.

Đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong một chuyến thăm Trường Sa

Cũng theo lời ông Nguyễn Phương Hùng, mỗi lần trở lại Trường Sa dù vẫn là sóng biển, cây xanh và đất đảo cùng những người lính biển ấy (cả cũ lẫn mới) nhưng cảm xúc lại khác. Và điều đáng nhớ, trân trọng nhất chính là tình cảm của người lính, của đồng bào sống trên đảo. “Thương quá các bạn, quê hương nghĩa nặng tình sâu, nhưng tình người hải ngoại như tôi và đoàn kiều bào đối với các anh em bộ đội thì không thể tả hết. Những món quà nghĩa tình của các đại diện tặng mỗi nơi đoàn ghé thăm. Những ánh mắt mừng rỡ của trẻ em, con của các gia đình dân chúng tình nguyện ra đảo sinh sống. Giây phút cảm động nhất là lễ chào quốc kỳ trước cột mốc chủ quyền và diễu binh dưới ánh nắng nóng như thiêu đốt. Tôi đã khóc, hôn cầu vai mang quân hàm của các anh lính biển lúc chia tay. Đứng trên boong tàu nhìn lại về bờ, nước mắt tuôn rơi”, ông Nguyễn Phương Hùng tâm sự.

Sông Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *