Trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang Mỹ dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, những “chuyên gia chiến tranh tâm lý” đã đưa ra mấy nhận định kiểu: Việt Nam sẽ bị các nước đối xử lạnh nhạt vì đã đón tiếp trọng thị Tổng thống Putin; Việt Nam đang bị nước láng giềng Campuchia tẩy chay vì mưu đồ chiếm đất các tỉnh ở biên giới Việt Nam – Campuchia; Mỹ sẽ hững hờ với đoàn Việt Nam vì vừa sang “thiên triều phương Bắc” để tranh thủ sự ủng hộ về chính trị, sẽ không có một quan chức Mỹ nào ra đón ông Tô Lâm ở sân bay; kinh tế Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng nên nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn không muốn tiếp tục hợp tác làm ăn với Việt Nam, v.v…Thực tế thì sao?
Thứ nhất, Liên hợp quốc hoan nghênh Việt Nam chia sẻ tầm nhìn về xây dựng thế giới hòa bình sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam để xóa bỏ áp bức, bóc lột và xây dựng thế giới hòa bình, tốt đẹp với những thông điệp như “Mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, tuân thủ cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế; kêu gọi là cộng đồng quốc tế cần “chú trọng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển, đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại, giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo” và đề nghị “sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo”, “cải tổ các cơ chế đa phương, nhất là hệ thống Liên hợp quốc và các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế đảm bảo tốt hơn tính đại diện, công bằng, minh bạch”.
Cuộc tiếp xúc với Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 Philemon Yang đều thành công và đều đã đánh giá cao sự tham gia đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ quan quan trọng của LHQ, đều nhất trí tiếp tục nỗ lực, tăng cường đối thoại và thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc và ASEAN – Liên hợp quốc thời gian tới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực.
Thứ hai, sức hút của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế
Tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp lãnh đạo các nước Bulgaria, Phần Lan và Kuwait. Tại các cuộc gặp này, lãnh đạo ba nước đều đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, bày tỏ sự vui mừng đã và đang mở rộng hợp tác làm ăn với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, sau đó cùng bàn bạc và thống nhất nhiều nội dung quan trọng cũng như quan điểm trước các vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Đặc biệt, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện với Ukraine, nêu quan ngại về tình hình xung đột hiện nay và kêu gọi chấm dứt xung đột.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) , ông Tô Lâm đã đề nghị EU tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực quản trị công, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn; đặc biệt hỗ trợ Việt Nam tối đa về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực để thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 … được đối tác EU ghi nhận và hoan nghênh.
Sắc nét và gây sốc nhất với truyền thông zân chủ là cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Joe Biden và phát biểu của ông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đề cao thành công quan hệ Việt Mỹ đã vượt qua những khác biệt và xây dựng quan hệ đối tác bền chặt. Tổng thống Joe Biden đặc biệt nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong khu vực và quốc tế; chia sẻ mong muốn phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, chống biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Không hiểu các “nhà tiên tri” có bất ngờ và sửng sốt trước sự kiện đặc biệt này?
Tiếp đến là cuộc gặp với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn ở Mỹ như Apple, Meta, Supermicro, Blackstone và Warburg Pincus thu hút sự quan tâm và đánh giá cao tiềm năng nghiên cứu đầu tư, hợp tác từ doanh nghiệp Mỹ.
Thứ ba, thông điệp đường lối “ngoại giao thời đại mới” của Việt Nam
Bài phát biểu được truyền trực tiếp trên trang mạng của đại học Colombia thu hút dư luận quốc tế. Nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa với chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam; chia sẻ về “câu chuyện thành công của quan hệ Việt – Mỹ”, thẳng thắn nhắc đến sự khác biệt còn tồn tại giữa Mỹ và Việt Nam về vấn đề nhân quyền, nhưng nêu rõ “Việt Nam chọn đối thoại thay đối đầu”. Trước câu hỏi “dưới sự lãnh đạo của mình, ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự hòa giải giữa người những người Việt Nam?”, ông Tô Lâm cho biết, dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng quá khứ sẽ không bị lãng quên. Tuy vậy, việc quan trọng là rút ra bài học từ quá khứ để hướng tới tương lai hòa bình và ổn định.
Về câu hỏi “ông sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các nhà lãnh đạo Mỹ để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng và có thể trở thành cuộc Chiến tranh lạnh của thế kỷ 21”, ông Tô Lâm khẳng định, nếu các quốc gia chăm chú lắng nghe nhau, nuôi dưỡng văn hóa đối thoại và thử đặt mình vào vị trí của người khác thì không có vấn đề nào là không thể vượt qua.
Trong số những câu hỏi do các sinh viên đặt ra, có một câu hỏi đáng chú ý của một sinh viên đến từ Trung Quốc: “Trong bài phát biểu, ông có nói rất nhiều lần là tìm cách biến những điều không thể thành có thể, vậy ông áp dụng nó thế nào về vấn đề tranh chấp ở biển Đông hiện nay?”. Ông Tô Lâm khẳng định, con đường thuận lợi nhất là đàm phán, trao đổi, hợp tác, chia sẻ và phải làm sao “phân được ranh giới, phân được lợi ích của mình ở đó, trong khi các nước đều phải suy nghĩ đến trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định. Ông cũng không quên nhắc lại rằng Việt Nam “cũng lên án những hành động không hợp pháp, những hành vi can thiệp bằng quân sự, bằng đe dọa, can thiệp vào những hoạt động bình thường trên biển”.
Trong phần trả lời câu hỏi của sinh viên Việt Nam, ông Tô Lâm gây chú ý khi nói rằng ông rất hiểu và ủng hộ cho ước muốn của nhiều sinh viên Việt Nam muốn quay trở về để xây dựng đất nước sau khi tiếp cận được nền văn minh, khoa học tiên tiến ở Mỹ: “Thậm chí kể cả các bạn đang học ở Mỹ đóng góp cho Mỹ công ăn việc làm, chúng tôi cũng rất khuyến khích, cũng rất ủng hộ. Vì mình ở đây không phải là suy nghĩ mình làm cho đất nước mình, cho dân tộc mình, mà quan niệm mình là nó ở tầm quốc tế, tầm nhân loại, văn minh chung cho nhân loại, thì những đóng góp đó chúng tôi cũng rất khuyến khích”.
Một học giả người Mỹ gốc Việt theo dõi buổi tọa đàm nói với VOA rằng ông rất chú ý đến suy nghĩ khác biệt này của ông Tô Lâm so với các nguyên thủ từ trước đến nay, vốn luôn kêu gọi du học sinh quay trở về xây dựng đất nước.
Thiết nghĩ, qua các thông tin khái quát này đủ để các “nhà tiên tri” về các vấn đề Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế, đã thấy rõ uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao như thế nào?./.