Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang ngày càng được triển khai tích cực, được tổ chức chặt chẽ, có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, ngày càng hiệu lực, hiệu quả, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trái ngược điều đó, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc, bóp méo, chẳng hạn như bài viết “Tiền Tỉ!” của Lâm Bình Duy Nhiên, tung ra luận điệu rất tráo trở rằng: “Chống cho có, nhất là đánh phá và khởi tố các thế lực trong nội bộ đảng! Tranh giành quyền lực và ảnh hưởng chính trị mới chính là những cuộc đấu đá mang tên chống tham nhũng. Cứ xem vụ đại án Việt Á chấn động dư luận với việc xét xử hai cựu Bộ trưởng và 36 bị can mới thấy, nếu không có đấu đá nội bộ thì chưa hẳn vụ án được phơi bày ra ánh sáng”. Rõ ràng rằng những luận điệu này không nhằm mục đích nào khác ngoài việc xuyên tạc mục đích, hạ thấp giá trị tốt đẹp và làm giảm ý nghĩa thắng lợi của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân do chưa hiểu đúng, hiểu chưa rõ về cuộc đấu tranh này nên còn hoài nghi, có những phát ngôn lệch lạc, vô tình làm tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.
Cần biết rằng, tham nhũng là “giặc nội xâm” tồn tại và phát triển ngay trong nội bộ. Người tham nhũng giữ chức vụ càng cao thì càng khó xử lý. Nếu nội bộ Đảng không thực sự đoàn kết, nhất trí thì chắc chắn sẽ không thể đưa những kẻ này ra xử lý. Vì vậy, trong vụ án xảy ra ở công ty Việt Á, Đảng đã xử lý 2 Ủy viên Trung ương Đảng, một nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và một số cán bộ cao cấp khác là minh chứng trực tiếp nhất khẳng định nội bộ Đảng ta hoàn toàn đoàn kết, không hề có sự “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ” như những gì các “nhà dân chủ” cố tình tô vẽ, rêu rao. Việc xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền và xử lý hình sự đều được thực hiện trên nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm, không có bao che, khoan nhượng, thỏa hiệp với sai phạm. Phải khẳng định rõ, việc xử lý ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là đúng người, đúng tội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng chỉ rõ, ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Long có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tham nhũng không phải là sản phẩm riêng của chế độ một đảng cầm quyền và càng không phải là sản phẩm riêng của Việt Nam. Tham nhũng là vấn nạn chung của cả thế giới. Ngay trong phần mở đầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 đã ghi nhận rõ: “Không còn là một vấn đề, tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết”. Bản chất của tham nhũng là sự tha hóa quyền lực. Vì vậy, tham nhũng có thể xuất hiện trong bất kỳ xã hội nào nếu quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ. Nên nhớ, năm 2017, Hàn Quốc (một quốc gia đa đảng) đã kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye 22 năm tù vì tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Hồi tháng 7-2020, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng bị kết tội do tham nhũng liên quan đến quỹ nhà nước Malaysia 1MDB. Một thực tế không thể chối cãi là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nhất là cán bộ cấp cao đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước và củng cố niềm tin trong nhân dân.
Luận điệu “Chống cho có”, “Tranh giành quyền lực”, “Đấu đá nội bộ”… của Lâm Bình Duy Nhiên hoàn toàn bị bác bỏ. Nhân bài viết “Tiền Tỉ” của Lâm Bình Duy Nhiên chúng ta cũng cần thấy thêm những luận điệu mà các thế lực thù địch, các con buôn chính trị khoác áo dân chủ nhân quyền đã tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt để công kích Đảng, Nhà nước ta như thế nào?
Một là, những kẻ như Lâm Bình Duy Nhiên mượn chuyện tham nhũng để hướng vào chống phá chế độ. Chúng cho rằng “bản thân bộ máy quan liêu đẻ ra tham nhũng”, “tham nhũng là sản phẩm của chế độ XHCN ở Việt Nam”, rằng “do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công”. Một số kẻ lộng ngôn: “trong một thể chế mà không có tư pháp độc lập, toà án xét xử theo lệnh của Đảng thì không thể chống được tham nhũng, cho nên Việt Nam đã nhiều lần phát động chống tham nhũng nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng”. Có những kẻ còn ngông cuồng phán rằng “cái lò này đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đó đi, chứ không phải đốt những kẻ tham nhũng, bởi không bao giờ đốt hết được cả”. Chúng không biết hay cố tình không biết một thực tế là tham nhũng được sản sinh ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và dù là hình thức nhà nước nào, thể chế chính trị nào thì tham nhũng vẫn sẽ tồn tại. Thực chất của những giọng điệu ấy chỉ là lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt, hòng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Hai là, vin vào chuyện tham nhũng để hướng lái, chĩa mũi nhọn chống phá Đảng. Chúng cho rằng tham nhũng là căn bệnh kinh niên của “chế độ độc đảng cầm quyền”, “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tham nhũng tất yếu xảy ra…”; và rồi vòng vo thế nào cái đuôi của chúng cuối cùng cũng lòi ra: “căn nguyên tạo ra tham nhũng là do đảng đứng trên pháp luật”, vì thế, “phải thực hiện đa đảng để không còn tham nhũng”. Chúng phủ định kết quả to lớn và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta khi lớn tiếng “tuyên bố”: “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”. Tất cả những lời lẽ xuyên tạc đến trơ trẽn ấy mục đích chính vẫn chỉ là để phủ định, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta mà thôi. Ba là, mượn chuyện chống tham nhũng để chống phá công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của Đảng. Chúng trắng trợn xuyên tạc, cho đây là “cuộc chiến của những chiếc ghế”, là “cuộc đấu phe phái” hòng chia rẽ nội bộ ta; có kẻ còn cho rằng “vì chống tham nhũng, nhiều cán bộ đã bị đẩy vào “bi kịch”, “oan nghiệt”. Nhiều trang báo phản động còn triệt để khai thác đời tư của cán bộ, thêu dệt, gán ghép tạo sự tò mò, hiếu kỳ rồi đổ đồng, cào bằng, biến sai phạm phải xử lý của cá nhân một số cán bộ thành bản chất mặc định của cả đội ngũ, cố tình quy chụp, cho đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng lãnh đạo”. Bốn là, xuyên tạc mục đích, phủ nhận thành quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bẻ lái mục đích đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam từ vì lợi ích của quốc gia, dân tộc thành ý muốn chủ quan của cá nhân, vì lợi ích của một nhóm người; lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc hòng biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành những chuyện “đấu đá”, “thanh trừng”, “triệt tiêu” với rất nhiều dị bản. Từ những thông tin cóp nhặt trên mạng xã hội, chúng thêm mắt, thêm râu, cắt xén, nhào nặn, tưởng tượng, dựng nên những câu chuyện về các phe nhóm nội bộ, nào là cánh trung ương và cánh địa phương, phe cấp tiến và phe bảo thủ, phái miền Nam và phái miền Bắc… Chúng cho rằng, các biện pháp chống tham nhũng của Việt Nam là nửa vời, “chỉ làm lấy lệ”, “tắm từ vai trở xuống”, cốt để “đánh bóng tên tuổi”…
Một lần nữa khẳng định rằng, dù các thế lực thù địch có tìm mọi cách để xuyên tạc, bịa đặt thì Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vẫn “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Thiết nghĩ mọi người nên tỉnh táo trước những thông tin xuyên tạc của Lâm Bình Duy Nhiên và loại bỏ nó ra khỏi không gian mạng để tránh để những thông tin kiểu như vậy dẫn dắt nhé.