Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
38953

Chạy tội cho “chất độc da cam” – đỉnh cao của sự mất nhân tính!

Chạy tội của Mỹ ngụy, xóa nhòa tội ác nhằm bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng là chiêu trò, thủ đoạn phổ biến, nhưng phủ nhận tội ác và độc tính của chất độc da cam bất chấp hàng triệu nạn nhân khắp đất nước thì thực sự là đỉnh cao của ác độc, phi nhân tính của những kẻ tự xưng “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”.

Tiêu biểu như bài viết “Vì sao vụ csvn kiện chất độc da cam ở việt nam thất bại” trong đó kẻ viết bài này cho rằng “Người VN hại người VN qua nhiều vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm tẩm hoá chất. Ăn thực phẩm đó rồi bị ung thư, sinh con dị dạng khuyết tật, chứ có chất độc da cam của “Mỹ Nguỵ” nào ở đây” khiến vô khối người xem phẫn nộ.

Về vụ rải chất độc dacam/ đi-ô-xin của Mỹ ở miền Nam, Việt Nam, xin nhắc lại để lịch sử mãi không bao giờ quên. Ngày 10/8/1961, chiếc máy bay đầu tiên của không lực Hoa Kỳ bắt đầu phun rải chất độc dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô (Kon Tum), mở màn cho cuộc chiến tranh hóa học kéo dài suốt 10 năm ở miền Nam Việt Nam. Đã 63 năm đã trôi qua, nhưng những mất mát, đau thương do thảm họa da cam/dioxin để lại trên đất nước ta vẫn rất nặng nề cả về môi trường sinh thái lẫn sức khỏe con người. Là nước gây ra hậu quả đó, Chính phủ Mỹ nhìn nhận trách nhiệm của mình như thế nào và họ đã làm gì để hỗ trợ, bù đắp về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam?

Trong vòng 10 năm (1961 – 1971), quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam, chứa 366kg đi-ô-xin xuống gần 26.000 thôn, bản ở miền Nam Việt Nam. Chất da cam có chứa đi-ô-xin, được coi là chất độc nhất mà con người biết được từ trước tới nay. Mục đích của hành động này là nhằm hủy diệt cây cối, dọn quang rừng cây để dễ bề giám sát, phát hiện vị trí đóng quân hoặc nơi ẩn nấp của quân đội Việt Nam; tiêu diệt cây trồng trong những vùng do ta nắm giữ; hủy diệt mùa màng nhằm cắt nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng, đồng thời cưỡng bức, dồn dân vào các trại tập trung hoặc những vùng do Mỹ – ngụy kiểm soát. Hành động của quân đội Mỹ kéo dài trong nhiều năm, trên một quy mô rộng lớn, chiếm khoảng 25% tổng diện tích miền Nam; đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái, đặc biệt là đối với sức khỏe của con người.

Theo số liệu thống kê, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trên 150 nghìn nạn nhân là trẻ em (cả thế hệ con và cháu). Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và con cháu của họ phải sống trong bệnh tật, đau đớn, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam. Do những ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/đi-ô-xin tới sức khỏe và môi trường nên việc giải quyết hậu quả của nó là một vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài và vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của Nhà nước, sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và đông đảo bạn bè quốc tế.

Trước những tội ác mà quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, chúng ta đã nhiều lần đề nghị phía Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm cùng chung tay giải quyết những hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin. Tuy nhiên trong thời kỳ 1975 – 1995, khi Mỹ sử dụng chính sách cấm vận đối với Việt Nam, việc hợp tác giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh ở Việt Nam trở nên “băng giá”. Chỉ đến khi hai nước bình thường hóa quan hệ, vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh nói chung mới được đề cập tới. Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ luôn tìm mọi cách để chối bỏ trách nhiệm pháp lý của mình. Thái độ này của Chính quyền Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, trong đó có đông đảo nhân dân và những cựu chiến binh Mỹ – những người từng tham chiến ở Việt Nam và nhiều người trong số đó cũng bị nhiễm loại chất độc nguy hiểm này. Đối với nhiều cựu chiến binh Mỹ, hậu quả đau lòng của việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam khiến họ bị ám ảnh khôn nguôi. Theo họ, cuộc chiến tranh Việt Nam là điều tồi tệ nhất từng chứng kiến, là một trang đau đớn trong lịch sử nước Mỹ.

Trước sự phản đối gay gắt từ phía dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Mỹ, đồng thời, xuất phát từ những tính toán chiến lược của Mỹ, từ năm 2007 đến nay, phía Mỹ đã có những hành động tích cực bước đầu trong việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam. Năm 2007, Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ về chất độc da cam/đi-ô-xin được thành lập. Qua các lần đi tìm hiểu thực tế, các thành viên phía Mỹ đã hiểu được một phần sự thật về những nỗi đau và mất mát do chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên trao đổi một cách thẳng thắn với nhau. Từ năm 2007 đến năm 2010, Nhóm Đối thoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như được phía Mỹ hỗ trợ Phòng phân tích về đi-ô-xin trị giá 6,75 triệu USD; chương trình đào tạo nhân lực về phục hồi các vùng đất bị ảnh hưởng do chất độc hóa học đã được thực hiện ở Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Mỹ đã hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam. Với sự tác động của Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm cho các năm tài chính 2007, 2008, 2009 và năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Một thành công mới đây là Nhóm này đã lập nên bản kế hoạch 10 năm (2010 – 2019) để tiếp tục góp phần giải quyết vấn đề hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin, với dự kiến kinh phí là 300 triệu USD (trung bình 1 năm là 30 triệu USD). Những sự kiện này thể hiện động thái tích cực của phía Mỹ trong việc nhìn nhận, đánh giá và tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Tuy nhiên, những khoản tài trợ trên còn quá nhỏ bé so với hậu quả hết sức to lớn mà quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, những hỗ trợ trên mới chỉ tập trung vào việc giải quyết vấn đề môi trường, còn việc đền bù, chăm sóc sức khỏe, cuộc sống cho nạn nhân da cam vẫn còn rất hạn chế.

Chiến tranh đã đi xa, nhưng hậu quả mà nó để lại còn hết sức nặng nề, đặc biệt là với những nạn nhân, những gia đình có người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân này vẫn đang diễn ra với sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Do lẽ Chính phủ Hoa Kỳ – kẻ ra lệnh rải chất độc da cam không thể bị truy tố, nên vụ kiện nhắm đến mấy chục công ty Mỹ trong đó có các công ty Dow Chemical và Monsanto, vốn là chủ chốt trong việc sản xuất chất độc gọi là da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Tuy rơi vào tình thể “con kiến mà kiện củ khoai”, nhưng ít nhiều đã khiến dư luận quốc tế và dư luận nước Mỹ ủng hộ, gây tiếng vang không hề nhỏ.

Điều đáng tiếc rằng, có những kẻ “bồi bút”, táng tận lương tâm đến mức sẵn sàng chà đạp hiện thực lịch sử đau thương, hàng triệu nạn nhân để đổi trắng thay đen, trắng trợn phủi sạch tội ác của chất độc da cam kia.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *