Giống hầu hết những người dân trên toàn thế giới, những người bị buộc tội trong các vụ án hình sự cũng bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Các quyền và lợi ích hợp pháp của họ có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng, chống dịch của Nhà nước.
Tại Việt Nam, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 (Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ quy định cách ly toàn xã hội trong 15 ngày; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; yêu cầu toàn dân tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện. Thực hiện Chỉ thị 16, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước, trong đó có các cơ quan như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an… đồng loạt ban hành nhiều văn bản cụ thể quy định về công tác phòng, chống dịch trong ngành, địa phương mình. Ngày 30/3/2020 Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Đối với các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Toà án phải chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, Toà án phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ra xét xử nhưng phải bảo đảm quy định về phòng, chống dịch như phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người; trường hợp phải triệu tập người tham gia phiên toà vượt quá số lượng này thì phải bố trí cho họ ngồi ở phòng khác và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, tivi, camera…) để họ tham gia phiên toà hoặc xét xử lần lượt từng bị cáo, người tham gia tối tụng; bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên toà tối thiểu là 02 mét… Trong quá trình xét xử chỉ cho người được Toà án triệu tập vào phòng xử án để tham dự phiên toà.
Ngày 31/3/2020 Toà án nhân dân tối cao ban hành công văn số 118/TANDTC-VP về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng ban hành Thông báo số 248/TB-VKSTC về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, công chức, viên chức ngành Toà án và Kiểm sát được bố trí làm việc trực tuyến tại nhà, chỉ bố trí nhân sự tối thiểu luân phiên trực nghiệp vụ, giải quyết, xử lý tài liệu mật, tài liệu khẩn và thực hiện các nhiệm vụ khác; trong trường hợp cần trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thì phải đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch. Những quy định trong các văn bản nêu trên có những tác động nhất định đến một số quyền của người bị buộc tội trong các vụ án hình sự.
Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong BLTTHS năm 2015 đã xác định rõ người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và có bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật. Để đảm bảo nguyên tắc này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nhanh chóng, kịp thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Vì quá trình tiến hành tố tụng có những điểm đặc thù so với các công việc khác nên việc những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng làm việc trực tuyến mà không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình một cách trực tiếp sẽ dẫn đến hậu quả như một số hoạt động tố tụng có thể không đạt hiệu quả, một số quyền, lợi ích của người bị buộc tội không được đảm bảo. Chẳng hạn:
Thứ nhất là hoạt động hỏi cung. Đây là hoạt động tố tụng rất quan trọng trong quá trình xác định sự thật khách quan của vụ án. Thông qua hoạt động hỏi cung, có thể thu thập chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án, đồng thời đảm bảo quyền được trình bày lời khai của người bị buộc tội. Việc hỏi cung có thể được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người được hỏi cung (Điều 183 BLTTHS năm 2015). Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu hoạt động hỏi cung là cần thiết, bắt buộc phải tiến hành thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, đồng thời có biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn phòng, chống dịch khi tiến hành hoạt động hỏi cung. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều cơ quan điều tra hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu giãn cách tối thiểu 2m trong phòng hỏi cung, do đó một số Cơ quan điều tra có thể lấy lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp và quy định của Chính phủ về phòng dịch để không thực hiện hoạt động hỏi cung hoặc Kiểm sát viên có lý do để không có mặt trong buổi hỏi cung, có thể không kịp thời thu thập chứng cứ, dẫn tới bỏ sót những tình tiết quan trọng có thể làm thay đổi bản chất vụ án, khiến quyền và lợi ích của người bị buộc tội không được bảo đảm.
Thứ hai là việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình điều tra. Do quy định về giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, các cán bộ điều tra, điều tra viên của cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ án không thể trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại hiện trường, nhất là tại các địa phương khác không cùng địa bàn. Trong trường hợp này cơ quan điều tra đang giải quyết vụ án phải uỷ thác điều tra cho cơ quan điều tra khác thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra. Do đó, hoạt động điều tra có thể vừa không đạt hiệu quả như mong đợi vừa làm chậm tiến độ giải quyết vụ án, gián tiếp làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
Thứ ba là đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội. Theo quy định của BLTTHS năm 2015, để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội thì người bào chữa có quyền được gặp người bị buộc tội, có mặt trong khi lấy lời khai, hỏi cung người bị buộc tội, có mặt trong các hoạt động điều tra như đối chất, nhận dạng… Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc gần giữa con người với con người là hợp lý. Tuy nhiên nếu áp dụng “cứng nhắc” quy định thì có thể người bào chữa không gặp được thân chủ của mình cũng như tham gia vào các hoạt động tố tụng. Do đó, các địa phương, các cơ quan liên quan cần có những biện pháp hợp lý để đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội cũng như đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch.
Thứ tư là việc bảo đảm các quyền con người cơ bản của người bị buộc tội trong quá trình tạm giam, tạm giữ. Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án người bị buộc tội có thể bị tạm giữ, tạm giam. Trong quá trình tạm giữ, tạm giam họ được hưởng đầy đủ quyền con người cơ bản như được gặp thân nhân, được chăm sóc y tế, cụ thể là chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các cơ sở giam giữ đều đã tạm dừng giải quyết các yêu cầu thăm thân của người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành án phạt tù. Điều này có tác động không nhỏ đến tâm lý của người bị tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, có thể có những trường hợp người bị buộc tội đã mắc bệnh trước khi bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và có nguy cơ lây nhiễm cho người khác tại cơ sở giam giữ (trên thế giới đã có nhiều phạm nhân mắc COVID-19 và lây nhiễm cho bạn tù trong quá trình bị giam giữ). Vì vậy, để sự việc tương tự không xảy ra ở Việt Nam, các cơ sở tạm giữ, tạm giam cũng đã áp dụng các biện pháp đặc thù để đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch, trong đó có việc khoanh vùng, cách ly tạm thời đối với các cá nhân mới được chuyển đến cơ sở giam giữ. Điều này khiến các cá nhân này phải chịu những hạn chế về quyền hơn so với những người bị tạm giam, tạm giữ khác, nhất là về điều kiện giam giữ, chăm sóc y tế…