Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
31623

Không có “nghịch lý” nào chia rẽ, hạ thấp uy tín, vai trò của lãnh đạo hàng đầu của Đảng

 

Lợi dụng việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động lại đưa ra những luận điệu xúc phạm, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Chẳng hạn như bài viết xỏ xiên: “Kết thúc thời đại Nguyễn Phú Trọng: Nghịch lý quyền lực” đã xúc phạm, bôi nhọ nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam những năm gần đây, nào là “Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã ‘quá cứng rắn’ trong cải cách…”,  Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bị booin nhọ “trí nông, đức mạnh”,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị phán “sai lầm chính sách, dẫn đến bất ổn kinh tế, cả mức tăng suy giảm và cơ cấu lệch lạc. Nạn tham nhũng trầm trọng, mang tính hệ thống trong đó đa số quan chức ‘hưởng lợi’ đã giúp ông Dũng vẫn tại vị đủ hai nhiệm kỳ”, còn cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì bôi nhọ “tuổi tác và bệnh tật đã cản trở ông Nguyễn Phú Trọng hoàn thành sứ mệnh “cứu Đảng”… dưới sự lãnh đạo của ông Đảng đã tăng cường an ninh chế độ. Hậu quả là hệ thống công an trị ‘leo cao’ lên thượng tầng và lan rộng đến từng thôn, xóm để kiểm soát nghiêm ngặt nội bộ cũng như toàn bộ xã hội” nhằm ám chỉ việc bầu Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm Chủ tịch nước, rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương vừa qua…

Có thể thấy ngay rằng, nếu các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ bị bôi nhọ như trên thì làm sao Việt Nam vẫn phát triển không ngừng, uy tín lãnh đạo của Đảng vẫn được khẳng định như ngày hôm nay?

Để đả kích, xuyên tạc, hạ thấp uy tín các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, chúng bất chấp thủ đoạn tung ra những luận điệu xúc phạm, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam bằng thứ tư duy lệch lạc, quan điểm định kiến và giọng điệu sâu cay nhằm mục đích gieo rắc sự nghi ngờ về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực quản lý, điều hành… của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khiến người dân mất niềm tin vào lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho Đảng dần mất vai trò lãnh đạo…

Cách thức xuyên tạc vẫn là nhai đi nhại lại, tung hứng, trơ trẽn khẳng định các thông tin không có cơ sở, bịa đặt trắng trợn về đời tư lãnh đạo, cán bộ như: vu khống có nhiều vợ, nhiều con, hoặc xuyên tạc những sinh hoạt đời thường để bôi nhọ đạo đức cá nhân; bịa đặt về bằng cấp, các quyết sách, chỉ đạo… để nhằm đánh vào năng lực lãnh đạo, quản lý….

Những luận điệu xuyên tạc này được các thế lực thù địch tiến hành thường xuyên, nhưng đặc biệt được tiến hành rầm rộ vào những thời điểm trước, trong và sau mỗi khi Đảng, Nhà nước, hoặc các địa phương diễn ra hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ; hoặc là trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp, các Hội nghị Trung ương. Thật không phải bâng quơ mà các thế lực thù địch chọn các thời điểm này để tăng cường phát tán thông tin xuyên tạc. Bởi lẽ, đó là những thời điểm Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị tiến hành bầu cán bộ chủ chốt; đồng thời, các tầng lớp nhân dân đều dành sự quan tâm, theo dõi về công tác nhân sự chủ chốt. Khi tiến hành vào những thời điểm này, mục tiêu trước hết của chúng là mong muốn gieo rắc sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội…

Sự kiện bầu tân Tổng Bí thư đạt được số phiểu ủng hộ tuyệt đối được nhiều chuyên gia, học giả, trí thức có uy tín trong nước ghi nhận. Chẳng hạn như Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Châu Nam Long bày tỏ: “Đây là một sự thống nhất trong Trung ương để tập trung giải quyết công việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ổn định tình hình đất nước. Trong tình hình hiện nay, sự thống nhất như vậy là rất tốt, tạo nên sức mạnh chung cho đất nước. Tôi kỳ vọng đồng chí Tô Lâm đảm bảo được sự đoàn kết, thống nhất, từ đó tạo sự phát triển đi lên của đất nước”. PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tin tưởng: “Sự tín nhiệm bầu Chủ tịch nước làm Tổng Bí thư Tô Lâm sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đã thể hiện tính kế thừa, tính liên tục trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là vai trò, vị trí, chức vụ Tổng Bí thư của Đảng, cực kỳ quan trọng. Tính liên tục ấy đảm bảo cho vai trò lãnh đạo cầm quyền, trong lãnh đạo đất nước và quan hệ đối ngoại và tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước Việt Nam phát triển”…

Đồng thời, lời khẳng định của tân Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sự tiếp nối di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm: “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, là bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng nước ta. Từ ngày có Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng qua các thời kỳ, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, liên tục tiến lên”.

Những điều trên đã tự nó là lời khẳng định những xuyên tạc, bóp méo nhằm xúc phạm, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam là vô nghĩa và lạc lõng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *