Để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, một trong số những mục tiêu của thành phần phản động, chống phá đất nước là “hạ bệ” lãnh tụ và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có Di chúc của Người. Thủ đoạn thì nhiều, nhưng gần đây, để ra vẻ “khách quan”, họ nhân danh nghiên cứu khoa học, mượn cớ bàn lại lịch sử, đưa ra cách tiếp cận mới, ra vẻ ca ngợi, nhưng thực chất là xuyên tạc Di chúc và toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích là chống lại Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Những luận điệu kiểu như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ “mang tính chất cá nhân” chứ không có giá trị chỉ đạo thực tiễn đối với dân tộc; “Di chúc của Bác Hồ đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn cách mạng hiện nay”; “Di chúc của Bác Hồ đã được thực hiện hoàn toàn, không cần phải quan tâm hay học tập nữa” v.v và v.v… Mới đây, họ quy chụp, vu khống Đảng và Nhà nước ta không thực hiện đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thậm chí chúng còn xuyên tạc cả những điều thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trước lúc đi xa.
Nhìn lại lịch sử, tại Lễ truy điệu trọng thể vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội sáng ngày 9-9-1969, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn công bố bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn dân, toàn Đảng ta. Từ đó, mỗi chúng ta và anh em, bầu bạn khắp năm châu bốn biển lần đầu tiên được biết đến Bản Di chúc của Bác Hồ.
Bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết từ ngày 10-5-1965, nhân dịp sinh nhật 75 tuổi, khởi đầu có độ dài khoảng ba trang do Người tự đánh máy, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn. Trong quãng thời gian từ năm 1965 đến năm 1969, vào dịp sinh nhật hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mở ra nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung. Lần sửa thứ nhất năm 1968, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng”, đồng thời bổ sung một số đoạn khác. Lần sửa thứ hai vào ngày 10-5-1969. Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu của Bản Di chúc.
Ngày 26/8/2019, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trong bài viết đánh gái 50 năm thực hiện Di chúc của Người đã đánh giá: Di chúc của Bác là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại; chứa đựng những giá trị lý luận – thực tiễn vượt thời gian; là sự tiên liệu những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; thể hiện tình yêu thương vô hạn dành cho đồng bào, đồng chí, cùng bè bạn khắp năm châu; phản ánh khát vọng cháy bỏng của một con người suốt đời một lòng, một dạ phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Với hơn 1000 từ vô cùng ngắn gọn, nhưng Di chúc của Người đã nhấn mạnh truyền thống đoàn kết trong Đảng; yêu cầu thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Di chúc cũng nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu Đảng phải chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho họ; chia sẻ nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân, Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Người dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định thắng lợi thuộc về nhân dân ta; Người căn dặn sau khi kháng chiến thắng lợi, chúng ta ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Nói về phong trào cộng sản thế giới, Người chia sẻ mong muốn các đảng anh em đoàn kết, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, nâng cao tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản; Người đau lòng trước những bất hòa giữa các đảng anh em. Người dặn dò hậu sự và bộc bạch mong muốn cuối cùng trước lúc đi xa là mong muốn toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Thực tế đó không cho phép bất cứ ai, dù là thế lực nào xuyên tạc được Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các trang báo, mạng xã hội phản động như Việt Tân, Nguyễn Văn Đài, Nhật ký yêu nước, VOA, BBC News, Tin tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel,v.v… cho dù có bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo thì Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là Di sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam.