Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
5305

Bài 1: ‘Thanh lọc’ – điều kiện tiên quyết để bộ máy vững mạnh

Bồi dưỡng cán bộ, đảng viên hay thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, đảng viên không xứng đáng ra khỏi bộ máy là trọng trách, nhiệm vụ có phần khó khăn, phức tạp của Đảng.
Trong bối cảnh đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ, tận dụng thời cơ để tăng tốc phát triển, việc thanh lọc, tinh gọn bộ máy để củng cố tổ chức Đảng và chính quyền hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân là một đòi hỏi bức thiết. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang được triển khai một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, quyết liệt khi đồng chí Tổng Bí thư xác định đây là “thời điểm vàng”, chín muồi, đáp ứng mong đợi của Nhân dân và không thể chậm trễ. Cuộc cách mạng này chắc chắn sẽ tác động đến nhiều cá nhân, có những người phải hy sinh quyền lợi và không ít những luồng thông tin trái chiều, chống phá; song chủ trương này của Đảng xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, hướng tới mục tiêu cao nhất là lợi ích Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc để đất nước vươn mình bứt phá. Đây là tất yếu khách quan, là xu thế không thể đảo ngược!
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, ngày 25/3.

Thời gian qua, nhiều vụ đại án liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được phát hiện, xử lý. Từ những cán bộ cấp cao đến những quan chức địa phương, không ít trường hợp bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự với những mức án nghiêm khắc. Những đại án đó được nhìn nhận là “thông điệp” mạnh mẽ, thể hiện ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Bước chuyển trong tư duy lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Mở đầu cuốn sách “Tham nhũng và hoạt động của Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm khi còn đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, “Tham nhũng là vấn nạn toàn cầu, nhức nhối, dai dẳng – một hiện tượng lịch sử gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước và quyền lực nhà nước. Ở nước ta, từ rất sớm Đảng và Nhà nước đã xác định tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, “tứ chứng nan y”, là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”[1].

Thực tiễn cho thấy, tham nhũng, tiêu cực là vấn nạn đã và đang hiện hữu qua từng giai đoạn lịch sử ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhìn lại giai đoạn trước đây khi nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN thì việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực thường được tiến hành một cách “kín đáo”, dẫn đến tình trạng người dân không nắm rõ được mức độ sai phạm cũng như những hình thức xử lý đối với cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, với tinh thần công khai, minh bạch, các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, trong đó có cả các cán bộ cấp cao được truyền tải rộng rãi đến toàn thể người dân thông qua rất nhiều kênh thông tin từ truyền thông đại chúng đến các trang mạng xã hội.

Các kết luận này giúp cho người dân nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về những vụ việc sai phạm, từ những vụ việc mang tính cá nhân đơn lẻ đến những vụ việc sai phạm mang tính hệ thống, liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên giữ những cương vị cao trong các cơ quan, tổ chức đảng.

Điều đó thể hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được bảo đảm một cách tuyệt đối theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”[2].

Khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thành lập từ năm 2013 đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao, toàn diện của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hiện nay là Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được tiến hành, triển khai quyết liệt với phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều đại án lớn liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng theo quy định, điều lệ của Đảng hay xử lý về mặt pháp luật nếu có.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội ngày 3/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “lần đầu tiên Bộ Chính trị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước”, đây được xem là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Ý chí, quyết tâm đó là điểm nhấn quan trọng của bước chuyển mình trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đã đạt được trong thời gian qua. Điểm nhấn đó như một lời “hiệu triệu” đối với toàn Đảng, toàn dân tích cực ủng hộ, tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, củng cố thêm niềm tin ở Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với mặt công tác này.

Các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ giúp thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, không giữ được đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” ra khỏi bộ máy, tổ chức đảng; mà còn có tác dụng răn đe, gióng lên “hồi chuông” cảnh tỉnh cho những ai, hay bất kỳ cán bộ, đảng viên nào có ý định lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm mưu lợi cá nhân.

Thanh lọc cán bộ, đảng viên không xứng đáng – bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của bộ máy

Vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là nội dung dễ nhận thấy trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về hành vi sai phạm của những cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng.

Điển hình là việc kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Theo đó, bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm của người đứng đầu về những vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; ông Lê Duy Thành, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Hoàng Anh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Cả ba đều bị khai trừ ra khỏi Đảng và bị xử lý hình sự với cùng tội danh “nhận hối lộ”.

Hay việc xử lý kỷ luật đối với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Ban cán sự đảng Bộ Tài chính đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước và tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn An Đông; trong quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC.

Việc người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đảng có những hạn chế, khuyết điểm, thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo được nhìn nhận là “chất xúc tác” tạo điều kiện cho một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong chính cơ quan, tổ chức đảng đó lợi dụng để mưu cầu vụ lợi, tham nhũng.

Có thể thấy rằng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của vấn nạn tham nhũng, tiêu cực; là nguy cơ hiện hữu liên quan “mật thiết” đến sự sống còn của Đảng và chế độ ta. Nếu “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống ấy vẫn tồn tại trong các bộ máy, tổ chức đảng thì nó như một “lực cản vô hình”, là những “điểm nghẽn” mang tính “tử huyệt” khiến bộ máy, tổ chức đảng bị trì trệ trong hoạt động, không thể phát triển3. Vì lẽ đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra rằng “Tiền bạc, tài sản thì có thể thu hồi được, nhưng “nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả”.

V.I. Lenin đã từng nói “Sức mạnh của Đảng không phải ở số lượng đảng viên ít hay nhiều mà ở chất lượng đảng viên. Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần…”[3]. Điều đó cho thấy, chất lượng đội ngũ đảng viên chính là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của Đảng. Kế thừa và phát triển sáng tạo tinh thần đó, sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rằng “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, trong đó “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Khi còn công tác, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng “Chúng ta cần phải dứt khoát thanh lọc đội ngũ cán bộ thoái hóa, biến chất. Đã là cán bộ và làm công tác nào cũng không phải “nhất thành bất biến”, ở mãi một vị trí mà luôn luôn thay đổi. Nếu cán bộ không đáp ứng được công việc thì đây là cơ hội để chúng ta thanh lọc, chứ không nên có quan điểm “đã lên không xuống, đã vào không ra”.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, để bảo đảm bộ máy của Đảng ngày một vững mạnh thì bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đảng trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, chìa khóa then chốt là phải thanh lọc “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để mưu cầu vụ lợi, tham nhũng ra khỏi bộ máy.

Quan điểm này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị bàn giao công tác của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII ngày 7/2/2025: “Nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm tra không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Rõ ràng, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên hay thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, đảng viên không xứng đáng ra khỏi bộ máy là trọng trách, nhiệm vụ có phần khó khăn, phức tạp của Đảng. Tuy nhiên, một Đảng mà làm tốt được mặt công tác này thì lẽ đương nhiên, Đảng đó sẽ ngày một vững mạnh.

Trước đây khi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ngày 23/6/2022, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc: “Kỷ luật đồng chí, đồng đội là điều đau xót, nhưng buộc phải làm”. Kỷ luật ở đây trước hết kỷ luật đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự[4]; quy trình xử lý này tưởng chừng đơn giản nhưng nó như một “biệt dược” giúp thanh lọc bộ máy của Đảng, đồng thời cũng là bài học cảnh báo cho những cán bộ, đảng viên khác để “nếu ai đã trót ít, nhiều nhúng chàm thì tự gột rửa đi, thế là tốt nhất”[5].

Và theo tinh thần Bác Hồ chỉ dạy “Nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”; rõ ràng, để bộ máy vững mạnh, điều kiện tiên quyết là phải thanh lọc bộ máy, không thể có sự “dung dưỡng” một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, mưu cầu vụ lợi cá nhân, tham nhũng trong bộ máy, tổ chức đảng, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển bứt tốc, hướng đến cột mốc 2045 trở thành quốc gia phát triển, biểu tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc.

(Còn tiếp)


(*) Phòng Chính trị – Học viện Cảnh sát nhân dân.

(**) Cục Đối ngoại, Bộ Công an


[1] Tô Lâm, Tham nhũng và hoạt động của Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, NXb Chính trị Quốc gia sự thật, 2019, tr.7.

[2] Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp năm 2013.

3 Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII

[3] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 39, tr. 225.

[4] Chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020.

[5] Phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm ngày 13/5/2018.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *