Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật Cư trú bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống, làm ăn; trình tự, thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, kịp thời, công khai, minh bạch, không gây phiền hà, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác đăng ký, quản lý cư trú có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú
Trước hết, Luật Luật Cư trú năm 2020 giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú. Quy định bỏ Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú sẽ nhanh hơn so với quy định hiện nay. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Cư trú 2020 thì “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú” thay vì quy định 15 ngày (khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú năm 2006).
Bên cạnh đó, không còn quy định điều kiện riêng khi đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một trong những vấn đề đáng chú ý đối với việc bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân trong Luật Cư trú 2020. Theo đó, khi công dân muốn đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (đặc biệt là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) thì không còn bị phân biệt về điều kiện đăng ký theo quy định tại Điều 20 Luật Cư trú năm 2006 mà thay vào đó, các điều kiện đăng ký cư trú được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc (áp dụng chung cho cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) được quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2020, các quy định về điều kiện đăng ký thường trú mới tạo sự bình đẳng trong việc quản lý cư trú của mọi công dân, góp phần tốt hơn nữa trong việc bảo đảm về quyền tự do cư trú của công dân.
Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu
Ngoài ra, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ. Theo Luật Cư trú năm 2020 thì công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm hai điều kiện là: (1) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và (2) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không dưới 08m2 sàn/người. Đây là quy định thể hiện việc bảo đảm tốt hơn hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân trong điều kiện công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình và đây cũng là một trong những nội dung mới so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Như vậy, qua một số nội dung lớn nêu trên cho thấy, Luật Cư trú năm 2020 đã thể hiện một bước tiến mới trong việc bảo đảm tốt hơn nữa quyền tư do cư trú của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Qua các quy định của Luật cho thấy, Luật Cư trú năm 2020 thể hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý dân cư, đồng thời bảo đảm tốt hơn tính công khai, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện quyền tự do cư trú, qua đó hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay./.