Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14042

Hoa Kỳ thất bại trong việc ngăn chặn ứng viên Trung Quốc trở thành thẩm phán Tòa luật biển quốc tế!

 

Ngày 24/8/2020, các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã có mặt tại phòng họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để bỏ phiếu kín bầu 7 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2020 – 2029. Kết quả bỏ phiếu cho thấy các ứng cử viên của Malta, Ý, Trung Quốc, Chile, Cameroon và Ukraine trúng cử ngay vòng đầu tiên. Đại diện của phía Trung Quốc là ông Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long), đại sứ của Trung Quốc tại Hungary.

Đoàn thẩm phán này sẽ thay thế 7 thẩm phán sẽ hết nhiệm kỳ ngày 30/9 tới, trong đó có một thẩm phán Trung Quốc là ông Cao Chí Quốc. Với việc ông Đoàn Khiết Long được chọn, Bắc Kinh sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại ITLOS kể từ khi tòa án này được thành lập vào năm 1996.

Trước cuộc bầu chọn, chính khách và chuyên gia, truyền thông Mỹ lên tiếng phản đối ứng viên Trung Quốc với 2 lý do: năng lực thẩm phán Trung Quốc “yếu nhất” trong số các ứng viên và những vi phạm UNCLOS của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông thường các cuộc bỏ phiếu như vậy của ITLOS diễn ra trong im ắng và ít thu hút sự chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã khiến cuộc bầu chọn lần này nhận được sự quan tâm của quốc tế. Trong một hội nghị trực tuyến về Biển Đông hồi giữa tháng 7, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc Đoàn Khiết Long. Ông Stilwell lập luận: “Các quốc gia tham gia việc bầu chọn thẩm phán ITLOS cần đánh giá thông tin của ông ta và tự hỏi bỏ phiếu cho ông ta là đang giúp hay đang hại luật biển quốc tế” và ví von “Lựa chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê một kẻ đốt phá để giúp điều hành cơ quan cứu hỏa”.

Không chỉ có tiếng nói chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ, trước đó ngay từ tháng 5 năm nay, đã có nhiều tiếng nói từ cộng đồng học giả thân Mỹ kêu gọi 167 nước thành viên UNCLOS không bầu cho ứng viên của Trung Quốc, trong đó có học giả Jonathan G. Odom (Mỹ). Ông Odom kêu gọi các nước UNCLOS “không nên trao một ghế thẩm phán có nhiệm kỳ tới 9 năm cho nước đang phá hoại UNCLOS” khi phớt lờ phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế. Ông kêu gọi: “Bắc Kinh có thể lập luận rằng việc không bỏ phiếu cho ứng viên của họ là thể hiện sự không thiện chí, nhưng chúng ta cần gửi thông điệp tới Chính phủ Trung Quốc rằng các hành vi sai trái của họ đang khiến danh tiếng của họ bị ảnh hưởng trên trường quốc tế”.

Đúng như dư luận và giới chuyên gia Việt Nam đánh giá trước phiên bỏ phiếu này, cuộc bầu chọn thẩm phán ở các tòa quốc tế như ITLOS hay Tòa công lý quốc tế (ICJ) là “một cuộc chơi chính trị” nên trong một số trường hợp, dù năng lực của các ứng viên không phù hợp, những người này vẫn nghiễm nhiên thắng cử. Theo thạc sĩ luật quốc tế Phạm Ngọc Minh Trang, đối với các vấn đề như Biển Đông, ITLOS có vai trò rất quan trọng khi là 1 trong 3 cơ quan tài phán quốc tế có thể giải quyết các vấn đề trên biển. Khác với ICJ, chỉ các nước tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mới có quyền bầu chọn 21 thẩm phán của ITLOS.

Theo ThS Minh Trang, để tránh tình trạng Trung Quốc “bất chiến tự nhiên thành” như lần này, “các quốc gia, đặc biệt là những nước liên quan vấn đề Biển Đông, cần phải chủ động đề cử thẩm phán cho ITLOS, có như vậy mới có thể tỏ rõ thái độ một cách chính danh và hợp pháp. Nhưng cơ hội như lần này sẽ chỉ tới sau 9 năm nữa”.

Ông Đoàn Khiết Long hiện là đại sứ của Trung Quốc tại Hungary, từng học luật tại Mỹ, trải qua nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị ở Trung Quốc, điển hình là Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế Trung Quốc. Trước đây Đoàn Khiết Long cũng có kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài như Singapore, Úc và châu Âu.

Bình luận về kết quả này, facebooker Bão Lửa bình phẩm, “như vậy là Liên minh Quốc tế do Donald Trump (Mỹ) thành lập để ngăn cản chuyện này đã… THẤT BẠI THẢM HẠI. Các bạn nào bảo Quốc tế đang dần quay lưng lại với Trung Quốc nên bắt đầu mua sách học cái gọi là “Địa Chính Trị” và “Nguyên tắc tối huệ quốc trong Luật Quốc tế” đi nhé… Muốn đấu tranh với kẻ địch mạnh thì trước tiên cần mưu trí hơn địch đã”

FB Truong Thu Huong bình phẩm chua chát: “Nhiều khi thấy lão Trump bị ảo tưởng sức mạnh Mỹ ý . Giờ có phải là thời thế chiến thứ 2 nữa đâu . Bây giờ là thời lợi ích kinh tế các quốc gia đã bị đan xen nên súng ống của ông không giải quyết được vấn đề nữa rồi

Được biết, Mỹ không tham gia, không ký và không là thành viên của UNCLOS, nếu không, với tính cách của Donald Trump, chắc chắn Mỹ sẽ tuyên bố tẩy chay, rút lui giống như Ủy ban Nhân quyền LHQ chăng?

Bút danh: Sơn Bách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *