Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13208

Djokovic – anh hùng trong mắt người Serbia

Quan điểm né tránh vaccine của tay vợt Djokovic đang gây tranh cãi trên toàn thế giới, nhưng tại quê nhà Serbia, nhiều người vẫn hết lòng bảo vệ anh.

Những hình ảnh được vẽ trên các bức tường bê tông tại khu dân cư Brutalist ở Banjica, cách trung tâm thủ đô Belgrade của Serbia vài km về phía nam, khắc họa một số gương mặt được yêu mến nhất đất nước như các lãnh đạo tôn giáo, nhà thơ và những chiến binh vang danh lịch sử.

Nhưng những bức tranh tường về Novak Djokovic có một ý nghĩa đặc biệt. Đây là nơi ông nội của ngôi sao quần vợt từng sống và là nơi Djokovic đã trú ẩn khi NATO ném bom xuống thủ đô Serbia vào năm 1999 khi còn là một cậu bé 12 tuổi.

Bức tranh Djokovic được vẽ trên tường tại khu dân cư Banjica, thủ đô Belgrade, Serbia. Ảnh: NY Times.

Bức tranh Djokovic được vẽ trên tường tại khu dân cư Banjica, thủ đô Belgrade, Serbia. Ảnh: NY Times.

Georgio Petrovic, 21 tuổi, sinh ra một năm sau vụ oanh tạc và sống tại khu dân cư nổi tiếng này.

“Anh ấy là người hùng”, Petrovic vừa nói vừa nhìn bức tranh Djokovic trên tường. Tuy nhiên, Petrovic còn coi Djokovic hơn cả một nhà vô địch quần vợt. Không thể tìm được việc làm, Petrovic đã viết thư cho Djokovic, hy vọng rằng tay vợt có thể giúp đỡ. Petrovic không nhận được phản hồi nhưng vẫn ôm hy vọng.

Cảm giác kết nối cá nhân và niềm tự hào đó được chia sẻ rộng rãi tại Serbia, vào thời điểm bất bình lan rộng trên cả nước về hàng loạt vấn đề như tình trạng tham nhũng hay người dân mất lòng tin vào chính phủ.

Những tranh cãi gần đây liên quan đến Djokovic tại Australia không đủ sức làm ảnh hưởng danh tiếng tay vợt số một thế giới tại quê nhà, ngay cả trong số những người không đồng tình với quyết định từ chối tiêm chủng của anh.

“Trong bầu không khí xám xịt và ủ dột hiện nay, điều vui mừng duy nhất đối với nhiều người là xem anh ấy giành được một chiếc cúp khác”, tiến sĩ Zoran Radovanovic, nhà dịch tễ học đã theo dõi sát sao cuộc tranh luận liên quan đến thị thực nhập cảnh vào Australia của Djokovic, cho hay.

Trong lúc Djokovic đấu tranh để ở lại Australia khi anh đã bị nước này hủy visa lần hai, anh đã bị cuốn vào một cuộc tranh luận lớn hơn tại Serbia về các hạn chế ngăn Covid-19, chính sách của chính phủ, quyền tự do cá nhân và tiêm chủng.

Đối với không ít người, anh là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Với tư cách một ngôi sao thể thao có quyền lực và ảnh hưởng, Djokovic lại chọn không tiêm vaccine Covid-19, quyết định có nguy cơ làm suy yếu chiến dịch tiêm chủng của Serbia, quốc gia có độ phủ vaccine thấp nhất châu Âu.

Dù nhấn mạnh rằng anh không khuyến khích người khác né tránh tiêm chủng giống mình, hình ảnh của Djokovic đã được hàng loạt nhóm bài vaccine ở Serbia và cả trên thế giới sử dụng.

Đối với những người khác, đặc biệt là ở quê nhà Serbia, Djokovic được nhìn nhận như nạn nhân, khi các lãnh đạo chính trị và tôn giáo đang ra sức bảo vệ anh nhằm vừa gây thiện cảm với công chúng, vừa phục vụ cho lợi ích riêng.

Với cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 4, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic dường như đang cố gắng cân bằng, vừa khuyến khích tiêm phòng vừa kiên định bảo vệ “con cưng” của quốc gia.

“Khi bạn không thể đánh bại ai đó trên sân đấu thì bạn sẽ làm những điều như vậy”, ông nói hồi tuần trước khi Djokovic bị ngăn nhập cảnh vào Australia.

Novak Djokovic thi đấu tại Melbourne, Australia ngày 30/1/2022. Ảnh: AFP

Novak Djokovic thi đấu tại Melbourne, Australia ngày 30/1/2020. Ảnh: AFP

Theo Sydney Morning Herald, Djokovic đã được miễn trừ y tế khi nhập cảnh vào Australia nhờ nộp bằng chứng cho thấy anh đã nhiễm virus hồi tháng 12. Nhưng tay vợt sau đó thừa nhận anh không cách ly ngay sau khi biết kết quả dương tính. Dù vậy, Vucic vẫn tiếp tục ủng hộ anh.

“Tôi tự hào rằng thông qua những nỗ lực của mình, chúng tôi đã có thể giúp đỡ một trong những vận động viên xuất sắc nhất mọi thời đại”, Tổng thống Serbia tuyên bố hôm 12/1 trong một cuộc phỏng vấn.

Đi đầu trong nỗ lực bảo vệ Djokovic vẫn là gia đình anh. “Novak là Serbia và Serbia là Novak”, Srdjan Djokovic, cha của ngôi sao quần vợt, nói trong một cuộc biểu tình gần đây. “Họ đang chà đạp lên Novak, đồng nghĩa họ đang chà đạp lên đất nước và người dân Serbia”.

Djokovic đã trở thành một hiện tượng ở Serbia. Khi anh giành danh hiệu Wimbledon đầu tiên vào năm 2011, khoảng 100.000 người đổ ra quảng trường trung tâm của Belgrade để ăn mừng.

Ngay cả những người nghĩ rằng quyết định không tiêm vaccine của Djokovic là thiếu hiểu biết và không có ích cho cộng đồng, họ cũng không xếp anh vào hàng ngũ “đội quân bài tiêm chủng”.

“Với tôi, một người bài tiêm chủng là người tích cực thúc đẩy quan điểm không sử dụng vaccine”, không giống như Djokovic, Sasa Ozmo, nhà báo từ Sport Klub, tờ báo thể thao hàng đầu Serbia, cho hay.

Theo tiến sĩ Radovanic, cựu giám đốc Viện Dịch tễ tại Đại học Belgrade, Djokovic có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường sống của anh hơn là định hình nó.

Chưa đầy 50% dân số Serbia đã tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford. Trong đại dịch, những phong trào phản đối các biện pháp hạn chế liên tục phát triển. Serbia bị phong tỏa giống như phần còn lại của châu Âu trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên nhưng đề xuất tái phong tỏa vào mùa đông năm ngoái nhằm ngăn chặn đại dịch đã dẫn đến bạo loạn. Kể từ đó, các lãnh đạo chính trị trở nên dè dặt hơn khi áp lệnh hạn chế.

Vuk Brajovic, phóng viên quần vợt đã đưa tin về Djokovic hơn một thập kỷ qua, cho biết dù ngôi sao này đã mắc nhiều sai lầm, như vẫn xuất hiện trước công chúng sau khi dương tính với nCoV hồi tháng 12, có thể thông cảm cho những quan điểm đặc biệt của Djokovic về y tế khi nhìn vào sự nghiệp của anh.

“Anh ấy từng gặp vấn đề nghiêm trọng về hô hấp khi sự nghiệp bắt đầu thăng hoa do mắc một số bệnh dị ứng. Các bác sĩ ban đầu nghĩ rằng đó là bệnh hen suyễn. Nhưng chỉ khi chuyển sang chế độ ăn không gluten và thay đổi lối sống, phong độ của anh mới nhảy vọt”, Brajovic nhận xét. “Với Djokovic, đó là bước ngoặt quan trọng, anh ấy đã đi từ vị trí số ba trở thành số một chỉ trong vòng một năm”.

Ngay cả quyết định bị quốc tế lên án gay gắt của Djokovic là tổ chức một giải quần vợt ngay giữa đại dịch cũng được lý giải theo cách khác ở Serbia.

Giải đấu, bắt đầu vào tháng 6/2020, cuối cùng bị hủy sau khi một số tay vợt nhiễm nCoV và Djokovic nhận về vô số lời chỉ trích quốc tế. Nhưng vào thời điểm đó, nhiều người ở khu vực tin rằng đại dịch đã đạt đỉnh và họ chú ý đến khía cạnh tích cực của sự kiện thể thao.

Theo kế hoạch, giải đấu sẽ diễn ra ở Serbia, Croatia, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, cho thấy khả năng hiếm có của Djokovic trong nỗ lực đoàn kết một khu vực mà tình trạng chia rẽ dân tộc, văn hóa và lịch sử được hình thành trong chiến tranh vẫn còn rất sâu sắc.

Dù vậy, vẫn có những tiếng nói không hài lòng ở Serbia vì những hành động gần đây của Djokovic.

Người phụ nữ chụp hình trước các bức ảnh Djokovic tại nhà hàng của gia đình anh ở Belgrade. Ảnh: NY Times.

Người phụ nữ chụp hình trước các bức ảnh Djokovic tại nhà hàng của gia đình anh ở Belgrade. Ảnh: NY Times.

Dusan Nedeljkovic, 61 tuổi, đang điền vào mẫu đơn xin tiêm tăng cường hôm 13/1 ở Belgrade Fair, trung tâm tiêm chủng chính của thủ đô Serbia. Ông cho biết bản thân thấy rất buồn vì Djokovic đã không cách ly kịp thời sau khi nhận kết quả dương tính.

“Tôi yêu Nole”, ông cho hay, sử dụng biệt danh của Djokovic. “Nhưng tôi không thích những gì anh ấy đã làm. Anh ấy đã nói dối”.

Nedeljkovic thêm rằng ông không nghĩ quan điểm của ngôi sao quần vợt về vaccine sẽ có tác động lớn đối với quốc gia, song ông lo về sóng lây nhiễm sắp tới.

“Chưa đủ số lượng người, đặc biệt là người dưới 40 tuổi, được tiêm chủng”, ông nói.

Một năm trước, dòng người xếp hàng dài tại Belgrade Fair để chờ tiêm chủng và có khoảng 8.000 liều vaccine được tiêm mỗi ngày.

Bác sĩ Milena Turubatovic, người quản lý vaccine ở Belgrade Fair, cho biết hiện tại, nếu may mắn, họ có thể tiêm cho khoảng 300 người một ngày.

Bà cũng hâm mộ Djokovic nhưng lo lắng rằng việc quá tập trung vào tình trạng tiêm chủng của tay vợt thực sự không giúp ích gì. “Tôi rất tôn trọng anh ấy, nhưng không đồng ý với quan điểm của anh ấy về tiêm chủng”, Turubatovic nói. “Và tất nhiên nó có tác động nhất định”.

Đối với gia đình anh, cuộc chiến của Djokovic là vì công lý và tự do.

“Rõ ràng việc con tôi đến từ một đất nước nhỏ bé và nghèo khó không phải điều gì đó lớn lao mà những người quyền lực thích”, cha Djokovic nói. “Họ nghĩ rằng họ có sức mạnh do Chúa ban cho, rằng thế giới này là của họ và không thể nào một thanh niên đến từ một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn lại có thể trở thành người giỏi nhất trong môn thể thao của họ”.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *