Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
7907

Công đoàn luôn nỗ lực để bảo vệ quyền lợi chính đánh cho người lao động

 

Có ý kiến cho rằng, tại Việt Nam, công đoàn cơ sở bị lệ thuộc về tài chính vào chủ doanh nghiệp nên không thể đấu tranh cho công nhân và người lao động. Đây là ý kiến phiến diện, cố tình không hiểu bản chất của vấn đề.

Theo quy định của Luật Công đoàn hiện hành, tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu từ đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; từ kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; từ nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Trong đó, khoản kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng (là nghĩa vụ đã được pháp luật quy định), sẽ nộp về một tài khoản chung của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trở thành tài sản thuộc sở hữu của Tổng Liên đoàn. Đây là nghĩa vụ của từng doanh nghiệp đối với Công đoàn Việt Nam nói chung, không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công đoàn cơ sở tại chính doanh nghiệp mình. Sau đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân bổ lại cho các cấp công đoàn địa phương, ngành. Năm 2024, Công đoàn cơ sở được sử dụng 70% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 75% tổng số thu kinh phí công đoàn. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Như vậy, rõ ràng công đoàn cơ sở không bị ràng buộc, bị lệ thuộc về khoản kinh phí do doanh nghiệp đóng.

Đối với vấn đề đình công của người lao động, từ nhiều năm qua, Bộ luật Lao động đã quy định về quyền đình công của người lao động và quyền lãnh đạo, tổ chức đình công của tổ chức Công đoàn. Điều 199 Bộ luật Lao động 2019, quy định người lao động có quyền đình công trong các trường hợp:

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:

  1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
  2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.”

Đình công là vũ khí của tổ chức công đoàn, nhưng công đoàn chỉ sử dụng vũ khí này khi cần thiết. Đảng và Nhà nước ta (kể cả người sử dụng lao động và người lao động) mong muốn, theo đuổi mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước bảo đảm hài hòa, không thiên lệch mới thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. Thực tế cho thấy hầu hết các cuộc đình công sẽ gây ra tổn thất cho doanh nghiệp, sâu xa cũng là gây tổn thất cho công nhân và cho xã hội. Do đó, hiện nay công đoàn các cấp chủ yếu sử dụng phương thức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động và khởi kiện làm chính. Khi không thể thương lượng, đối thoại được, công đoàn có thể lãnh đạo, tổ chức đình công theo quy định. Không đình công, không có nghĩa là không đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong thời gian qua, công đoàn các cấp đã nỗ lực tham gia đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhờ đó, dù  tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động của dịch COVID-19 đến đời sống người lao động  vẫn còn lớn, nhưng số vụ ngừng việc tập thể giảm so với giai đoạn trước.

Cụ thể, tổ chức Công đoàn đã tích cực, chủ động, đổi mới trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Trong nhiệm kỳ, đã có trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn.

Phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ quan dân cử, nhất là Hội đồng Tiền lương Quốc gia, giai đoạn 2018-2023, Công đoàn Việt Nam đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Cùng với đó, hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới, đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản. Có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.

Hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, với 333.267 vụ tư vấn cho 1.135.199 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người. Công đoàn Việt Nam đã đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 4.664 người, giúp người lao động nhận lại hoặc được bồi thường hơn 64 tỷ đồng.

Đồng thời, công đoàn tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 – 2018 (giai đoạn 2018 – 2022, cả nước xảy ra 724 cuộc ngừng việc tập thể, giảm 895 cuộc so với nhiệm kỳ trước). Tình hình ngừng việc tập thể năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2023 xảy ra 60 cuộc ngừng việc tập thể, giảm 86 cuộc so với cùng kỳ năm 2022).

“Cách bảo vệ thông minh là bảo vệ ít tốn kém, ít mất mát, hướng tới phát triển bền vững. Công đoàn nhiều nước trên thế giới nhiều năm liền không có một cuộc đình công, nhưng họ vẫn bảo vệ được quyền lợi của người lao động” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

—–

Tài liệu tham khảo

(1) Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam Bài 2: Công đoàn và sứ mệnh đấu tranh cho tiến bộ (tiếp theo và hết) (https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/bai-2-cong-doan-va-su-menh-dau-tranh-cho-tien-bo-tiep-theo-va-het-657888).

(2) Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

(3) Báo cáo hoạt động công đoàn năm 2023

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *