Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30690

Bộ trưởng Tô Lâm trao tặng gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân bức tranh thêu nghệ thuật

Chiều 4/5, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến thăm gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân tại Hà Nội, đồng thời trân trọng trao tặng bức tranh nghệ thuật thêu bản nhạc bài hát của nhạc sĩ về lực lượng CAND – “Bài ca gửi người chiến sĩ Công an đường sắt”.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong một gia đình Nho học ở phố Hàng Thùng, có cha và ông nội đều là nhà nho, được theo học hệ thống nhà trường của Pháp. Năm 1946, ông từ giã gia đình, đi kháng chiến. Năm 1951, ông bắt đầu sáng tác âm nhạc. Năm 1953, ông sáng tác “Hò kéo pháo” – tác phẩm gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, từng đoạt giải Nhất Đại hội văn công toàn quốc đầu tiên vào năm 1954.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tu nghiệp tại Nhạc viện quốc gia Bắc Kinh, Trung Quốc (1954-1960), tốt nghiệp với bản giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ quốc”. Sau này, ông về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam và đóng góp lớn trong việc gây dựng dàn nhạc của Đài. Ngoài hoạt động sáng tác âm nhạc, ông còn giảng dạy sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội…

Bộ trưởng Tô Lâm trao tặng gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân tranh thêu nghệ thuật bản nhạc của ông về lực lượng Công an -0
Đại tướng Tô Lâm cùng đoàn công tác của Bộ Công an đến thăm gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân.

Tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với nhiều tác phẩm âm nhạc được nhiều thế hệ khán thính giả yêu thích như: “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tâm tình người thủy thủ”, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”,”Bài ca xây dựng”, “Bài ca người thợ mỏ”, “Hát về cây lúa hôm nay “, “Tôi là người thợ lò”… Ông cũng là nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho nhiều bộ phim nổi tiếng như: “Con chim vành khuyên”, “Nổi gió”, “Khói trắng”,”Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”.

Tuy nhiên, thực tế, sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân đồ sộ hơn nhiều so với số lượng tác phẩm đã quen thuộc với công chúng hiện nay. Trong đó phải kể đến Concerto cho Oboe “Voi kéo gỗ trên lâm trường”, Concertino cho violon và dàn nhạc “Tuổi trẻ và tình yêu”, tác phẩm khí nhạc saxophone “Vũ khúc 87”, “Giai điệu tình yêu”, Tổ khúc giao hưởng 4 chương “Tưởng niệm”, Giao hưởng thơ số II và Giao hưởng thơ số III “Tuổi trẻ của tôi”, Opérettes “Tình yêu nàng Sa”, “Nỗi nhớ Mai Lan”, Giao hưởng thơ “Trữ tình” (Sinfonia Lyrica), Giao hưởng với đại hợp xướng Điện Biên Phủ “Trên chiến trường không bao giờ quên”…

Bộ trưởng Tô Lâm trao tặng gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân tranh thêu nghệ thuật bản nhạc của ông về lực lượng Công an -0
Bức tranh thêu nghệ thuật tác phẩm “Bài ca gửi người chiến sĩ Công an đường sắt”.

Những đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Riêng về lực lượng CAND, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ca khúc “Bài ca gửi người chiến sĩ Công an đường sắt” từ những năm 1960. Theo gia đình của của cố nhạc sĩ, vào thời điểm này, nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế sáng tác trong ngành đường sắt. Ông vô cùng xúc động khi gặp hình ảnh người Công an đường sắt canh gác trong đêm. Với niềm xúc động dạt dào, ông viết ca khúc nói trên rất nhanh. Sau một thời gian khá dài, đến năm 2020, trong chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 75 năm truyền thống CAND, ca khúc tiếp tục được phối khí mới và biểu diễn trên sân khấu lớn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam.

Trong buổi trò chuyện cùng vợ của cố nhạc sĩ Hoàng Vân – bà Ngọc Anh – và các con cháu của ông, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Vân và gia đình. Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, Đảng, Nhà nước đã xác định văn hoá có vị trí quan trọng thứ 3 trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, hoạt động văn hoá nghệ thuật trong lực lượng CAND đang được quan tâm đầu tư, phát triển.

Bộ trưởng Tô Lâm trao tặng gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân tranh thêu nghệ thuật bản nhạc của ông về lực lượng Công an -0
Đại tướng Tô Lâm trân trọng trao tặng gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân bức tranh thêu.

Các nghệ sĩ – chiến sĩ Công an đã có nhiều rất nhiều chương trình, hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân, đặc biệt là nhân dân các vùng sâu, vùng xa. Ngay Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn, các nghệ sĩ – chiến sĩ cũng đã có nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng phục vụ khán giả.

Bộ trưởng cũng đã chia sẻ với gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và nhiều dự định, dự án lớn của lực lượng CAND nhằm phát triển văn hoá nghệ thuật thời gian tới. Trong đó, nổi bật là việc đầu tư xây dựng Nhà hát hiện đại tại Hàng Bài – trung tâm Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là điểm thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao, dành cho nhân dân Thủ đô nói riêng, của cả nước nói chung…

Dịp này, Đại tướng Tô Lâm cũng đã trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Vân đã có nhiều sáng tác, góp phần vào bảo vệ, xây dựng đất nước, trong đó có ca khúc về lực lượng CAND là “Bài ca gửi người chiến sĩ Công an đường sắt”. Trân trọng trao tặng gia đình bức tranh thêu nghệ thuật bản nhạc này, Bộ trưởng cho biết, món quà mang tính tượng trưng, biểu thị tấm lòng, tình cảm của lãnh đạo Bộ Công an, cán bộ, chiến sĩ Công an đối với nhạc sĩ và gia đình…

Đón nhận bức tranh, bà Ngọc Anh và các con cháu của nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết, gia đình vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Đại tướng Tô Lâm, của lãnh đạo Bộ Công an và các cán bộ, chiến sĩ. Hai người con của nhạc sĩ Hoàng Vân là nhạc trưởng Lê Phi Phi và Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, con cháu của nhạc sĩ sẽ tiếp bước ông, nỗ lực lao động, sáng tạo nghệ thuật, có nhiều đóng góp hơn nữa với quê hương đất nước nói chung, lực lượng CAND nói riêng.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *