Để chống phá chế độ chính trị hiện hành, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, đả phá mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thậm chí cả chủ trương bảo vệ an ninh quốc gia, như bài viết mới đây đăng trên RFA “Bảo vệ chế độ từ sớm, từ xa – quan điểm mới của Đảng về an ninh chế độ” ngày 29/5/2024 của Nguyễn Anh Tuấn, thành viên tổ chức phản động VOICE lưu vong. Mục đích bài viết là sự suy diễn, xuyên tạc Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy” là sự kích động, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Nội dung xuyên tạc chủ trương, chiến lược đúng đắn bảo vệ an ninh đất nước “từ xa từ sớm” với luận điệu nham hiểm, kích động gây chia rẽ đoàn kết dân tộc: “an ninh quốc gia đã bị đánh đồng với an ninh chế độ, giữ nước không khác gì giữ chế độ, bởi lẽ Tổ quốc đã bị đánh đồng Đảng cộng sản”. Thực tế cho thấy rằng:
Trước hết, chủ trương bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy” là sự kế thừa tư tưởng giữ nước của ông cha ta, là phương châm hàng đầu của nền quốc phòng Việt Nam, cho nên, vì sự tồn vong của dân tộc thì dưới góc độ “quản trị rủi ro”, việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi đất nước chưa nguy là cần thiết, với sự tham gia không chỉ của lực lượng vũ trang (quân đội, công an) mà còn bao gồm các lực lượng khác.
Với Việt Nam, thì không thể tách rời việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, cho nên nội dung chiến lược này thể hiện rõ nội hàm: Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa thì phải luôn giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước; phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhất là vai trò của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, phải luôn giữ nước từ thời bình trên cơ sở kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; phải xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc…
Tuy nhiên, Nguyễn Anh Tuấn diễn nôm, suy diễn và bẻ cong nội dung Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới thành “ý nghĩa cao quý của công cuộc bảo vệ Tổ Quốc, theo đó, đã bị giáng cấp xuống chỉ để gìn giữ quyền lực và quyền lợi của một đảng phái và áp đặt một khuynh hướng chính trị làm cơ sở cho quyền lực và quyền lợi của đảng phái đó” chính là sự quy chụp theo chủ kiến cá nhân, xuyên tạc mục đích, nội dung, ý nghĩa Chiến lược này.
Thực tiễn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28, việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc gắn liền với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; với bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc… đã đạt kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển ngày càng bền vững trước những thử thách khôn lường của tình hình thế giới, khu vực; của tình hình trong nước. Trên cơ sở kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và nhằm dáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, ngày 24/11/2023 Nghị quyết số 44-NQ/TW khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã ra đời (Nghị quyết số 44).
Với Nghị quyết số 44, có thể thấy việc kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; việc khẳng định và bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc gắn với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa trên cơ sở dựa vào dân, phát huy vai trò của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… tiếp tục được khẳng định. Điều đó, cũng có nghĩa là, tinh thần độc lập, tự chủ; việc chủ động chuẩn bị bảo vệ Tổ quốc, Đảng, chế độ và nhân dân ngay khi đất nước đang hòa bình và phát triển phải luôn gắn với thực hiện bảo vệ an ninh chế độ; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh là điều cần thiết. Thành quả đó là nhờ sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện cách mạng nước ta hiện nay, giúp Quân đội, Công an và lực lượng chức năng chủ động đấu tranh và xử lý kịp thời, hiệu quả mọi yếu tố tiềm ẩn, phức tạp về an ninh bên ngoài, bên trong, từ ngoài biên giới lãnh thổ, từ cơ sở, không để diễn biến phức tạp, lây lan; gắn với đấu tranh, xử lý quyết liệt các đối tượng chống phá ở cả trong và từ bên ngoài biên giới quốc gia… của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn.
Xa rời những quan điểm nêu trên cũng như tách rời nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ là sai lầm, mà còn dẫn đến nguy cơ tan rã, sụp đổ chế độ và mất độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vì thế, việc ra đời và triển khai thực hiện Nghị quyết số 28, Nghị quyết số 44 không phải là “bằng chứng cho thấy Đảng đã bật đèn xanh cho Bộ Công an gia tăng và mở rộng hoạt động đàn áp xuyên quốc gia (TNR) nhằm đảm bảo an ninh chế độ” như Nguyễn Anh Tuấn xuyên tạc, kích động, mà chính là hiện thực hóa quan điểm “bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc” như V.I.Lênin đã chỉ dẫn.
Luận điệu này không mới, nó không khác mấy với luận điệu đòi tách Công an, Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng lâu nay của các thế lực thù địch nhằm vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, từ đó lật đổ chế độ chính trị hiện nay, thao túng Việt Nam theo con đường và chế độ chính trị đa nguyên đa đảng, tư bản chủ nghĩa. Và cũng vì thế, mọi sự suy diễn, xuyên tạc, quy chụp của Nguyễn Anh Tuấn trong bài viết này đều nhằm mưu đồ thâm độc chia rẽ dân với Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần phải bị vạch trần.