Trong 10-25 năm tới, trình độ phát triển của TP HCM phải ngang tầm với thành phố lớn châu Á, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 23/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu với phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên. Phía bắc tiếp giáp với Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, phía tây và tây nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, phía đông và đông nam giáp Biển Đông, phía tây bắc tiếp giáp với Campuchia.
Theo Tổng bí thư, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của Đông Nam Bộ – vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tầu kinh tế của cả nước.
Đông Nam Bộ cần đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và Đông Nam Á. Vùng cần giữ vai trò đầu tầu trong liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và cả nước.
Trong đó, TP HCM là hạt nhân, thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ. Trình độ phát triển của TP HCM ngang tầm với thành phố lớn châu Á, một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Được xây dựng thành vùng có trình độ phát triển cao, người dân Đông Nam Bộ có cuộc sống khá giả, hạnh phúc; có nếp sống văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng được thu hẹp.
Trả lời câu hỏi vì sao Bộ Chính trị lại bàn và ra nghị quyết mới về vùng Đông Nam Bộ, Tổng bí thư cho rằng đây là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, với những tiềm năng, lợi thế vượt trội.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, kinh tế – xã hội của vùng còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, mạng lưới kết cấu hạ tầng và giao thông yếu, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cùng với đó là một loạt vấn đề dân sinh bức xúc như y tế, môi trường, giáo dục, việc làm…
Theo Tổng bí thư, nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể. Đến năm 2030, Đông Nam Bộ phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế phát triển, đứng đầu cả nước.
TP HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới. Chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
TP HCM tiếp tục là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Về nhiệm vụ giải pháp, Tổng bí thư yêu cầu xác định rõ tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức, điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế – xã hội ở vùng để đề ra chính sách, biện pháp cụ thể, khả thi cao. “Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển của vùng, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá”, Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư đề nghị Chính phủ và cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; đô thị với nông thôn mới.
Sau hội nghị này, căn cứ vào nghị quyết và kế hoạch của Bộ Chính trị, Tổng bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan ở Trung ương và cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành và địa phương trong vùng.
“Chương trình hành động phải bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của nghị quyết, bảo đảm phù hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng”, Tổng bí thư yêu cầu.