Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành GTVT diễn ra sáng 28/12

Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Giao thông vận tải, do Bộ Giao thông vận tải tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu thành phố Hà Nội, kết nối với điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường.

“Lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông – Tây, các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, khởi công công trình nhà ga Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất… Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại Hội nghị

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định ngành tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay và gấp 1,7 lần so với năm 2022. Song song đó là số vốn sự nghiệp kinh tế, hơn 19,9 nghìn tỉ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

“Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ kế hoạch dự kiến đạt trên 95%”- Bộ trưởng cho hay.

Về hoạt động vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến hết tháng 11/2023, sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, trong năm 2023, Bộ GTVT cũng tích cực tháo gỡ những vấn đề tồn tại của ngành. Trong đó, có việc quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động đăng kiểm. Đến tháng 6/2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm. Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện hoạt động đăng kiểm theo hướng “có đóng, có mở”, công khai, minh bạch, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

“Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong thực tiễn

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức. Trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhiều diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể dự báo trước. Điều này đã tác động lớn đến tình hình trong nước, trong đó có ngành GTVT.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, nỗ lực của Bộ GTVT, Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

“Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó, đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó, đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo”, Thủ tướng nói và nhắc lại sự kiện đầu năm 2023, lần đầu tiên, Bộ GTVT triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc từ Bắc đến Nam, đến cuối năm tiếp tục khánh thành 4 dự án ngành GTVT từ sân bay, cầu, đường cao tốc ở hai đầu đất nước. Từ đó, Thủ tướng khẳng định trong thành tích chung của đất nước, có sự đóng góp lớn của ngành GTVT, cũng như các địa phương trong năm 2023.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, hoan nghênh, biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành GTVT và các địa phương.

Thủ tướng cho biết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, năm 2023, Bộ GTVT được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Nhờ tập thể đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công các lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, vừa phát triển dự án mới, vừa khắc phục khuyết điểm sai sót của những dự án cũ, vừa tháo gỡ các khó khăn, trong đó có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Lấy ví dụ từ việc tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án cầu Mỹ Thuận 2 để cuối năm nay đưa vào khánh thành, khai thác, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần bám sát chỉ đạo và tiếp tục phân công lãnh đạo Bộ thường xuyên kiểm tra các dự án để kịp thời nắm bắt khó khăn nhằm tháo gỡ kịp thời để đạt tiến độ, mục tiêu đề ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất mà Đảng và Nhà nước giao.

Về công tác hoàn thiện thể chế, Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT đã tích cực, chủ động rà soát, xây dựng hoàn thiện thể chế, trình Chính phủ 13/13 Nghị định đạt 100% kế hoạch theo chương trình công tác của Chính phủ.

“Quá trình tổ chức thực hiện tốt mới xây dựng được thể chế tốt, những vướng mắc trong thực tiễn cần phải tháo gỡ ngay. Đơn cử như vừa qua Chính phủ đã cùng Bộ GTVT, các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá tích cực việc xây dựng, hoàn thành 5 quy hoạch ngành của Bộ GTVT, thời gian tới, khi triển khai trong thực tiễn sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Thủ tướng cũng lưu ý khi xây dựng quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội thuận lợi và lợi thế cạnh tranh của đất nước, hoá giải được những mâu thuẫn, tồn tại, thách thức mà ngành GTVT đang vướng.

Song song với đó, quy hoạch cũng cần phải có kết nối, sự bình đẳng giữa các địa phương, vùng miền; không chỉ kết nối vùng miền trong nước mà cần phải kết nối với quốc tế, nhất là các nước trong khu vực.

“Bộ GTVT đã làm tốt điều này, đồng thời cũng đánh giá thực tiễn, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng giao thông như phân cấp cho địa phương xây dựng đường cao tốc, mở rộng vốn cho các dự án đầu tư PPP. Những đề xuất của Bộ GTVT rất chủ động, được Chính phủ thông qua, Quốc hội đánh giá cao, đại biểu quốc hội chia sẻ.” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế mà ngành cần khắc phục trong công tác quản lý hoạt động vận tải, kiềm chế tai nạn giao thông, triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…

Năm 2024,  thực hiện quyết liệt các giải pháp, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao

Phân tích những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, cũng như bài học kinh nghiệm trong công tác của ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số giải pháp mà ngành cần thực hiện để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2024.

“Ngành Giao thông vận tải và Bộ Giao thông vận tải không được say sưa với thắng lợi, không lơ là, chủ quan; mà phải luôn nỗ lực và cố gắng hơn nữa để khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa và lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực. Ngành Giao thông vận tải phải nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, đúng thời điểm các vướng mắc, trên tinh thần “vướng mắc ở cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết”; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là những vướng mắc trong quá trình thực hiện; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra.

Cùng với đó, thực hiện giảm tất cả các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, sách nhiễu và để giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp; làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng lưu ý, ngành Giao thông vận tải phải chú trọng nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần được ưu tiên thực hiện. Trong đó, ưu tiên nguồn lực, kiểm soát tiến độ, đảm bảo chất lượng, chống lãng phí tại dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khởi công các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại 3 vùng kinh tế – xã hội gồm: Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Gia Nghĩa – Chơn Thành, Nam Định – Thái Bình…

Thủ tướng yêu cầu ngành Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi phạm theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đối với các dự án của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai; các nhà tư vấn phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm; nhà thầu phải tôn trọng pháp luật, không lợi dụng chính sách; các Ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu cũng phải đúng quy định; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

“Các nhà thầu cũng phải đặt lợi ích của dân tộc, nhân dân lên trên hết, kinh doanh cũng phải có lãi nhưng phải bằng trí tuệ, sức lực, công khai, minh bạch chứ không phải bằng tiêu cực, trục lợi chính sách”, Thủ tướng lưu ý.

Với khí thế mới và truyền thống hào hùng, Thủ tướng tin tưởng ngành Giao thông vận tải nói chung và Bộ Giao thông vận tải nói riêng, đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, đã quyết tâm rồi quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, để đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023./.

Bộ GTVT cho biết. năm 2024, đơn vị sẽ hoàn thành thủ tục khởi công nhiều dự án giao thông. Trong đó, ba dự án giao thông quan trọng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư gồm: cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Chợ Mới – Bắc Kạn, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.

Bên cạnh đó, Bộ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản gồm: Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Lạng Sơn – Cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình,  Gia Nghĩa – Chơn Thành, TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài, Hòa Bình – Mộc Châu và Vành đai 4 TP.HCM.