Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23407

Tăng mức xử phạt đối với tội mua bán người

So với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì BLHS năm 2015 đã tiệm cần gần hơn với các chuẩn mực quốc tế liên quan đến tội phạm mua bán người, trong đó: Mô tả rõ hơn hành vi của tội phạm; Bổ sung nhiều tình tiết định khung tăng nặng mới; Chỉ rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác để thực hiện tội phạm mua bán người; Nêu cụ thể mục đích của tội phạm; Điều chỉnh chính sách xử lý hình sự đối với tội phạm mua bán người nghiêm khắc hơn.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thay đổi cơ bản cấu thành của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi theo hướng quy định cụ thể hơn các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên tinh thần khái niệm buôn bán người của Nghị định thư về phòng chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên. Tách tội ghép “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” được quy định tại Điều 120 BLHS năm 1999 thành 03 tội danh độc lập là tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153) nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với từng tội phạm trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Khung tăng nặng của Điều 150, 151 BLHS 2015, so với điều luật tương ứng của BLHS 1999, được tách thành 2 khung tăng nặng khác và sắp xếp lại cho hợp lý, có sự phân hóa trong chính sách xử lý; Bổ sung các tình tiết tăng nặng mới, bỏ một số tình tiết tăng nặng của BLHS năm 1999 không còn phù hợp; Chính sách xử lý hình sự đối với 02 tội danh này được điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn.

Công an Trung Quốc bàn giao trẻ sơ sinh bị buôn bán cho Công an Quảng Ninh

Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn, người tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài không nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc không vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu TNHS về tội mua bán người nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu TNHS về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép hoặc tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Tội mua bán người dưới 16 tuổi được tách từ tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 của BLHS năm 1999). Điều luật này đã nội luật hóa các quy định của Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. So với BLHS năm 1999, điều luật đã có sự thay đổi cơ bản trong việc xác định tội phạm, trong đó, cấu thành cơ bản của tội mua bán người dưới 16 tuổi gồm có 02 yếu tố bắt buộc là hành vi phạm tội và mục đích phạm tội và không quy định thủ đoạn là yếu tố bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội phạm này.

Khoản 1 Điều luật cụ thể hóa các hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, bao gồm: Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, (trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo) hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn, trường hợp vì mục đích nhân đạo có thể là trường hợp người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nhỏ, đã môi giới cho người này xin con nuôi của người không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu TNHS về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Khoản 4 Điều 2 Nghị Quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn để bóc lột tình dục là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân nhằm chuyển giao cho người khác để thực hiện các hoạt động bóc lột tình dục (như tổ chức cho nhạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục…) hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình. Để cưỡng bức lao động là trường hợp phạm tội nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là trường hợp phạm tội nhằm lấy một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của nạn nhân. Ví dụ: để lấy quả thận, giác mạc…

Tại khoản 2, cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng “để đưa ra nước ngoài”, “đối với nhiều trẻ em” thành các tình tiết “đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “đối với từ 02 đến 05 người”. Cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tình tiết:  “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này”.

Tại khoản 3, bổ sung mới khoản 3 với 07 tình tiết định khung tăng nặng, trong đó, bổ sung mới 04 tình tiết định khung tăng nặng gồm: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; phạm tội đối với 06 người trở lên.

Khoản 1 Điều 151 BLHS 2015 đã nâng mức hình phạt tù lên thành “từ 07 năm đến 12 năm” (BLHS năm 1999 là tù từ 03 năm đến 10 năm); Khoản 2 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, khi thuộc một trong các trường hợp sau: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội; Đối với từ 02 người đến 05 người; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phạm tội 02 lần trở lên; Vì động cơ đê hèn; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 151 BLHS.

Khoản 3 quy định hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; ;àm nạn nhân chết hoặc tự sát; đối với 06 người trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung theo hướng bổ sung hình phạt “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” và nâng mức phạt tiền bổ sung lên thành “từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng” (theo BLHS năm 1999 là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng), phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung theo hướng bổ sung hình phạt “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” và nâng mức phạt tiền bổ sung lên thành “từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” (theo BLHS năm 1999 là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng), phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Có thể khẳng định, những điểm mới trong BLHS 2015 về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi đã thể hiện nỗ lực ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này, đồng thời là quyết tâm của Việt Nam trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, nhất là trẻ em dưới 16 tuổi trước hành vi xâm phạm. Đây không chỉ là bước tiến để phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người mà trên hết xuất phát từ chính mục tiêu của Nhà nước Việt Nam là ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người như đã hiến định trong Hiến pháp.■

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *