Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13107

Hoàn thành quy hoạch nhiệm kỳ mới trong năm 2022

Các cơ quan, tổ chức phải làm xong quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ 2026 – 2031 trong năm 2022, theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

Sáng 14/7, phát biểu tại hội nghị bồi dưỡng kiến thức cho báo chí về xây dựng đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, cho biết trong năm nay sẽ có văn bản mới thay thế Quy định 50 về quy hoạch cán bộ. Việc lập quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới có nhiều điểm mới, như thay vì quy hoạch ba nhóm đối tượng, sẽ rút lại còn hai.

“Qua đại hội vừa rồi thấy rằng đối tượng 1 thì vào Trung ương, đối tượng 3 vào ủy viên dự khuyết Trung ương, còn đối tượng 2 là cấp vụ trưởng chẳng rơi vào đâu hết”, bà Mai nói. Vì vậy, lần này quy hoạch chỉ còn hai nhóm, trong đó nhóm 1 có thể tiếp cận ngay với các vị trí bổ nhiệm, nhóm 2 là chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng.

Số lượng cán bộ quy hoạch cho mỗi vị trí cũng giảm so với trước. Trước đây quy hoạch bốn người cho một vị trí thì nay một chức danh quy hoạch không quá ba người, một người không quá ba chức danh. “Trước giới thiệu 100 ông thì chỉ 30 ông vào vị trí, 70 ông ngồi lại sẽ tâm tư, do đó phải hẹp lại. Giảm số lượng cán bộ quy hoạch cho các vị trí cũng giúp chọn người tốt hơn, giỏi hơn và chặt chẽ hơn”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói.

Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Theo bà Mai, một điểm mới khác là trong công tác luân chuyển nhằm đào tạo cán bộ, người luân chuyển phải còn ít nhất 10 năm công tác, thời gian luân chuyển 3 năm. Những cán bộ không còn đủ tuổi luân chuyển sẽ được điều động, phân công công việc về các địa phương, nếu nơi đó cần. Quy định này nhằm tạo sự uyển chuyển giữa điều động và luân chuyển cán bộ.

Lần này Trung ương cũng chủ trương không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ về địa phương. Như vậy, người được luân chuyển sẽ toàn tâm, toàn ý với địa phương, tránh tình trạng tăng thêm suất chức danh để tạo điều kiện luân chuyển cán bộ.

“Trách nhiệm của cơ quan tham mưu phải nhịp nhàng, đưa cán bộ có năng lực, uy tín, thực tiễn tốt từ địa phương về trung ương”, bà Mai nói, cho biết việc bố trí công tác cho cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu, kết quả làm việc của cán bộ, chứ không phải ai luân chuyển về cũng đều lên chức.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, khi chọn cán bộ thay thế người bị khai trừ, khởi tố, Bộ Chính trị không chỉ quan tâm năng lực, bản lĩnh mà còn “sự trong sạch”. “Cán bộ không sạch sẽ rất khó được quan tâm bổ nhiệm vào các vị trí. Như vậy cán bộ, đảng viên, nhân dân mới yên tâm”, bà Mai nói, cho biết việc giới thiệu cán bộ cho Đảng là khó khăn, thách thức rất lớn của Ban Tổ chức Trung ương.

Trước đó ngày 23/6, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết không vội vàng chọn Chủ tịch Hà Nội, Bộ trưởng Y tế thay cho ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long đã bị khai trừ. “Phải chọn đúng, chính xác, không vội vàng, vì vội vàng đưa người nào đó kế tục ngay, nếu không chín chắn thì lại chọn không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao?”, ông giải thích.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *