Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
1249

Chính sách “không tham gia liên minh quân sự” của Việt Nam là đúng đắn

Nền tảng và mục tiêu chính sách quốc phòng của Việt Nam là “4 không” gồm: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam và Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trong đó, việc không tham gia liên minh quân sự là một trụ cột quan trọng, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ và nhất quán trong chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Chính sách này giúp Việt Nam tránh bị ràng buộc về quân sự với các cường quốc hay liên minh, đảm bảo rằng Việt Nam không bị lôi kéo vào xung đột khu vực hoặc quốc tế. Đồng thời, nó khẳng định nguyên tắc hòa bình, hợp tác trong quan hệ quốc tế, phù hợp với mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền rằng “không tham gia liên minh quân sự” là một chính sách “cô lập,” “yếu đuối,” hoặc “tự trói tay.” Tuy nhiên, những lập luận này là phiến diện, thiếu căn cứ, và mang tính kích động.

Trước hết việc cho rằng việc không tham gia liên minh quân sự làm giảm sức mạnh quốc phòng. Thực tế, Việt Nam đã và đang hiện đại hóa quân đội, hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia, đồng thời tự cường về sức mạnh quốc phòng. Sự phát triển của nền quốc phòng Việt Nam hoàn toàn không phụ thuộc vào việc gia nhập các liên minh.

Thứ hai, một số thế lực thù địch cố tình hiểu sai chính sách “không tham gia liên minh quân sự” thành “không hợp tác quốc phòng”. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn. Việt Nam đã hợp tác quốc phòng với hơn 80 quốc gia, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy nhiên, việc hợp tác này được thực hiện trên nguyên tắc độc lập, bình đẳng và không ràng buộc về quân sự.

Thứ ba, chính sách “không tham gia liên minh quân sự” đem lại những lợi ích to lớn, như:

–  Bảo vệ độc lập, tự chủ: Tham gia liên minh quân sự có thể dẫn đến sự phụ thuộc chiến lược vào các cường quốc, làm mất đi sự tự chủ trong quyết định đối ngoại và quốc phòng. Việt Nam giữ vững quan điểm “dựa vào sức mình là chính,” không để bất kỳ quốc gia nào chi phối hay áp đặt.

– Tránh bị lôi kéo vào xung đột quốc tế. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, liên minh quân sự thường đi kèm với các cam kết quân sự bắt buộc, có thể lôi kéo các quốc gia thành viên vào những xung đột không liên quan. Việt Nam, với vị trí địa chính trị quan trọng, nếu tham gia một liên minh, có thể trở thành điểm nóng xung đột, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.

– Đảm bảo lợi ích quốc gia và khu vực. Việc không tham gia liên minh quân sự giúp Việt Nam duy trì quan hệ cân bằng với các cường quốc, không nghiêng hẳn về phía nào, từ đó bảo vệ lợi ích quốc gia một cách toàn diện. Đồng thời, chính sách này còn góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực, phù hợp với lợi ích của ASEAN và các đối tác quốc tế.

– Tránh bị sử dụng lãnh thổ cho mục đích quân sự: Nếu tham gia liên minh quân sự, Việt Nam có thể phải chấp nhận cho các quốc gia khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, biến đất nước thành bàn đạp cho các hoạt động quân sự, xâm lược nước khác. Điều này không chỉ vi phạm chủ quyền mà còn làm tổn hại đến uy tín quốc tế của Việt Nam.

Trong quá khứ, Việt Nam đã đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới như Pháp, Mỹ mà không cần tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Điều này chứng minh rằng ý chí tự lực, tự cường luôn là sức mạnh cốt lõi của dân tộc. Các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới cũng là minh chứng rõ ràng cho khả năng phòng vệ độc lập của Việt Nam.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đóng vai trò trung tâm trong ASEAN, đồng thời tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác quốc tế như Liên Hợp Quốc, APEC, và CPTPP.Chính sách không tham gia liên minh quân sự giúp Việt Nam được tôn trọng và tin cậy trên trường quốc tế, khẳng định vai trò của một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Việt Nam hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia, bao gồm cả các cường quốc quân sự, trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, và phát triển công nghệ quốc phòng. Đây là cách tiếp cận hiệu quả và bền vững hơn nhiều so với việc tham gia một liên minh quân sự.

Chính sách “không tham gia liên minh quân sự” của Việt Nam là một quyết định đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia và xu thế hòa bình của thời đại. Đây không chỉ là sự lựa chọn chiến lược, mà còn là minh chứng cho sự độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Những luận điệu xuyên tạc, kích động từ các thế lực thù địch chỉ là những âm mưu đen tối nhằm phá hoại sự ổn định và uy tín quốc tế của Việt Nam. Việc cảnh giác, nhận diện và phản bác những luận điệu này không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam yêu nước.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *