Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
36609

Việt Nam được xếp vào nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”

Thảo luận tại Đại hội XIII, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình bày tham luận “Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội”.

Dân trí trân trọng đăng toàn văn bài tham luận của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Kính thưa các vị đại biểu,

Kinh thưa Đại hội,

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với các văn kiện trình Đại hội, nhất là Báo cáo chính trị do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày trước Đại hội. Thay mặt Ban cán sự đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tôi xin tham gia với Đại hội một số vấn đề.

Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong quản lý phát triển bền vững đất nước. Chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển xã hội, an sinh xã hội là tương đối toàn diện, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới.

Chủ trương, đường lối, chính sách quản lý phát triển xã hội được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “quyền an sinh cho mọi người dân”. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội đặt mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, từng bước nâng cao và đảm bảo hạnh phúc của Nhân dân; mọi người dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc, vùng miền… đều có cơ hội được tham gia và thụ hưởng các thành quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thời gian qua, việc thực hiện quản lý phát triển xã hội đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động được sự tham gia tích cực, sâu rộng của mọi tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã thực hiện thành công cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Cụ thể là, chính sách người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú.

Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Chúng ta đã về đích trước 10 năm so với mục tiêu thiên niên kỷ. Giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Đánh giá của UNDP tại Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới. (từ 70% dân số nghèo, đói năm 1990 xuống còn 2,75% năm 2020). Đặc biệt là đã có sự thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp, các ngành và ngay cả người nghèo tự vươn lên thoát nghèo (cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa là một điển hình).

Trong 5 năm qua đã tạo được khoảng 8 triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn; Việt Nam là một trong mười nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.

Nhận thức về học nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong toàn xã hội và người dân đã có chuyển biến mạnh mẽ; vị thế, vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng cao. Kết quả giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo báo cáo mới nhất của UNDP (16/12/2020), Việt Nam được xếp vào nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia; chỉ số vốn nhân lực (HCI) chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28, chỉ trong 2 năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần 10 năm trước đây. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.

Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống cơ bản được ổn định và có phần cải thiện.

Đã thu hẹp khoảng cách giới trên tất cả các mặt. Chỉ số phát triển giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới.[2] Vai trò, địa vị của phụ nữ được củng cố và nâng cao cả trong gia đình và ngoài xã hội. Tỷ lệ nữ là lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Chính quyền từ trung ương đến địa phương cũng như tỷ lệ nữ là lãnh đạo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều tăng. Khoảng 48% lực lượng lao động là nữ; 50% đối tượng thụ hưởng chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phụ nữ.

Hệ thống dịch vụ xã hội đã được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của Nhân dân.

Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển con người cao - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Ngày 27/1, các đại biểu thảo luận tại hội trường về các Văn kiện Đại hội (Ảnh: Quốc Chính).

Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương (báo cáo ngày 05/01/2021) về kết quả 5 năm 2016 – 2020 cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công không ngừng tăng, tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc. Những thành quả đạt được trên đây khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; sự tham gia tích cực của Nhân dân. Đây là kết quả vô giá, thể hiện niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Kính thưa Đại hội!

Để mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trong quản lý xã hội và an sinh xã hội, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khu vực và thế giới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bẫy thu nhập trung bình, xu hướng già hóa dân số nhanh và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Trong khi đó: (1) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của chúng ta còn thấp và cơ cấu chưa hợp lý; (2) chất lượng việc làm thấp, tạo việc làm chưa thực sự bền vững, thu nhập chưa cao; (3) tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn lớn, cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (4) tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, nhất là nông dân và lao động khu vực phi chính thức; (5) kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu – nghèo về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn và có xu hướng gia tăng; (6) nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp; (7) một số tệ nạn xã hội gây ra những bất ổn trong đời sống xã hội.

Để vượt qua thách thức và khắc phục những hạn chế, bất cập đòi hỏi thời gian tới chúng ta phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong đó, con người là mục tiêu, động lực của phát triển và là trung tâm của chính sách xã hội; xác định rõ chính sách xã hội chăm lo cho người dân, là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục làm đúng nguyên tắc phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; đảm bảo mọi người dân được thụ hưởng một cách tốt nhất thành quả cách mạng, thành tựu phát triển kinh tế, thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người; kiểm soát tốt phân tầng xã hội; thực hiện phát triển chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, với 3 nội dung cốt lõi: (i) nâng tầm kỹ năng lao động; (ii) tạo việc làm thỏa đáng; (iii) an sinh xã hội bền vững với 2 trụ cột cơ bản nhất là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Để làm được điều đó, chúng tôi xin báo cáo và đề xuất một số chính sách cơ bản sau:

Thứ nhất, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo nguyên tắc: tôn vinh cống hiến và sự hi sinh, đóng góp của người có công và thân nhân. Bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống, chỉ số hạnh phúc của người dân; tích hợp các chính sách giảm nghèo, giảm chính sách hỗ trợ trực tiếp, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống, điều kiện sống của người nghèo so với bình quan chung cả nước. Tập trung giảm nghèo bền vững vùng lõi nghèo, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ ba, kiến tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, hội nhập và hiệu quả; phát triển việc làm bền vững, nhất là cho thanh niên và lao động trung niên và công việc phù hợp sức khỏe, nhu cầu người cao tuổi. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt – Đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động gắn nhu cầu thị trường và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp là một trường nghề. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ lên 30 – 35% vào năm 2025 và đạt 40 – 45% vào năm 2030 (tương ứng của các quốc gia phát triển). Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Chuyển dịch lao động khu vực nông nghiệp còn dưới 25% vào năm 2025 và dưới 20% vào năm 2030. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Thực hiện cải cách tiền lương theo nguyên tắc giá cả sức lao động trên thị trường; tốc động tăng năng suất lao động và hiệu quả lao động. Thực hiện chính sách tiền lương và thu nhập khuyến khích và trọng dụng nhân tài.

Thứ tư, cải cách hệ thống và chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ, bền vững – đi đôi với bảo hiểm bắt buộc cần mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm khu vực phi chính thức, tiến tới bảo hiểm toàn dân. Duy trì bảo hiểm y tế toàn dân, trước mắt có giải pháp hỗ trợ để 5% người cao tuổi (khoảng 600.000 người) chưa có thì sớm có bảo hiểm y tế (bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 2 trụ cột chính của an sinh xã hội).

Thứ năm, đảm bảo cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế; phát triển trợ giúp xã hội toàn diện và đa dạng, phù hợp với vòng đời con người; có sự chia sẻ giữa Nhà nước – xã hội và người dân. Nâng tỷ lệ được trợ giúp xã hội lên khoảng 3,5% dân số vào năm 2025, khoảng 4% vào năm 2030. Đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chúng tôi tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, chắc chắn chúng ta sẽ có một bước phát triển vượt bậc trong nhiệm kỳ XIII của Đảng.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các vị đại biểu.

Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp./.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *