Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
522

Tăng cường công tác theo dõi và dự báo để nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong công tác bảo hộ công dân

Theo Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh, định hướng triển khai công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới sẽ là tăng cường công tác theo dõi và dự báo để nâng cao tính chủ động, sẵn sàng ứng phó với các vấn đề phát sinh.
Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh. (Ảnh: Quang Hòa)

Tiếp nối các kết quả đạt được trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài những năm qua, trong năm 2024, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong nước và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai kịp thời và có hiệu quả công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam tại nước ngoài, được Lãnh đạo các cấp và dư luận quan tâm, đánh giá cao.

Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh nêu rõ các kết quả nổi bật về công tác bảo hộ công dân trong 6 tháng đầu năm nay và phương hướng triển khai trong thời gian tới.

Xin ông cho biết các điểm nổi bật về công tác bảo hộ công dân trong 6 tháng đầu năm 2024?

Ngày càng có nhiều công dân Việt Nam ra nước ngoài với các mục đích, hình thức khác nhau khiến khối lượng cũng như tính chất phức tạp của công tác bảo hộ công dân cũng gia tăng.

Tiếp nối thành công của chiến dịch giải cứu đưa hơn 1.500 công dân từ vùng chiến sự phía Bắc Myanmar về nước vào những ngày cuối cùng của năm 2023, từ đầu năm 2024, công tác bảo hộ công dân được Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát sao và thực hiện quyết liệt, công dân gặp khó khăn ở nước ngoài được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều điểm nóng đang hiện hữu cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tôi cho rằng môi trường để triển khai công tác bảo hộ công dân hiện nay có các đặc điểm lớn sau:

Thứ nhất là xung đột, giao tranh kéo dài và leo thang tại nhiều nơi trên thế giới (ngoài hai điểm nóng thường trực là xung đột Nga-Ukraine và xung đột tại khu vực Trung Đông), đòi hỏi các cơ quan chức năng phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án để kịp thời bảo hộ công dân trong các diễn biến khó lường, thậm chí khủng hoảng.

Thứ hai là tình trạng công dân làm việc bất hợp pháp tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến ở một số nước Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp; tỷ lệ công dân, người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp ở khu vực Đông Bắc Á còn ở mức cao;

Thứ ba là việc công dân bất chấp nguy hiểm, di cư bất hợp pháp sang các nước châu Âu và Bắc Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính mạng, tài sản;

Thứ tư là tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, các Cơ quan đại diện cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ ngư dân, tàu cá ta bị bắt giữ, xử lý trên biển.

Xin ông cho biết các kết quả nổi bật của công tác bảo hộ công dân đã triển khai từ đầu năm 2024?

Đối với các điểm nóng tại Nga-Ukraine và khu vực Trung Đông, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại các khu vực này chủ động trong công tác bảo hộ công dân, theo dõi sát tình hình công dân tại sở tại, có khuyến cáo kịp thời và phù hợp với từng thời điểm cho công dân, xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án hỗ trợ sơ tán công dân ra khỏi khu vực chiến sự trong trường hợp cần thiết.

Đáng chú ý là vụ việc ngày 6/3/2024, tàu hàng M/V True Confidence bị tập kích tên lửa và bốc cháy ngoài khơi Yemen khiến 3 người thiệt mạng và nhiều người bị thương, trong thủy thủ đoàn có 4 thuyền viên Việt Nam, trong đó có 1 thuyền viên đã tử vong. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, tại Saudi Arabia và tại Thái Lan để hỗ trợ đưa 3 thuyền viên và thi hài của thuyền viên tử vong về nước, gửi lời chia buồn tới gia đình thuyền viên tử nạn.

Từ đầu năm 2024, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận nhiều đơn thư đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ công dân ở nước ngoài, số lượng công dân Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại các cơ sở cờ bạc của một số nước trong khu vực vẫn còn tương đối lớn. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại những địa bàn liên quan đã hỗ trợ đưa về nước khoảng 600 công dân bị nước ngoài trục xuất do lao động bất hợp pháp tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến, nhiều người trong số đó là nạn nhân của lừa đảo và cưỡng bức lao động.

Tỉ lệ công dân Việt Nam vi phạm các quy định về lao động cư trú tại một số địa bàn có đông công dân Việt Nam đi học tập, lao động theo hợp đồng, mặc dù đã giảm đáng kể so với những năm trước đây, nhưng vẫn ở mức cao so với các nước khác.

Ngoài việc xử lý các vụ việc đã phát sinh, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã, thông qua các Hội đoàn người Việt ở sở tại, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành pháp luật sở tại, phát hiện sớm các vấn đề có thể trở thành điểm nóng trong cộng đồng.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan tiếp nhận, giải quyết cấp lại các loại giấy tờ tuỳ thân cho bà con người Việt bị ảnh hưởng bởi vụ cháy Trung tâm thương mại Marywilska 44, ngày 12/5.

Phát huy những kết quả đạt được và trên cơ sở nhận định được bối cảnh chung của tình hình thế giới, khu vực tác động đến công tác bảo hộ công dân, xin ông cho biết phương hướng triển khai công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới?

Công tác bảo hộ công dân là một trong những công tác quan trọng của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Định hướng triển khai công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới vẫn sẽ là tăng cường công tác theo dõi và dự báo để nâng cao tính chủ động, sẵn sàng của công tác bảo hộ công dân vốn mang tính tương đối bị động ứng phó với các vấn đề phát sinh.

Về các biện pháp cụ thể, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tập trung vào các biện pháp sau:

Một là, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về bảo hộ công dân trong các vụ việc bảo hộ công dân quy mô lớn; hoàn thiện, sớm ban hành và đưa vào áp dụng Quy trình bảo hộ công dân trong tình huống khủng hoảng để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác này.

Hai là, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp, theo dõi được biến động về số lượng công dân Việt Nam tại các địa bàn, tạo thuận lợi trong triển khai bảo hộ công dân.

Ba là, phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương nâng cao nhận thức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài về ý thức tổ chức, tinh thần tuân thủ pháp luật.

Bốn là, theo dõi, chỉ đạo sát sao đối với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, kịp thời của các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, quán triệt tinh thần “hết lòng phụng sự”, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *