Ngày 5/9, tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua tại địa bàn Hà Nội có tình trạng một số người dân nhận được tin nhắn, điện thoại của các đối tượng tự xưng là Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội thông báo xử phạt vi phạm giao thông.
Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, thì cung cấp tên tuổi, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để thông báo số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Tiếp đó các đối tượng sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, đồng thời yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Có trường hợp, các đối tượng còn yêu cầu người dân cài phẩn mềm Dịch vụ công giả mạo để nộp phạt trực tuyến. Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đối với việc xử lý vi phạm giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông không nhắn tin, không gọi điện thoại yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm để nộp phạt trực tuyến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
* Mới đây, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an thành phố Hà Nội đã nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng không gian mạng để tán phát tin giả, tin sai sự thật. Qua đó đã phát hiện: tài khoản Facebook cá nhân của ông P.K.T (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đăng tin sai sự thật về công tác phòng, chống lũ lụt của Thủ đô.
Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm làm việc với ông P.K.T. Tại cơ quan công an, ông T đã thừa nhận do nhận thức hạn chế nên đã đăng tin sai sự thật. Ông T đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đồng thời chủ động gỡ các bài viết vi phạm và cam kết không tái phạm.
Hành vi trên của ông P.K.T vi phạm điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Từ sự việc trên, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác, sàng lọc thông tin; thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin tương tác, bình luận, chia sẻ; tuyệt đối không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.