Nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ công an quận, hướng dẫn tải ứng dụng Dịch vụ công để đăng ký cấp căn cước nhanh chóng, chị H làm theo và đã bị chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật tại Yên Bái
- Thanh Hóa: Một đối tượng đào mộ, lấy trộm hài cốt rồi tống tiền 5 tỷ đồng
- Đồng Nai: Tăng cường giải pháp ngăn ngừa tín dụng đen sử dụng công nghệ cao
- Tạm đình chỉ công tác chủ tịch phường để xảy ra xây dựng trái phép
- Xử phạt nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Từ ngày 1/7, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an thành phố Hà Nội và công an 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi và người từ 6 tuổi trở lên.
Lợi dụng nhu cầu làm căn cước cho trẻ em, một số đối tượng xấu đã có các thủ đoạn lừa đảo hỗ trợ người dân đăng ký cấp căn cước nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mất tiền tỷ vì cài đặt phần mềm giả mạo để đăng ký làm căn cước
Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an thành phố Hà Nội liên tiếp tiếp nhận các trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn hướng dẫn cài đặt phần mềm hỗ trợ đăng ký cấp căn cước để chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng gọi điện, tự xưng là cán bộ công an, cảnh sát khu vực yêu cầu người dân tải ứng dụng Dịch vụ công giả mạo trên điện thoại để làm thủ tục trực tuyến. Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Chị H ở quận Hà Đông là một nạn nhân của thủ đoạn này. Chị nhận được điện thoại của đối tượng giả mạo xưng là cán bộ công an quận, hướng dẫn chị tải ứng dụng Dịch vụ công để đăng ký cấp căn cước nhanh chóng. Do chủ quan, tin theo lời các đối tượng, chị H đã cài đặt phần mềm giả mạo này. Sau đó, các đối tượng kiểm soát ứng dụng ngân hàng và chiếm đoạt của chị tổng số tiền 1,5 tỷ đồng.
Chị P.T.A, phụ huynh một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cũng phản ánh việc chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàng Mai, báo chị đưa con lên công an quận làm căn cước theo đợt của từng trường.
Để tăng thêm độ tin cậy, đối tượng dặn chị đến thì liên hệ với đồng chí tên là T.T.M, và nên khai thông tin trước để tránh phải chờ đợi lâu. Sau đó, đối tượng gửi cho chị A đường link để cài đặt phần mềm đăng ký làm căn cước.
Nghi ngờ thông tin này, chị A đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp con chị. Giáo viên chủ nhiệm cho biết nhà trường không nhận được bất kỳ thông tin nào của công an quận, công an phường về việc tập trung làm căn cước cho học sinh của trường vào thời điểm đó. Rất may chị A chưa cài đặt phần mềm theo đường link giả mạo mà đối tượng gửi.
Chủ động tìm hiểu thông tin về việc làm căn cước
Để tránh sập bẫy lừa đảo giả mạo cán bộ công an yêu cầu hỗ trợ cài đặt Dịch vụ công giả mạo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng.
Người dân không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại, đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
Người dân cũng nên chủ động tìm hiểu thông tin về việc làm căn cước tại địa phương qua tổ dân phố, cảnh sát khu vực phụ trách.
Lực lượng công an khuyến cáo người dân cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm; tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.
Người dân không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại; thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh./.