Trước tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn Yên Bái diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, quy mô và không gian ngày càng rộng, nhất là địa bàn giáp ranh vùng cao, các lực lượng chức năng đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, liên tục mở những đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát các nhóm hàng hóa trọng điểm, nhất là nhóm hàng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Xử lý nghiêm hành vi bảo kê
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Yên Bái, địa phương xác định công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; phát huy vai trò gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Với quan điểm không có “vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm phải dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi bao che, bảo kê đối tượng vi phạm.
Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm tập trung vào một số vấn đề như: hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy; vi phạm trong thương mại điện tử; hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không niêm yết giá theo quy định… Qua đó, nhiều vụ việc, mặt hàng trên địa bàn Yên Bái đã được phát hiện, nhanh chóng xử lý, tạo sự răn đe, phòng ngừa nhằm góp phần ổn định thị trường.
Kết quả trong 8 tháng năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã tiến hành kiểm tra 470 vụ, xử lý gần 300 vụ với hơn 340 hành vi vi phạm; phạt hành chính gần 2,1 tỷ đồng; tịch thu và tiêu hủy hàng giá trị gần 2,4 tỷ đồng; truy thu thuế gần 12 tỷ đồng. Một số mặt hàng giả có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như: Thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá thế hệ mới… được kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết thu hồi và tiêu hủy.
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã bám nắm địa bàn, kiểm soát chặt chẽ các khu vực, địa bàn nổi cộm; chủ động nắm sát tình hình, nhận diện đối tượng và các phương thức thủ đoạn mới để tổ chức triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, thành phố Yên Bái cho hay, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, các cơ sở chế biến… chú trọng kiểm soát các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật, thực vật hoang dã. Đồng thời, các lực lượng chức năng chia sẻ thông tin, công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời thông báo các vi phạm về hàng giả, hàng cấm đến cơ quan chức năng.
Để tăng cường vai trò quản lý thị trường và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, người kinh doanh chân chính, hiện nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã thành lập Tổ thương mại điện tử. Trong tháng đầu kiểm soát thị trường trên không gian mạng, Tổ Thương mại điện tử đã xây dựng cơ sở dữ liệu toàn tỉnh, tiến hành kiểm tra 15 vụ, xử lý 12 vụ, phạt hành chính trên 25,5 triệu đồng về hành vi không niêm yết giá hàng hóa theo quy định và không thông báo website với cơ quan có thẩm quyền.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Nhằm làm tốt và hỗ trợ hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; cách phân biệt, nhận biết hàng thật, hàng giả; hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Ông Trần Hùng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái cho rằng, trước hết phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần gắn với phong trào toàn dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mỗi người dân là một người tiêu dùng thông minh, không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả; nêu cao cảnh giác trong quá trình mua bán hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử; không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Hoàng Ngọc Sinh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cho biết, thông qua phiên chợ vùng cao tại các xã miền núi, các đơn vị quản lý thị trường tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phân biệt hàng giả, hàng thật; phối hợp tổ chức định kỳ kiểm tra cân tại các chợ, giúp các tiểu thương, hộ kinh doanh minh bạch, chính xác giữa các bên trong mua bán, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các đơn vị vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không tham gia sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu; thường xuyên rà soát, trao đổi thông tin để tránh tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo; không gây phiền hà, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Để đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thời gian tới, các cơ quan chức năng trong tỉnh Yên Bái cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý, điều hành, kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.
Các đơn vị chú trọng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng biến động thị trường, dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như quyền lợi người tiêu dùng.