Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24396

Ông Hồ Đức Phớc cho biết có hiện tượng kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá trị thực 20, thậm chí 40 lần

Ông Hồ Đức Phớc cho biết có hiện tượng kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá trị thực 20, thậm chí 40 lần nên cần siết lại hoạt động này.

Thảo luận về kinh tế xã hội hôm qua (1/6), nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ rõ hơn về tình trạng trốn thuế, kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế nhiều lần.

“Có trường hợp người nộp thuế kê khai giá tính thuế chỉ 500 triệu đồng, nhưng họ bán bất động sản giá 10 tỷ đồng, tức kê khai thấp hơn 20 lần. Thậm chí có trường hợp kê khai thấp hơn 40 lần, còn bình quân giá kê khai thấp hơn 6 lần giá thực tế chuyển nhượng”, ông Phớc thông tin.

Hiện theo quy định, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi theo giá trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không ghi giá, hoặc thấp hơn giá đất Nhà nước, giá tính thuế sẽ theo khung nhà nước.

Việc người bán kê khai thuế thấp cũng là một trong những hành vi trốn thuế. Do vậy, việc siết chặt thu thuế chuyển nhượng bất động sản, ông nói, là đúng luật.

Theo số liệu của ngành tài chính, 5 tháng đầu năm nay tổng thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu việc siết thuế này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, ông Hồ Đức Phớc nói đã có nhiều chỉ đạo cấm cơ quan thuế gây phiền hà cho người dân. Khi giám sát, nếu có tình trạng cơ quan thuế có lót tay, trục lợi, nhận hối lộ, ông nói sẽ xử lý nghiêm.

“Sắp tới, chúng tôi đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản để minh bạch, đảm bảo vấn đề thu thuế chuyển nhượng bất động sản”, ông Phớc nói.

Cũng trong thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lo lắng về rủi ro giá xăng dầu khi mặt hàng này đã tăng lên mức kỷ lục, vượt 31.000 đồng một lít RON 95. Theo các đại biểu, việc này sẽ tiềm ẩn rủi ro cao tới lạm phát, tác động trực diện tới đời sống người dân, nhất là thu nhập thấp. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp giảm thêm thuế.

“Chính phủ nâng cao năng lực hệ thống dự trữ kho xăng dầu, và dự báo sát tình hình để điều hành giá mặt hàng này hợp lý hơn”, ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính ngân sách, đại biểu tỉnh Yên Bái góp ý.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, sáng 2/6

Giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói sẽ cân nhắc, đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội việc giảm thêm thuế với xăng dầu.

Ông Phớc cho hay, tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng ở nhiều nước 45-60%, còn tại Việt Nam hiện khoảng 29-31%. Ví dụ, mỗi lít xăng RON 92 (loại xăng nền dùng để pha chế xăng E5 RON 92) với giá nhập khẩu hiện khoảng 22.000 đồng, tiền thuế là 8.000 đồng, tương đương khoảng 28%.

Từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% đến hết năm nay. Dư địa loại thuế này hiện còn 2.000 đồng mỗi lít xăng; 1.000 đồng với dầu. Ngoài ra, cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng hiện còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT…, các loại thuế này thuộc thẩm quyền quyền định còn Quốc hội.

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. “Giá dầu thô tăng thì cũng bù đắp ngân sách được một phần, nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khoá đã được duyệt”, ông chia sẻ.

Ngoài thuế, Bộ trưởng Tài chính nói thêm, muốn giảm giá xăng dầu thì cần đồng bộ nhiều giải pháp khác, chẳng hạn phải tăng cường chống buôn lậu với mặt hàng này. Hiện giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào khoảng 11.000 đồng, Campuchia 3.000 đồng một lít… Nếu giá xăng trong nước chênh lệch nhiều với một số nước trong khu vực (thấp hơn các nước), sẽ dẫn tới tình trạng thẩm lậu xăng dầu.

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá, phải thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, tức nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng phần lớn nguồn cung trong nước.

Về vấn đề này, chia sẻ bên hành lang chiều 1/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nói, “sẽ cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá”. Trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, có thể tính tới sử dụng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

Tuy nhiên, ông Diên cũng lo sẽ gia tăng tình trạng “chảy” xăng dầu ra nước ngoài khi hiện giá xăng Việt Nam thấp hơn giá thế giới và một số nước trong khu vực. Theo ông, với độ mở kinh tế cao, nếu ép đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị. Điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… khi bị đánh giá không vận hành theo đúng cơ chế thị trường.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *