Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Pháp (sinh năm 1999, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, năm 2019, Nguyễn Văn Pháp được tuyển làm nhân viên bán hàng và làm việc tại showroom ô tô Xuyên Việt Auto ở phố Mạc Thái Tông, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Showroom này chuyên mua bán ô tô đã qua sử dụng.
Ngày 2/11/2021, Pháp tư vấn bán cho anh Trần Xuân T (sinh năm 1995, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trí, Hà Nội) một xe tô tô Mercedes S450 màu đen với giá hơn 3,8 tỷ đồng. Ngày 11/11/2021, Pháp ký giấy đặt cọc mua bán xe ô tô với anh T. Sau khi làm thủ tục đăng ký, sang tên đổi chủ, ngày 25/11/2021, xe ô tô trên được anh T đi làm thủ tục cấp Giấy đăng ký xe, biển kiểm soát 30H-253.22.
Đến tháng 2/2022, do cần tiền trả nợ, Pháp gợi ý anh T đổi biển đẹp, biển số 30H-588.99 và giới thiệu bản thân mình có thể xin được cấp đổi biển số đẹp với chi phí 100 triệu đồng. Anh T đồng ý và chuyển khoản cho Pháp số tiền đã yêu cầu.
Sau khi anh T chuyển tiền, Pháp yêu cầu anh T đưa toàn bộ bản gốc giấy tờ xe, trong đó có Giấy chứng nhận đăng ký xe và đăng kiểm xe để đi làm thủ tục. Pháp cam kết sau khoảng 1 tháng sẽ xin được cấp đổi biển kiểm soát cho anh T. Tin tưởng bị can, anh T đã giao bản gốc các giấy tờ và không lập giấy biên nhận. Nhưng thực tế, Pháp không xin được cấp đổi biển kiểm soát và chi tiêu hết số tiền 100 triệu đồng.
Sau đó, Pháp lên mạng Internet thuê một người không quen biết làm giả giấy hẹn nhận đăng ký xe của Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội và một cặp biển kiểm soát giả 30H-588.99 với giá 1,2 triệu đồng. Để anh T tin, Pháp chụp hình ảnh giấy hẹn nhận đăng ký xe đã bị che phần nội dung, gửi qua Facebook cho anh T và bảo sẽ cầm giấy hẹn này để đi lấy đăng ký và biển kiểm soát. Anh T tin là thật nên không yêu cầu Pháp đưa bản gốc giấy hẹn nhận đăng ký xe.
Tháng 6/2022, Pháp gửi đến nhà cho anh T cặp biển xe nói trên. Nhận được biển đẹp, anh T gắn biển mới vào xe để sử dụng đi lại và tháo biển cũ, cất đi. Sau đó, anh T nhiều lần yêu cầu Pháp trả lại bản gốc giấy tờ xe nhưng Pháp đưa ra nhiều lý do khất lần, không trả.
Tháng 9/2022, do vẫn giữ bộ bản gốc giấy tờ xe ô tô nên Pháp nảy sinh ý định chiếm đoạt xe để lấy tiền trả nợ. Biết anh T đang ở nước ngoài và xe đang để ở nhà riêng, T gọi điện qua Facebook và bảo: “Tranh thủ lúc anh đang đi vắng, đưa xe ô tô cho em đi làm đẹp xe cho anh”. Do có mối quan hệ thân thiết với Pháp nên anh T đồng ý. Sau khi đưa xe về showroom Xuyên Việt Auto, Pháp nói với mọi người rằng anh T đồng ý bán xe với giá 3,6 tỷ đồng. Tin lời Pháp, mấy người quen đã góp tiền mua lại xe của anh T và rủ Pháp góp 1 tỷ đồng. Pháp đồng ý và nhận của mọi người 2,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chiếc xe vẫn được để ở showroom mà Pháp không giao biển xe và chìa khóa cho mọi người. Do cặp biển thật anh T đang giữ nên bị can lên mạng thuê người làm một cặp biển giả 30H-253.22 để giao cho khách. Quá trình mua bán xe ô tô, Pháp mang bộ hồ sơ gốc của xe kèm hợp đồng mua bán xe có chữ ký của anh Trần Xuân T đi làm công chứng. Sau đó, cơ quan chức năng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ mới.
Về phần anh T, sau nhiều lần đòi xe và giấy tờ không được, anh T làm đơn tố giác hành vi lừa đảo của Pháp ra Cơ quan công an. Đến tháng 6/2023, Cơ quan công an ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận xe đã cấp cho người chủ mới, đồng thời làm thủ tục cấp lại giấy đăng ký xe và trao trả chiếc xe cho anh T.
Đối việc Pháp thuê làm giả 2 cặp biển xe, quá trình điều tra, không xác định được thông tin người làm giả, không thu được bản gốc giấy hẹn nhận đăng ký xe nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý Pháp về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.