Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11076

10 đại án sẽ xét xử năm 2022

Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu năm nay xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm, trong đó có vụ tại Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Công ty Việt Á, Bệnh viện Tim Hà Nội.

Chiều 20/1, thông báo kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Ban Nội chính Nguyễn Thái Học cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Trưởng Ban chỉ đạo) đã giao nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2022.

Trong 10 vụ án trọng điểm được yêu cầu xét xử sơ thẩm trong năm nay, có việc xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội Biên phòng; Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Bệnh viện Tim Hà Nội, Công ty Việt Á; Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương; Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; lạm quyền ở Saigon Co.op; buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, đưa hối lộ, nhận hối lộ… ở Đồng Nai và một số địa phương; vi phạm các quy định về quản lý đất đai ở Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung của tỉnh Khánh Hòa.

Trong năm 2022, công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng được yêu cầu tạo bước chuyển biển mạnh mẽ, đột phá. Ban chỉ đạo cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công…

Năm 2021, 618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 so với 2020). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 so với năm 2020).

Qua thanh tra, 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý (tăng hơn 3 lần so với 2020). Cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp thông tin, chuyển tài liệu sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, kiểm tra, xử lý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án với hơn 1.000 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Theo Phó Ban Nội chính Trung ương, điểm nổi bật là đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn; “kiên trì làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực”, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố, điều tra 26 vụ án/32 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tải sản có giá trị trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31.000 tỷ đồng (đạt 33,33%); trong đó, năm 2021 đã thu hồi trên 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020). Đặc biệt, các cơ quan đã thu hồi được gần 2,7 triệu USD và 127.000 SGD của Phan Sào Nam ở nước ngoài.

Các cơ quan chức năng trong công an, quân đội đã phát hiện, xử lý kỷ luật 98 cán bộ, chiến sỹ; tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm toán đã xử lý kỷ luật 50 cán bộ, công chức có sai phạm, tiêu cực.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *