Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
33081

Yêu nước kiểu “Việt Tân”?

 

Liên quan vụ tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng bắn vào các tàu tiếp tế của Philippines cho lực lượng đóng tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ở Biển Đông, ngày 5/8 vừa qua một lần nữa khiến “làm nóng” Philippines. Cùng với triệu đại sứ Trung Quốc tới để phản đối, Chủ tịch Thượng viện Philippines – ông Juan Miguel Zubiri – đã  đề nghị tẩy chay hàng hóa và các công ty Trung Quốc. Ngay lập tức, Việt tân giật tít  “Lãnh đạo Việt Nam nên học cách “yêu nước” của lãnh đạo Philippines”.

Blogger Lê Thanh Mai cho rằng, cách yêu nước của ông Miguel Zubiri không mới, tuy nhiên nếu nó được Manila thực hiện, lại là ấu trĩ. Blogger này lấy 2 ví dụ từ Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Trước ông Miguel Zubiri, từng có quốc gia làm thế. Ấn Độ chẳng hạn. Sau vụ đụng độ nảy lửa ngày 15/6/2020 với phía Trung Quốc ở khu vực dãy Hymalaya làm 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong, Liên minh Thương nhân Ấn Độ – tổ chức đại diện cho 70 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội thương mại quốc gia 1,7 tỷ dân này từng đề xướng một chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó câu chuyện gần như chẳng đi đến đâu vì ai cũng biết, giải pháp cực đoan này đe dọa tổn thất cho cả hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, chứ không chỉ một bên. Trước đó, từng có những lời kêu gọi ở Ấn Độ về việc tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc, nhưng chúng cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Nói cách khác, rất khó xác định ai thắng ai thua trong một cuộc đối đầu kinh tế kiểu như vậy; trong khi đó, “thua cùng thua” lại là điều có thể khẳng định. Đó là chưa kể, một động thái “yêu nước” có tính manh động, dại dột như trên, nếu triển khai, chính phủ Ấn Độ còn phải tính đến các ràng buộc có tính nguyên tắc với một quốc gia tham gia WTO. Chính thế, căm Bắc Kinh đến như ông Trump thời còn ngự trong Nhà trắng, hung hăng vung những cú đấm thương mại vào mặt ông Tập Cận Bình, nhưng rồi sau đó, cùng với trải nghiệm những cú đấm trả đũa đau đớn không kém của ông Tập, cũng phải dần hạ tay và hạ nhiệt cái đầu nóng tới mất trí của mình. Không thế không được, bởi trước khi vào được Nhà trắng, ông Trump còn là một tay buôn có hạng, nên  thừa hiểu thị trường Trung Quốc quan trọng tới mức nào với Mỹ; cũng như biết rằng, trong cuộc chiến này, nếu Trung Quốc thua thì Mỹ cũng đâu có thắng!

Thế nên, một phút manh động bột phát, Miguel Zubiri có thể kêu gọi, đề nghị tẩy chay hàng hóa Trung Quốc thế, hoặc hơn thế. Tuy nhiên, Manila còn phải xem xét, cân nhắc chán, chứ đâu phải gật đầu “OK” ngay tắp lự để mà Việt Tân coi đó như cao kiến, hý hửng lấy đó làm gương, đòi lãnh đạo Việt Nam phải “học cách”?

Thậm chí, cứ cho là Manila rồi sẽ tới lúc đồng ý với đề nghị của ông Chủ tịch thượng viện Miguel Zubiri đi, thì đó là chuyện nội bộ của Philippines, sao Việt Nam cứ nhất thiết phải học. Càng không có lý do gì để quy kết, nếu không học cách “yêu nước” trên của lãnh đạo Philippines, nghĩa là lãnh đạo Việt Nam “không yêu nước”. Thời buổi này, yêu nước kiểu đó chỉ là kiểu “yêu nước” của người quá ấu trĩ.

Tại sao lại là ấu trĩ? Là bởi, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, và giao thương là hai chuyện khác nhau.

Với người Việt Nam, dân tộc, Tổ quốc, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng bậc nhất. Bất cứ ai xâm phạm những điều thiêng liêng đó đều bị lên án, như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Ngô Đình Diệm…Những người xả thân vì nó, đều được ghi nhớ và tôn vinh, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh, cũng như nhiều anh hùng, liệt sĩ và người dân yêu nước khác. Nhờ tinh thần quả cảm, sự hy sinh lớn lao đó, nước Việt Nam ta mới liền một dải; chủ quyền biển đảo với 21 thực thể địa lý bao gồm các đảo, đá ngầm và rạn san hô… mới được bảo vệ vững chắc như ngày nay.

Việc không nhân nhượng một tấc đất nào của cha ông để lại được thể hiện qua cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam chống quân Pol Pot xâm lược (sau năm 1975); cũng như việc đấu tranh không khoan nhượng, và khôn khéo nữa, khi Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, như vụ Giàn khoan Hải Dương 981 (tháng 5/ 2014), vụ bãi Tư Chính (tháng 7/2019)…

Đấu tranh không khoan nhượng về chủ quyền lãnh thổ, nhưng với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, Việt Nam luôn mong muốn làm bạn với tất cả các nước. Với Trung Quốc, quan điểm của Việt Nam là tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại song phương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và hai bên cùng có lợi…Đây thực sự là chủ trương, quan điểm đúng đắn đối với một thực tế: “Trung Quốc là thị trường cả thế giới thèm muốn…” vì quy mô, nhu cầu đa dạng; là nước phát triển thu nhập cao với GDP/người đạt hơn 13 nghìn USD; sức tiêu thụ tăng nhanh bậc nhất thế giới…

Với lợi thế là quốc gia láng giềng, chỉ có dại, Việt Nam mới tẩy chay, bỏ qua một cơ hội giao thương với một thị trường khổng lồ  như vậy. Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc được chính các doanh nhân Việt Nam khẳng định. Như bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, trong một hội nghị thương mại năm 2022, nói: Nếu so với các thị trường khác như Châu Âu (EU) hay Hoa Kỳ, thì Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường thuận lợi nhất cho nông sản Việt Nam, mà yếu tố cơ bản nhất là địa chỉ gần gũi, thời gian vận chuyển ngắn, logistic thuận lợi…

Mặt hàng nông sản chẳng hạn. Nhập khẩu của Trung Quốc về nông sản trên 150 tỉ USD, chiếm khoảng trên 11,5% tổng kim ngạch thương mại nông thủy sản toàn cầu. Vậy mà hàng nông sản Việt Nam – mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh – vào thị trường khổng lồ này mới tầm10%, khoảng 10 tỷ USD. Con số ít quá. Ít cũng có nghĩa là còn nhiều dư địa phát triển để mà tăng cái được, cái lợi cho người làm nông nghiệp nước Nam ta vậy.

Bài học nhỡn tiền, vài đận thông quan khó khăn ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc những năm qua, hàng nghìn xe container nông sản nằm lại bên này cửa khẩu đã gây nên nỗi như đốt lửa trong lòng bà con nông dân, các cơ quan quản lý thương mại, và cả Thủ tướng nữa, đủ thấy cái sự hanh thông trong giao thương với ông láng giềng Trung Quốc quan trọng như thế nào. Thực tế đó cũng cho thấy, trong làm ăn, phải cảnh giác, cân nhắc, thận trọng (với Trung Quốc điều này càng quan trọng), nhưng đừng có chen vào đó cái tâm lý “bài Hoa” nhỏ nhen; cũng đừng để cho tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan chi phối mà thành ra tiểu nhân, tiểu khí; làm tổn thất đến truyền thống và đạo lý tử tế, tốt đẹp của dân tộc…

Tất nhiên, coi trọng thị trường Trung Quốc, Việt Nam nào có coi nhẹ thị trường khác, như thị trường Châu Âu (EU), Hoa Kỳ… Kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đạt tới 122 tỷ USD năm 2022; con số này với thị trường EU là hơn 62 tỷ USD chẳng đã chứng minh điều đó hay sao? Thế mới là yêu nước chân chính, là yêu nước thông minh, khôn khéo. Chứ đâu cần học kiểu “yêu nước” ấu trĩ và dại dột như Việt Tân hô hào, kích động và xui dại như xui trẻ lên ba ăn…đất, qua bài viết họ vừa tung ra nêu trên.

Những chia sẻ của blogger Lê Thanh Mai đủ để thấy, cái tầm nhận thức của Việt tân khác gì “ếch ngồi đáy giếng”.Với tầm đó mà đòi dạy Việt Nam cách yêu nước thì thật lố bịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *