Hạ bệ thần tượng của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã trở thành mục đích xuyên suốt của các thế lực có thâm thù với chế độ XHCN của nước ta. Thực hiện mục đích ấy, họ dùng mọi chiêu trò, từ xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, hình ảnh đến tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Người.
Chẳng hạn, trong bài “Cần thay sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh” trên trang phản động Việt Nam Thời Báo xuyên tạc phủ nhận tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người bằng chiêu trò nhập nhèm đánh lận “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là môn học về “Đạo đức người cộng sản”, đổ lỗi hiện tượng thoái hóa, biến chất cán bộ, đảng viên hiện nay để quy kết môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” không có tính thuyết phục trên thực tiễn”, vấn nạn tham nhũng là “hệ lụy của độc quyền chính trị, độc quyền “Tư tưởng Hồ Chí Minh”
Còn “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị không chỉ với cách mạng Việt Nam mà còn đối với nhân loại. Đối với cách mạng Việt Nam: Tư tưởng Hồ Chí Minh đưa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đến thắng lợi và bắt đầu xây dựng một xã hội mới trên đất nước ta. Đồng thời là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam trong thời đại hiện nay. Đối với sự phát triển tiến bộ của nhân loại: Tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần mở ra cho các dân tộc thuộc địa con đường giải phóng dân tộc gắn với sự tiến bộ xã hội và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Vì vậy, luận điệu xuyên tạc “Nếu “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là môn học về “Đạo đức người cộng sản”, có lẽ cần thay đổi giáo trình giảng dạy tương tự như những chương trình cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa” là đánh lận 2 phạm trù, rồi đòi thay đổi giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực chất là không thừa nhận tư tưởng của Người. Đây cũng là một cách đòi hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh.
Việc viện dẫn các số liệu tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý để phủ nhận môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” không có tính thuyết phục trên thực tiễn” là trò xảo thuật, đánh đồng một vài hiện tượng sai phạm, tiêu cực, thoái hóa biến chất thành hậu quả một môn học, đổ lỗi cho “giáo trình” và đòi thay đổi giáo trình môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong khi chúng ta đều biết, để hình thành, phát triển một nhân cách là tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó có 05 nhân tố quan trọng nhất. Đó là: nhân tố di truyền, nhân tố hoàn cảnh sống (gồm hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội), nhân tố giáo dục, nhân tố giao tiếp và nhân tố hoạt động. Các nhân tố đó có vai trò không ngang bằng nhau. Di truyền đóng vai trò là tiền đề vật chất đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Hoàn cảnh sống của chủ thể bao gồm hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển nhân cách. Giao tiếp đóng vai trò cơ bản trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Và hoạt động là nhân tố quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.
Như vậy, để hình thành, phát triển nhân cách có 05 nhân tố cơ bản nêu trên, ngay trong giáo dục đã gồm giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình. Trong đó, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là một môn, một nội dung trong giáo dục nhà trường. Thế mà, họ quy kết cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng hư hỏng “đều” do giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để từ đấy, họ cho rằng “cần thay đổi giáo trình giảng dạy” tư tưởng của Người. Đó chỉ là một cách đòi hạ bệ thần tượng của dân tộc ta./.