Lâu nay, các thế lực chống Nhà nước liên tục xuyên tạc rằng, việc xuất khẩu lao động là một hình thức bắt dân mang thân đi làm nô lệ cho ngoại quốc, là hệ quả của “cướp đất” phát triển đô thị, kinhn tế, lạ hệ quả của doanh nghiệp Trung Quốc bóc lột lao động Việt Nam.
Thật vậy, nhìn vào hiện tình đời sống của một số lao động Việt Nam ở các nước như: Indonesia, Malaisia, Thái lan, Libăng … còn thiếu thốn về đủ mọi phương diện: thiếu sự chăm sóc sức khỏe, bị chèn ép, bị bóc lột, thậm chí có khi nhân vị và phẩm giá của họ còn bị những người chủ xúc phạm trắng trợn và không ít trường hợp xảy ra thật đáng thương tâm. Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách khách quan và toàn diện hơn chúng ta sẽ thấy vấn đề xuất khẩu lao động là một diễn biến kinh tế rất bình thường, nên không những đúng, tích cực mà còn cần thiết nữa. Còn nếu chỉ dừng lại ở chi tiết vấn đề thì chúng ta khó có thể tiến xa hơn được. Bất cứ quốc gia nào đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một “nền kinh tế bao cấp” hay “kinh tế kế hoạch” độc đoán và cứng nhắc bước sang nền “kinh tế thị trường” tự do và linh động, từ nông nghiệp bước sang công nghiệp, từ cảnh “buôn thúng bán mẹt” bước sang thị trường “siêu thị”; từ thị trường bán lẻ bước sang thị trường tập trung… không thể tránh khỏi khủng hoảng buổi đầu như: thiếu vốn, thiếu nhân lực có năng lực chuyên môn, nhưng lại thặng dư quá nhiều nhân lực không có khả năng chuyên môn, phải đối mặt với những cạnh tranh khắt khe trên thương trường quốc tế, với các công ty nước ngoài mạnh về tài chính, giàu về chuyên môn và kinh nghiệm từ hình thức, mẫu mã cho đến chất lượng.
Trong khi đó hoàn cảnh cụ thể của một đất nước đang trên đường hội nhập và phát triển như Việt Nam, với trên 90 triệu dân, mà quá bán là thuộc tầng lớp trẻ dưới 30 tuổi, thì việc tự đào tạo và huấn nghiệp trong nước là hoàn toàn quá tải, nếu không nói là một điều bất khả thi. Bởi vậy, những câu hỏi khẩn trương được đặt ra là : Làm thế nào để tạo ra được nguồn vốn cho công cuộc phát triển kinh tế của nước nhà? Phải giải quyết công ăn việc làm cho hằng triệu người lao động, nhất là tầng lớp lao động trẻ ra sao? Làm thế nào để có thể học hỏi được những kỷ thuật chuyên môn của các nước bạn? Và làm thế nào để giúp cho đội ngũ công nhân trẻ có dịp tiếp cận, học hỏi được những kinh nghiệm về kỷ thuật của nước ngoài? v.v… Ðó là những bài toán mà “xuất khẩu lao động” có thể nói được là một trong những cách giải quyết tạm thời.
Trong công cuộc phát triển kinh tế, chúng ta cần đến sự trợ giúp kinh tế của nước ngoài, cần đến vốn liếng đầu tư của các công ty ngoại quốc, đó là vấn đề quan trọng và cần thiết. Nhưng một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng và cần thiết, đó là chính chúng ta cũng phải “tự túc tự cường” nữa, chứ không thể “ngồi chơi xơi nước” và chỉ “há miệng chờ sung” được. Nếu những ai đã từng sống ở các nước kỷ nghệ tân tiến, những nơi mà thời gian được coi là quý hơn vàng bạc mà phải chứng kiến cảnh trong các quán cà-phê và các quán nhậu ở Hà Nội, ở Saigon hay ở các thành phố khác trong nước, vào các buổi sáng, từ 8,9 giờ đến 10,11 giờ, tức giờ làm việc cao điểm, luôn luôn đầy ắp tầng lớp thanh niên ngồi đọc báo và tán gẫu, thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tư tưởng bi quan cho một viễn tưởng kinh tế tiến bộ và phát triển.
Thực tế, chủ trương tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đi làm việc ở nước ngoài là quan trọng và cần thiết trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp. Mục đích người lao động ra nước ngoài làm việc nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề và kỹ năng cho bản thân người lao động, bên cạnh đó góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho gia đình người lao động.
Trong những năm gần đây số lượng người lao động đi làm việc ngày càng tăng qua các năm, riêng năm 2019: 152 nghìn.Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, cụ thể: Đài Loan có 230.000 người, Nhật Bản có gần 200.000 người, Hàn Quốc có gần 50.000 người, Malaysia có 25.000 người, ngoài ra các nước khác. Bên cạnh đó, thu nhập tiết kiệm của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng tăng lên so với trước đây, khoảng 1.500 USD tại Nhật Bản và 1.800 USD ở Hàn Quốc, 600 – 800 USD tại Đài Loan, 350 – 500 USD tại Malaysia và Trung Đông. Đặc biệt đối với lao động có chứng chỉ trình độ tay nghề mức lương cơ bản khoảng 900 – 1.000 USD/tháng nhưng thu nhập có thể đến 1.500 – 2.000 USD/tháng nhờ làm thêm và năng suất lao động. Hàng năm, số tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7 – 3,3 tỷ USD. Đây là nguồn ngoại tệ không chỉ giúp nâng cao đời sống người lao động và gia đình họ mà còn đem lại nguồn ngoại tệ quý giá cho đất nước đầu tư nhập khấu sản phẩm công nghệ cao để đầu tư cho phát triển.
Đứng từ các góc phân tích trên cho thấy, chính sách xuất khẩu lao động là cần thiết, ích nước lợi dân, quan trọng là Nhà nước đang cố gắng thực hiện tốt chính sách bảo hộ công dân ở nước noài, bảo vệ quyền lợi chính đáng, không để người lao động bị áp bức, thua thiệt, đó chính là bảo vệ nhân quyền tốt nhất cho người dân chứ không phải đả kích, xuyên tạc, chia rẽ người dân với chính quyền, kích động họ chống phá.
Tuấn Thành