Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13944

World Vision hỗ trợ hơn 4.000 trẻ em tránh nguy cơ lao động sớm

Đó là kết quả của dự án “Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu” (dự án ACE) do World Vision thực hiện tại Việt Nam từ tháng 11/2022 đến tháng 9/2024.

Hơn 4.000 trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ

Hội thảo tổng kết dự án ACE với sự tham dự của hơn 100 đại biểu

Ngày 18/9, tại Hà Nội, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tổng kết dự án ACE. Đây là dịp để các bên cùng nhau tổng kết những thành tựu, chia sẻ những thực hành tốt và đưa ra chiến lược bền vững trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ; Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); các đối tác thực hiện dự án ACE tại ba tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Điện Biên; các đại diện từ World Vision International tại Việt Nam, Philippines, Campuchia cùng đại diện các tổ chức quốc tế khác.

Thông tin về kết quả dự án, ông Rafiq Ahmed Mangi cho biết, đã có 1.152 cán bộ làm công tác trẻ em và các cộng tác viên được nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Trong đó, 124 người đã hoàn thành khóa đào tạo giảng viên nguồn của dự án. Dự án đã thực hiện 62 hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho nhiều nhóm đối tượng: trẻ em, cha mẹ, các hộ kinh doanh, cộng đồng… Qua đó, hơn 4.000 trẻ em có nguy cơ lao động trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ.

Nhiều trẻ em phải lao động từ rất sớm.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, cuộc cách mạng công nghệ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam đã vô tình làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước nguy cơ bị bóc lột và xâm hại trên không gian mạng. Đây là hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đặt ra thách thức mới cho Chính phủ và toàn xã hội. Theo báo cáo của Bộ Công an, hơn 1000 trẻ em đã trở thành nạn nhân của bóc lột tình dục trong giai đoạn 2011-2015.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức UNICEF trong năm 2021 còn chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 có nguy cơ làm gia tăng thực trạng lao động trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Để ứng phó với thực trạng trên, tổ chức World Vision International đã triển khai thực hiện dự án ACE tại 6 quận, huyện thuộc 3 tỉnh, thành của Việt Nam gồm: Điện Biên, Đà Nẵng và Quảng Nam. Dự án được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ với tổng ngân sách gần 2,5 triệu USD (khoảng 61 tỷ đồng).

Bà Daphne Culanag, Giám đốc dự án ACE.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Daphne Culanag, Giám đốc dự án ACE cho biết, dự án đã được triển khai ở Philippines từ năm 2019 và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam là đất nước thứ hai được lựa chọn để triển khai dự án từ năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình thực tế chỉ bắt đầu từ năm 2022 và kéo dài đến nay.

Dự án hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cho chính phủ Việt Nam trong việc phòng ngừa lao động trẻ em, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu. Dự án đã tập trung nguồn lực trong việc tăng cường thực thi chính sách, pháp luật, củng cố các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ lao động trẻ em và thúc đẩy sự hợp tác với nhiều bên liên quan khác nhau, bao gồm các đơn vị trong và ngoài nhà nước.

Hướng đến một tương lai không có lao động trẻ em

Theo ông Rafiq Mangi, Phó Giám đốc dự án ACE: Trong hơn hai năm triển khai, dự án đã phát triển khóa học trực tuyến, xây dựng bộ tài liệu truyền thông, tập huấn và sản xuất bài hát về phòng ngừa lao động trẻ em. Dựa trên quy định pháp luật hiện hành, dự án đã phát triển bộ công cụ rà soát lao động trẻ em nhằm sàng lọc và xác định trẻ có nguy cơ lao động trẻ em. Hai điểm tham vấn và hỗ trợ trẻ em được thành lập tại huyện Mường Ảng (Điện Biên) và thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).

Cùng với đó, dự án phối hợp với Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên môi trường mạng (VCSC). Đây là câu lạc bộ đầu tiên tại Việt Nam kết nối các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ và sản phẩm bảo vệ trẻ em trực tuyến, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em tại Việt Nam, các cá nhân có cùng chung mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng. Trong năm đầu tiên, câu lạc bộ đã ra mắt Bộ tiêu chí cho các dịch vụ và sản phẩm nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ông Rafiq Mangi, Phó Giám đốc dự án ACE.

“Những gì chúng ta đã đạt được với dự án ACE chỉ là bước đi khiêm nhường ban đầu, nhưng tôi tin đó sẽ là nền tảng để mở đường cho những hoạt động trong tương lai của các đối tác. Đi từ con số không đến một là sự khởi đầu đầy thách thức, nhưng vượt qua giai đoạn đó, chúng tôi tin tưởng vào hiệu ứng lan tỏa mà dự án ACE đã tạo dựng, hướng đến một tương lai không có lao động trẻ em”, ông Rafiq Ahmed Mangi nói.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày kết quả dự án ACE tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Đinh Hòa)

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, bộ công cụ rà soát lao động trẻ em do dự án ACE xây dựng đã cung cấp thông tin chi tiết về tình hình lao động trẻ em tại ba quận tham gia dự án là Sơn Trà, Hải Châu và Liên Chiểu. Những thông tin này đã giúp địa phương xây dựng kế hoạch can thiệp và hỗ trợ trẻ, phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật tại thành phố.

Bà Trần Thị Nhuần, Trưởng phòng trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết, điều khiến bà ấn tượng nhất là dự án luôn lắng nghe nguyện vọng và nhu cầu của địa phương. Từ đó, các hoạt động và biện pháp can thiệp được triển khai phù hợp với bối cảnh, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn.

Ông Doseba Tua Sinay, Trưởng Đại diện tổ chức World Vision International tại Việt Nam.

Theo ông Doseba Tua Sinay, Trưởng Đại diện tổ chức World Vision International tại Việt Nam, World Vision luôn hướng đến việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột và những nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ. Sự thành công của dự án ACE, cho thấy nỗ lực chung nhằm phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam. Điều này cũng khẳng định cam kết mang đến một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa cho tất cả trẻ em, đặc biệt những trẻ em dễ bị tổn thương nhất.

“Mục tiêu chiến lược của World Vision giai đoạn 2023-2027 là bảo đảm phúc lợi bền vững của 3 triệu trẻ em. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, tạo ra tương lai nơi trẻ em được phát triển an toàn và đầy tình yêu thương”, ông Doseba Tua Sinay nói.

Đại diện dự án ACE và tổ chức World Vision bàn giao các sản phẩm, tài liệu, bộ công cụ của dự án cho đối tác ở ba tỉnh thành.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Thân Thị Hà, Giám đốc Chiến lược Chất lượng Chương trình và Phát triển Nguồn lực World Vision cho biết, sự kiện là dịp để nhìn lại chặng đường hơn 2 năm thực hiện dự án ACE với những kết quả và bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống lao động trẻ em. Dù dự án đã kết thúc nhưng đây sẽ là khởi đầu cho những hoạt động bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tiếp theo tại Việt Nam. Bà tin tưởng, với đội ngũ nhân sự đã được đào tạo và các sản phẩm, tài liệu, bộ công cụ đã được bàn giao, công tác phòng ngừa lao động trẻ em sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển hiệu quả tại các địa phương và ngày càng mở rộng hơn nữa.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *