Để giảm nghèo bền vững, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin…), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, điều quan trọng nhất phải làm cho mỗi người dân ngay từ trong tư tưởng đã phải muốn và sẽ làm được việc thoát nghèo. Phải làm cho người dân có nhận thức đúng đắn, có quyết tâm thoát nghèo và biết cách thoát nghèo đúng đắn, phù hợp với từng hoàn cảnh, người nghèo mới thực sự thoát nghèo bền vững. Với định hướng đó, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam xin trân trọng giới thiệu 2 kỳ bài viết “Vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Kỳ cuối: CHÌA KHÓA ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Cả nước đã có nhiều phong trào, cách làm hay để giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững; tỷ lệ tái nghèo tại một số địa phương (2016 – 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Chênh lệch giàu – nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đến cuối năm 2019, tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Làm gì để không ai bị bỏ lại phía sau vẫn còn là câu hỏi lớn?
Nâng cao chất lượng nguồn lực – giải pháp căn cơ
Là người gắn bó nhiều năm với công tác xã hội, xóa đói giảm nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để giảm nghèo bền vững, từ khóa quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực ở đây xét trên bản hai mặt cả về cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cơ sở và con người ở cơ sở. Nếu con người được chăm lo nâng cao về trí tuệ, thể lực, tức là phát triển được giáo dục và y tế, chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng lên. Con người khi có ý chí và biết cách làm kinh tế thì sẽ không lo cái nghèo đeo bám.
Thực tế hiện nay, hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS nhìn chung phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng DTTS nên hiệu quả tác động chưa cao như: mức hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ nhà ở còn bình quân và thấp, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người DTTS, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo… Trong khi đó nguồn lực thực hiện chính sách vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực chất đời sống người nghèo là DTTS, địa bàn nghèo, vùng lõi nghèo. Mức bố trí vốn cho các công trình cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và hoạt động truyền thông giảm nghèo về thông tin còn thấp.
Ngoài ra, các dự án hỗ trợ sự phát triển nguồn nhân lực như viện bố trí nguồn vốn đầu tư thấp nên các công trình ở xã, thôn thường có quy mô nhỏ, chưa đạt chuẩn kỹ thuật, dễ hư hỏng, xuống cấp. Tỷ lệ các công trình giao cho cấp xã làm chủ đầu tư ở một số địa phương còn thấp, vai trò làm chủ đầu tư thực chất của xã còn nhiều hạn chế. Một số địa phương còn lúng túng; văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc Chương trình chậm ban hành. Thiếu sự gắn kết giữa hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư. Đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn nhất là cán bộ làm công tác lao động, thương binh – xã hội, thông tin cơ sở không ổn định, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành trong thực hiện giảm nghèo ở địa phương cơ sở. Chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ này ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đúng mức.
Mô hình giảm nghèo cần linh hoạt, khả thi
Chứng kiến cảnh người dân chào hỏi tíu tít với chị Phan Thị Lệ (huyện Chợ Đồn), chị Mộng Thị Lành (huyện Chợ Mới) mới thấy, sự thay đổi nhận thức của người dân có công rất lớn từ việc sâu sát với cơ sở của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã. Chị Lệ hay chị Lành đều đã dành từ 5 năm tới 10 năm cho những chuyến công tác cách nhà mình tới vài chục cây số. Và như chị Phan Thị Lệ, trong 5 năm qua, chị đã giành phần lớn thời gian lăn lộn với đồng bào ở các thôn, bản. Cứ sáng thứ 2 chị có mặt ở các thôn, bản cho tới tận tối thứ 6 mới được về nhà với chồng, con cách nơi công tác tận 50 km đường đồi núi… Cho nên, những người cán bộ cơ sở ấy hiểu rõ người nghèo cần gì, thiếu gì… Theo chị Lệ, để giảm nghèo thành công, cần liên kết các hộ nghèo với nhau và liên kết với các hộ khá, hộ giàu hoặc liên kết với các công ty để thành lập các hợp tác xã hay các chuỗi sản xuất – tiêu thụ là điều hết sức cần thiết.
Còn theo chị Lành, việc yêu cầu hộ nghèo khi tham gia dự án hỗ trợ sản xuất phải có cam kết thoát nghèo khiến các địa phương rất khó triển khai. Tại một số địa phương có trường hợp người dân không muốn tham gia dự án hoặc trả lại cây, con giống do lo ngại không thoát được nghèo (như tại Bắc Kạn). Bản thân các hộ nghèo cũng cho biết, với mức hỗ trợ 10 – 15 triệu/hộ nhưng yêu cầu thoát nghèo sau 01 năm thực hiện dự án là rất khó, hoặc không khả thi. Vấn đề vốn vay cho người nghèo, hộ nghèo, không nên “cứng ngắc” ở mức 15, 20 hay 25, thậm chí là 50 triệu. Cần bỏ ngay cơ chế cho không, cấp không, phải chuyển từ cơ chế cho không cấp không sang cho vay có điều kiện. Tức là mức vay phải mở rộng ra nhưng phải có cam kết thoát nghèo trong bao nhiêu năm. “Cần phải nghiên cứu các hình thức thích hợp phù hợp mới thúc đẩy sự bền vững. Phải linh hoạt, không nên máy móc. Tôi cần 50 triệu mà anh cho vay 25 triệu thì không khác gì tôi ốm phải uống đến mười thang thuốc mà ông cho có 5 thang còn 5 thang khác thì bệnh mà tự khỏi”, ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Trong chuyến khảo sát và làm việc tại Bắc Kạn, đoàn phóng viên chúng tôi thấy rất rõ, định mức hỗ trợ cao nhất cho hộ nghèo tối đa là chỉ là 15 triệu đồng/hộ. Những mô hình giảm nghèo của gia đình ông Dương Văn Ky, chị Trần Thị Lý ở Bắc Kạn là những mô hình giảm nghèo mang tính khả thi, dễ áp dụng đối với bà con nơi đây. Tuy nhiên, với số vốn ít ỏi này những gia đình ông Ky, chị Lý không thể mở rộng sản xuất khi mua thêm trâu, trồng mận hay sửa lại ngôi nhà.
Chia sẻ thêm về vấn đề vốn, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng Phòng Công tác bảo trợ xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, quy định của Chương trình cho phép lập các dự án hỗ trợ sinh kế với thời gian tối đa 3 năm. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều lập dự án 1 năm. Nguyên nhân là do nguồn vốn sự nghiệp thấp, không ổn định, phải thanh quyết toán hàng năm trước 31/12, nên các địa phương không thực hiện phân kỳ vốn theo dự án trong 2-3 năm. Đặc biệt, hầu hết các dự án chưa gắn kết với vốn tín dụng ưu đãi. Các huyện, xã hiện chưa gắn kết nhiều với Ngân hàng chính sách xã hội ngay từ lúc lập dự án để nắm bắt nhu cầu vay vốn, rà soát hộ về dư nợ tín dụng, thẩm định và cho vay theo dự án được duyệt.
Đầu ra ổn định để bảo đảm sinh kế
Theo chị Mộng Thị Lành, cán bộ kỹ thuật huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), thiếu gắn kết giữa hỗ trợ đầu vào (cây con giống, vật tư) với hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho người dân theo suốt mùa vụ. Các dự án phát triển sinh kế thường chỉ có hỗ trợ đầu vào cộng thêm một ngày hoặc một buổi tập huấn, không có hoạt động, kinh phí hỗ trợ tập huấn theo phương pháp lớp học đồng ruộng, đào tạo nghề, tham quan học tập, hướng dẫn, giám sát theo toàn bộ qui trình làm sản phẩm… sẽ không thể giúp người dân thu hoạch và bán sản phẩm một cách chuyên nghiệp; không giúp được hộ nghèo có thể thay đổi sinh kế, cải thiện đời sống hiệu quả.
Việc không hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho người nghèo khiến hộ nghèo, người yếu thế khó có thể nhanh chóng thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Thực tế này diễn ra tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, nơi chị công tác. Khi đưa đoàn phóng viên chúng tôi tới thăm gia đình chị Trần Thị Lý, chị Lý cho biết, gia đình được cấp 100 con gà, thức ăn… Gia đình đã nuôi gà lớn và đến ngày xuất chuồng, giá năm nay cũng được với giá bán 80.000 VND/kg, thế nhưng không phải lúc nào tư thương cũng mua gà cho gia đình. Họ chỉ mua nhỏ lẻ. Bài toán về đầu ra đang trở thành trăn trở cho cả người nghèo và cán bộ các cấp ở huyện Chợ Mới và nhiều huyện, xã khác không riêng ở Bắc Kạn.
Hướng đi liên kết các hộ nghèo với nhau, các hộ nghèo với hộ khá và hộ giàu hay hộ có điều kiện cũng cần được nhân rộng.Nhìn rộng ra thì đây chính là việc phát triển liên kết các thành phần kinh tế hộ tập thể và kinh tế hợp tác xã. Liên kết với nhau để sản xuất sẽ tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm mà các sản phẩm đó không phải tự sản tự tiêu mà sản phẩm đó sẽ được mang ra thị trường trở thành hàng hóa phục vụ nhu cầu địa phương, trong nước và xuất khẩu với giá trị cao hơn. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, muốn liên kết, trước tiên phải tích tụ ruộng đất, từ đó mới có thể xây dựng mô hình liên hộ, liên thôn và hợp tác xã. Hoặc giả việc liên kết này cũng đóng góp tích cực cho việc cổ phần vào các doanh nghiệp để phát triển sản xuất trở thành sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Thiết nghĩ, cần phải có các chính sách bổ sung phù hợp, giải pháp cụ thể, có sự chỉ đạo quyết liệt và phát huy hơn nữa vai trò của cả hệ thống chính trị. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào chú trọng nguồn nhân lực, hay nói cách khác hướng tới mục tiêu phát triển con người. Để bảo đảm chất lượng tăng trưởng, cần tập trung đầu tư công cho khu vực nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh đào tạo nghề, đặc biệt là hỗ trợ các hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Muốn giảm nghèo bền vững chính là chú trọng yếu tố con người, phát huy nỗ lực vươn lên, khuyến khích sự tham gia chủ động của người nghèo, lựa chọn mô hình giảm nghèo linh hoạt, khả thi, dựa trên tính cung ứng đầu ra của thị trường cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo là những điều kiện tiên quyết nâng cao khả năng thoát nghèo bền vững.■
NGUYÊN VINH – THU TRANG
Chúng ta đang tập trung để làm sao làm cho các vùng nghèo thay đổi về diện mạo, trên cơ sở đó đầu tư của chúng ta có tính chất tập trung và ưu tiên cho các lõi nghèo của cả nước. Cho nên đến nay đã có một số huyện rút ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Đây là thành tựu rất lớn, và điều quan trọng là thu nhập của các hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS đã tăng hơn gấp 2 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Cơ sở hạ tầng được thay đổi cách căn bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở nước sinh hoạt và thông tin cho người dân. Năm dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu đã được đến với đồng bào DTTS ở miền núi; chất lượng cuộc sống của người dân đã có thay đổi về mặt chất, đó chính thành tựu hết sức cơ bản của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 – 2020 (TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội).