Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 8/10/2024.
Ngày 8/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Vincent Kinh (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World – thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, em họ bị cáo Trương Mỹ Lan) đã thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan trong việc phát hành trái phiếu “khống” thông qua việc ký hợp thức các hồ sơ, thủ tục để Công ty An Đông phát hành trái phiếu, hiện dư nợ hơn 24.900 tỷ đồng.
Các hồ sơ này bao gồm hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty An Đông và Công ty Sài Gòn Peninsula về việc đầu tư Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ; 5 hợp đồng hợp tác vay tiền, về việc Công ty An Đông cho Công ty Sài Gòn Peninsula vay tổng cộng 29.206 tỷ đồng và 157 ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản Công ty SPG đến các cá nhân được thuê khống chứng từ.
Bên cạnh đó, dù biết Công ty Sunny World không có nhu cầu huy động tiền nhưng Trương Vincent Kinh vẫn ký các hồ sơ, chứng từ để phát hành trái phiếu 2.400 tỷ đồng, hiện còn dư nợ hơn 1.600 tỷ đồng. Hành vi của Trương Vincent Kinh đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 26.581 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án đối với Trương Vincent Kinh từ 7 – 8 năm tù.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Vincent Kinh cho rằng, bị cáo do tin tưởng tuyệt đối vào chị họ là Trương Mỹ Lan nên đã ký các hợp đồng, hồ sơ, thủ tục để Công ty An Đông phát hành trái phiếu. Tại thời điểm ký văn bản, Kinh không có ý thức và không có suy nghĩ sẽ giúp cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản của các trái chủ.
Luật sư bào chữa cho Trương Vincent Kinh cũng đồng ý với các tình tiết giảm nhẹ mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra. Tuy nhiên, luật sư cũng bổ sung thêm một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như gia đình bị cáo có 3 con nhỏ, vợ bị cáo không có công ăn việc làm. Bên cạnh đó, luật sư bào chữa cũng cho biết, bị cáo Kinh đã tích cực khai báo với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra. Gia đình bị cáo cũng thông qua điều tra viên đã nộp tiền khắc phục hậu quả.
Tự bào chữa, bị cáo Trương Vincent Kinh cho rằng, sau khi được cơ quan điều tra giải thích về hành vi sai phạm, bị cáo đã ăn năn, hối lỗi và gửi lời xin lỗi các trái chủ và gia đình trái chủ. Bị cáo Kinh cũng hối hận vì đã ký những văn bản do tin tưởng tuyệt đối vào bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Kwok Hakman Oliver (cựu Tổng giám đốc Công ty An Đông) là em rể của bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty An Đông, em dâu Trương Mỹ Lan). Kwok Hakman Oliver đã có mối quan hệ quen biết với Trương Mỹ Lan từ lâu. Năm 2015, Lan sắp xếp cho Kwok Hakman Oliver giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty An Đông; đến năm 2019 cho Kwok Hakman Oliver giữ vị trí Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Sài Gòn Peninsula.
Vào tháng 8/2018, trong một cuộc họp tại phòng làm việc của bị cáo Ngô Thanh Nhã ở lầu 6 Tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nhã thông báo chủ trương chọn Công ty An Đông phát hành trái phiếu. Bị cáo Kwok Hakman Oliver đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị phường Phú Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh; ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, hợp đồng vay vốn và chuyển tiền để tạo lập trái phiếu khống.
Hành vi của Kwok Hakman Oliver bị cáo buộc đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản với số tiền 24.969 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án 7-8 năm tù cho bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Kwok Hakman Oliver trình bày, trong quá trình làm việc tại Công ty An Đông, mặc dù là Tổng giám đốc nhưng Kwok Hakman Oliver chỉ là người lệ thuộc, làm công hưởng lương với chức năng, nhiệm vụ chính là điều hành hoạt động khách sạn và Trung tâm Thương mại An Đông. Bị cáo không điều hành, quyết định các vấn đề tài chính của Công ty An Đông, mà chủ yếu do Nguyễn Hữu Hiệu (cựu Phó Tổng Giám đốc tài chính Công ty An Đông) thực hiện.
Về cáo buộc phát hành trái phiếu “khống”, bị cáo Kwok Hakman Oliver không nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Trương Mỹ Lan, mà biết chủ trương phát hành trái phiếu qua bị cáo Ngô Thanh Nhã. Kwok Hakman Oliver chỉ duy nhất giúp sức Trương Mỹ Lan ký các hồ sơ thủ tục hợp thức hóa phát hành trái phiếu của Công ty An Đông.
Hành vi giúp sức của bị cáo chỉ giới hạn trong chuỗi hành vi cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy trong quá trình xét hỏi bị cáo Kwok Hakman Oliver đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nhưng trên thực tế bị cáo chỉ là đồng phạm giúp sức thứ yếu, phụ thuộc, không đóng vai trò chủ chốt trong vụ án.
Luật sư bào chữa cũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Kwok Hakman Oliver như phạm tội lần đầu, ít tình tiết nghiêm trọng, được tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bản thân bị cáo Kwok Hakman Oliver bị hạn chế về pháp luật Việt Nam nên không nhận thức đầy đủ hành vi của mình để giúp sức cho các bị cáo khác. Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét tuyên bị cáo Kwok Hakman Oliver mức án bằng thời gian tạm giam (2 năm) để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt – TVSI, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bị cáo Phương đã nhận thức được sai phạm; tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để làm rõ, sáng tỏ vụ án; là người làm công hưởng lương, không hưởng lợi…
Hơn nữa, trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Phương đã bị tuyên phạt 20 năm tù, vì vậy, mong được mức án thấp hơn Viện kiểm sát đề nghị để bị cáo có cơ hội sửa chữa, khắc phục sai lầm. Trước đó, Hồ Bửu Phương bị Viện kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án từ 10 – 11 năm tù vì giúp sức tích cực cho bị cáo Lan lừa đảo chiếm đoạt tiền trái phiếu của người bị hại.
Tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương cho biết, trước khi về làm việc cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo đã từng công tác tại nhiều công ty kiểm toán lớn. Bị cáo có chuyên môn về tài chính vững nên trong công việc luôn giữ bản thân làm đúng quy định của pháp luật, không được phép sai. Trong việc phát hành các lô trái phiếu, Hồ Bửu Phương cho biết bị cáo không được quyền nêu ý kiến về chủ trương phát hành, không có quyền quyết định mà chỉ sử dụng chuyên môn của mình làm công việc theo nhiệm vụ và phân công của cấp trên.
Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét loại trừ 545 triệu USD được 5 pháp nhân nước ngoài chuyển về mua cổ phần của Ngân hàng SCB, sau đó hòa vào dòng tiền của Ngân hàng SCB khiến Trương Mỹ Lan bị quy buộc vào tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Theo luật sư, hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới về bản chất là xuất phát từ các khoản tiền vay và thanh toán cho các đối tác nước ngoài thông qua tài khoản của Ngân hàng SCB.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), luật sư bào chữa của Trương Mỹ Lan tiếp tục thông tin trước Hội đồng xét xử về khoản tiền mà nhóm bạn của Trương Mỹ Lan ở Mỹ muốn giúp bị cáo khắc phục hậu quả vụ án.
Theo đó, nhóm bạn của Trương Mỹ Lan đã giao dịch thành công và có sẵn nguồn tiền 3.000 tỷ đồng để giúp Lan khắc phục hậu quả. Luật sư đã nộp đơn đề nghị và chờ thông báo cho phép sẽ tiến hành nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Nhà nước.