Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
67445

Việt Tân phơi bày bản chất khủng bố khi cổ vũ bạo động ở Myanmar?

 

Lâu nay, đảng Việt Tân vẫn thường tuyên truyền rằng họ chỉ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền bằng phương pháp bất bạo động, chứ không muốn dùng vũ lực và chiến tranh để lật đổ ai hết. Chọn bất bạo động là một nước cờ thông minh, giúp Việt Tân thích ứng với sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ sau năm 1995, đồng thời đánh lừa người dân Việt Nam rằng họ là một lực lượng chính trị trong sáng, không làm điều gì xấu. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Việt Tân đã thể hiện rằng dù bất bạo động ngoài miệng, họ vẫn giữ tâm thế bạo động trong lòng. Họ cũng không loại trừ phương án bạo động nếu có cơ hội.

Chẳng hạn, ngày 12/05/2021, fanpage Việt Tân đã đăng bài ca ngợi một cựu hoa hậu Myanmar, khi cô này chụp ảnh đeo súng trường để kêu gọi người dân tham gia các nhóm đối lập có vũ trang:

Trong khi Việt Tân chỉ ca ngợi tinh thần hy sinh của cô hoa hậu và phe đối lập Myanmar, rõ ràng bức ảnh này báo hiệu một bước chuyển phức tạp hơn thế. Từ thời điểm này, cuộc khủng hoảng tại Myanmar sẽ được giải quyết bằng chiến tranh, thay vì bằng những cuộc biểu tình mà ít ra sự ôn hòa cũng đến từ một phía. Vì Myanmar không phải là một quốc gia thuần nhất về mặt sắc tộc, tôn giáo, và từ thời bình đã bị cát cứ bởi hàng trăm nhóm vũ trang cạnh tranh lẫn nhau, bước chuyển này chỉ có thể dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài, với tổn thất sinh mạng lên đến hàng nghìn hoặc hàng vạn. Triển vọng hòa bình và độc lập tại Myanmar sẽ còn mong manh hơn nữa nếu nước ngoài can thiệp vào quốc gia này, giữa lúc khu vực Đông Nam Á đang kẹt trong cuộc tranh chấp Mỹ-Trung. Khi những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh của dịch COVID-19, người dân Myanmar sẽ không tránh khỏi một chuỗi ngày đau thương và kiệt quệ.

Trước khi mượn chuyện Myanmar để kích động quần chúng, Việt Tân có nghĩ đến những hậu quả vừa nêu không? Cuộc “đấu tranh” của Việt Tân có đáng thực hiện không, nếu nó hy sinh mạng sống người dân một cách vô tội vạ để phục vụ mục tiêu dân chủ?

Một ví dụ khác phơi bày mưu đồ của Việt tân nhằm kích động bạo động ở Việt nam bằng chiêu trò cổ súy bạo lực ở Myanmar. Nhân cuộc tranh chấp chính trị giữa chính quyền quân sự và phong trào quần chúng ở Myanmar dẫn đến cái chết của 700 người, fanpage Việt Tân đã tuyên truyền rằng đây là những “cái chết có ý nghĩa”, của những người “chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để đánh đổi tự do và tương lai của đất nước Miến Điện”. Để kích động những độc giả là người Công giáo, Việt Tân cũng trích dẫn một câu nói của linh mục Lê Ngọc Thanh – rằng “Chết cũng một lần thôi con ạ, chết cho vinh quang, cho đúng với lương tâm”. Tuy nhiên, câu nói này không xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác trên Internet ngoài fanpage Việt Tân, và dù linh mục Thanh có nói thế thật, thì cũng chẳng ai biết ông nói nó trong văn cảnh nào, có liên quan đến Myanmar hay không. Dường như Việt Tân muốn dùng bức ảnh này để kích động giáo dân tiếp tục hy sinh cho tham vọng của họ, nhân dịp linh mục Lê Quốc Thăng mới viết lá thư kêu gọi thay đổi thể chế:

Việt Tân không giấu giếm ý đồ đánh đồng tình hình Myanmar với tình hình Việt Nam một cách khập khiễng. Trong khi cuộc khủng hoảng ở Myanmar bùng phát do  một cuộc đảo chính được quân đội tiến hành, thì bộ máy quyền lực ở Việt Nam đang hoạt động một cách khá ổn thỏa, không gặp nhiều vấp váp, thậm chí còn chứng tỏ được độ ổn định khi cùng lúc đối phó với dịch COVID-19 và các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi người biểu tình Myanmar tập hợp quanh các chính khách của chính quyền dân cử vừa bị đảo chính, thì các nhóm chống Nhà nước Việt Nam (như Việt Tân) chỉ tập hợp quanh một dúm người lưu vong chửi Cộng sản thuê cho Mỹ. Với một bối cảnh khác biệt như vậy, chẳng có lý do gì để người dân Việt Nam phải hy sinh cho tham vọng của Việt Tân, dù người biểu tình Myanmar có đang hy sinh cho những mục đích chính đáng hay không.

Còn nhớ, mỗi khi Việt Nam có dấu hiệu kích động bạo loạn như vụ Formosa, phản đối dự luật đặc khu hay các cuộc khiếu kiện dấu hiệu bạo động như Dương Nội, Đồng tâm…, Việt tân đều nhảy vào cổ súy, kích động, tâng bốc kẻ phạm tội, ca tụng họ như những anh hùng đấu tranh cho công lý và yêu nước bất chấp hành động bạo lực, cực đoan, gây thiệt hại cho xã hội.

Qua đó, có thể thấy tâm lý bạo động vẫn in rất đậm trong não các đảng viên Việt Tân. Nếu có thể giành quyền lực ở Việt Nam bằng chiến tranh, thì họ sẵn sàng làm thế. Suy cho cùng, Việt Tân chưa bao giờ tự nguyện theo đuổi đường lối bất bạo động: họ chọn đường lối này vào năm 1995 chỉ để thích nghi với việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và chính sách chống khủng bố, sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự để can thiệp, gây chính biến của Mỹ và phương Tây mà thôi. Chừng nào Việt Tân chưa bỏ được tâm lý bạo động, họ vẫn còn xứng đáng với danh hiệu một tổ chức khủng bố.

Khánh Chi

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *