Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20857

Việt Nam xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực hiện Công ước CAT

Công ước CAT là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế trong việc kiên quyết loại bỏ hành vi tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với con người vì bất cứ lý do gì ra khỏi đời sống xã hội. Ngày 28/11/2014, tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước.

Sau hơn 06 năm thực thi Công ước CAT tại Việt Nam, các kết quả đạt được là rất tích cực, thể hiện qua 04 nhóm hoạt động chính bao gồm: tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước CAT; nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước CAT; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn và xây dựng các báo cáo quốc gia thực hiện Công ước.

Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn

             Nỗ lực quyết tâm của Việt Nam

Ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm 1984 của LHQ (Công ước CAT), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015, phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện trên toàn quốc. Với tư cách là cơ quan đầu mối triển khai, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, đồng thời ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn lực lượng để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công ước chống tra tấn, góp phần thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chủ trì xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực hiện Công ước CAT, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Những kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện Công ước của Việt Nam nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2021-2022, Bộ Công an có trách nhiệm tiếp tục chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó quan trọng nhất là hoàn thành Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước CAT.

Bộ Công an chủ trì đã trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất trong kỳ họp lần thứ 65 của Ủy ban chống tra tấn của LHQ tại Geneve, Thụy Sĩ vào tháng 11/2018. Sau đó, ngày 07/12/2018, Ủy ban chống tra tấn đã ban hành Báo cáo đánh giá, trong đó đã đưa ra các bình luận ghi nhận những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; đồng thời đưa ra các bình luận và khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục thực hiện. Ngay sau khi nhận được Báo cáo đánh giá, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện Báo cáo trả lời của Việt Nam đối với các bình luận và khuyến nghị này và đã tiến hành các thủ tục cần thiết để gửi Báo cáo đến Ủy ban chống tra tấn. Báo cáo trả lời dài 43 trang, được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở bám sát từng bình luận và khuyến nghị mà Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm.

Từ đó đến nay, Bộ Công an đã trực tiếp triển khai một số hoạt động và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có thể tiếp thu ở mức cao nhất các khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn. Trong đó, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành 27 văn bản hướng dẫn thi hành các luật có liên quan đến ngăn ngừa, phòng, chống tra tấn; Bộ Công an đã chủ trì, tổng hợp, đánh giá tình hình và xây dựng Báo cáo giữa kì (2 năm) của Việt Nam thực hiện Công ước CAT gửi Ủy ban chống tra tấn.

Gần đây nhất, Bộ Công an đã xây dựng Báo cáo tổng kết 01 năm thực hiện Công ước CAT năm 2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2022 tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn công tác triển khai thực hiện Công ước CAT cũng cho thấy một số khó khăn, hạn chế mang tính khách quan và cả chủ quan, điển hình như:

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định trong thực hiện Công ước CAT, tuy nhiên, qua nghiên cứu Bản khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn, các kháng thư và các báo cáo bóng (shadow reports), có thể thấy thông tin đến Ủy ban chống tra tấn, các tổ chức quốc tế còn hạn chế. Một số trường hợp Bộ Công an Việt Nam đã cung cấp thông tin, số liệu chứng minh, song Ủy ban chống tra tấn và một số tổ chức nước ngoài vẫn đưa ra bình luận, khuyến nghị chưa phù hợp, không chính xác và thiếu khách quan về tình hình thực hiện Công ước của Việt Nam.

Phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, công tác nội luật hóa đã có những chuyển biến tích cực để thực hiện tốt hơn các qui định của Công ước CAT; tuy nhiên, do chưa có quy định pháp luật riêng về khái niệm tra tấn nên quá trình triển khai còn gặp lúng túng nhất định, nhất là trong công tác thống kê số liệu.

Công tác đánh giá việc thực hiện các qui định pháp luật về quyền con người nói chung và phòng, chống tra tấn nói riêng chủ yếu dựa trên các báo cáo, chưa đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá sau báo cáo về việc thực hiện các qui định này trên thực tế.

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và người dân về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn đã được nâng cao nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hoặc nơi có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, vùng nhiều người dân tộc thiểu số.

Trình độ pháp luật, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nhưng vẫn còn chưa đồng đều. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tra tấn còn thiếu về số lượng, kinh nghiệm và kỹ năng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, tính ổn định chưa cao. Quá trình thực thi pháp luật vẫn còn xảy ra các vụ dùng nhục hình; tình trạng người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân chết vẫn xảy ra, nguyên nhân là do bệnh lý và tự sát.

Hoạt động nâng cấp, cải tạo, sữa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất của các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng để đáp ứng các yêu cầu của Công ước CAT đã được quan tâm đầu tư; việc lắp đặt các thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên, vẫn còn gặp khó khăn, chưa được tiến hành đồng bộ, nhiều hạng mục công trình còn thiếu và xuống cấp, do đó, cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này trong thời gian tới trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Công an các đơn vị, địa phương.

Hướng tới mục tiêu hoàn thành Báo cáo quốc gia lần thứ hai

         Thứ nhất, tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tập huấn về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong việc biên soạn, đăng tải các tài liệu chuyên sâu, tài liệu giảng dạy, tài liệu tập huấn, các tin, bài, phóng sự về phòng, chống tra tấn và các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên báo điện tử, mạng xã hội, kênh truyền hình, đài phát thanh, cổng thông tin điện tử hoặc thông qua pano, áp phích, tờ gấp, cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa theo hướng trực quan, đơn giản, dễ hiểu.

Thứ hai, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các khuyến nghị phù hợp nêu trong Bản khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn để thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Sau khi Kế hoạch này được ban hành, Công an các đơn vị, địa phương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu, ban hành kế hoạch riêng của mình và đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả trên thực tế các nội dung này.

Thứ ba, tiến hành sơ kết, tổng kết, rà soát các quy định pháp luật Việt Nam với các quy định và yêu cầu của Công ước và Ủy ban chống tra tấn để từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật nhằm tăng cường tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các qui định của Công ước CAT và khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

Thứ tư, đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, kỹ năng nghề nghiệp, qui trình công tác đối với cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Thứ năm, thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch các qui định pháp luật; thường xuyên kiểm tra, thanh tra và xử lí nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo; điều tra, truy tố, xét xử; thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; bồi thường thiệt hại, nhất là các vụ việc liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu.

        Thứ sáu, quan tâm, tạo điều kiện bố trí kinh phí kịp thời, phù hợp để các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn đạt hiệu quả cao.

        Thứ bảy, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước CAT; trước mắt xây dựng Kế hoạch thu thập thông tin, số liệu có liên quan trong 04 năm (từ tháng 11/2018 – 11/2022) để Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, gửi về Bộ Công an phục vụ cho việc hoàn thiện nội dung Báo cáo này và nộp lên Ủy ban chống tra tấn vào năm 2022.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, việc lực lượng Công an nhân dân tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Công ước CAT không những góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ  quyền con người , tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, mà còn phù hợp với tinh thần nhân văn của dân tộc, phù hợp với các chủ trương, chính sách, mục tiêu quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước; đồng thời khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước trong bảo vệ  quyền con người nói chung và quyền không bị tra tấn nói riêng.■

                                                                                                                                                              NGUYỄN VIỆT HỒNG[1]

[1] Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *