Việt Nam đã tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và đã 5 lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000, 2012 và 2023. Ngày 27/12/2023, Uỷ ban Công ước (UBCU) CERD Geneva, Thụy Sĩ. đã công bố Bản Kết luận quan sát (KLQS) sau khi xem xét Báo cáo CERD lần thứ 5 của Việt Nam. Bản KLQS 2023 gồm 4 phần chia thành 52 đoạn tăng 23 đoạn so với KLQS năm 2012.
Kế hoạch tăng cường thực thi Công ước CERD và triển khai các khuyến nghị của UBCU CERD 2023 đã xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện, từ đó tăng cường sự thụ hưởng các quyền về mọi mặt của người dân tộc thiểu số (DTTS), phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế – xã hội (KTXH) của Việt Nam nói chung và của vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nói riêng, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, tích cực, có trách nhiệm nghĩa vụ là quốc gia thành viên Công ước CERD. Có 4 nhóm nội dung chính gồm:
Tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật thực thi Công ước CERD:
Tại điểm c, khoản 1, Điều 2 của CERD nêu “Mỗi quốc gia thành viên sẽ có những biện pháp hữu hiệu để rà soát lại các chính sách của chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương và sẽ sửa đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa bất cứ đạo luật hay quy định nào có thể tạo ra hoặc tạo điều kiện cho sự phân biệt chủng tộc ở bất cứ đâu”.
Trong 02 phiên đối thoại bảo vệ Báo cáo CERD 5, UBCU CERD bày tỏ sự quan tâm đối với các nội dung về nội luật hóa Công ước trong hệ thống luật pháp quốc gia, hệ thống thể chế và chính sách để thực hiện Công ước; hệ thống tư pháp hình sự; phát ngôn, tội ác hận thù và phân biệt chủng tộc.
Tại bản KLQS đối với Báo cáo CERD 5 của Việt Nam, UBCU CERD nhắc lại khuyến nghị trước đây của Uỷ ban về việc lồng ghép Công ước vào luật pháp quốc gia bằng cách nghiên cứu xây dựng và thông qua Luật Chống Phân biệt đối xử toàn diện, Luật Dân tộc (đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của xã hội dân sự và tham vấn cộng đồng); nghiên cứu và thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập; xây dựng cơ chế tiếp nhận khiếu nại về phân biệt chủng tộc; đưa phân biệt chủng tộc thành tình tiết tăng nặng đối với tất cả các tội trong pháp luật Việt Nam; khuyến nghị Việt Nam rà soát, sửa đổi các điều luật nhằm hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình hoặc đưa ra lệnh tạm hoãn bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình; công nhận người bản địa;
Vì vậy, Việt Nam dự kiến triển khai nhóm khuyến nghị này tập trung vào 3 vấn đề:
- Rà soát, đánh giá tính tương thích giữa quy định của Công ước CERD trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm đảm bảo tính tương thích với các quy định của Công ước CERD, bao gồm các quy định về hạn chế quyền, chống phân biệt đối xử, chống phân biệt chủng tộc và các quy định khác
- Xây dựng báo cáo đánh giá việc nội luật hoá các quy định của Công ước CERD vào pháp luật trong nước, xác định những quy định pháp luật chưa tương thích, chưa phù hợp với Công ước CERD và đề xuất, kiến nghị việc tiếp tục nội luật hoá và điều chỉnh khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước CERD.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền của người DTTS:
Lưu ý đến bảo vệ không gian dân sự, sự tham gia bình đẳng của người DTTS trong đời sống chính trị và công cộng; tự do tôn giáo tín ngưỡng; giảm bất bình đẳng trong thụ hưởng các quyền KTXH; quyền của trẻ em và phụ nữ DTTS; bảo vệ quyền của người lao động nhập cư, người không quốc tịch và người nước ngoài tại VN; chống buôn bán người, Việt Nam tiếp tục thực hiện:
- Ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường thực thi Công ước CERD và triển khai thực hiện các khuyến nghị của UBCU CERD 2023.
- Nâng cao hiệu quả tiếp nhận khiếu nại tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn và tăng tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vi phạm về phân biệt chủng tộc; cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê về thành phần dân số được phân tổ theo DTTS và các chỉ tiêu phát triển KTXH và đánh giá tác động của các biện pháp chính sách khác nhau.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hành các quyền của người DTTS trong hoạt động tố tụng.
- Tăng cường thực thi các chính sách bảo đảm quyền của người DTTS đặc biệt là quyền tiếp cận giáo dục, phát triển KTXH, tạo sinh kế bền vững, bảo tồn phát triển văn hóa DTTS,…
- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống kê tình hình thực hành các quyền của người DTTS.
Tiếp tục thúc đẩy các quyền của người DTTS thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng:
Thực hiện điều 7, Công ước CERD về việc “Các quốc gia thành viên cam kết sẽ thông qua những biện pháp khẩn trương và hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy, giáo dục, văn hóa và thông tin, nhằm chống lại các định kiến có thể dẫn tới phân biệt chủng tộc và khuyến khích sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa các quốc gia và các nhóm chủng tộc, sắc tộc…”
Theo Bản KLQS và nội dung đối thoại tại 2 phiên bảo vệ Báo cáo CERD 5, nâng cao nhận thức và đào tạo về chống phân biệt đối xử về chủng tộc đều được các bên quan tâm.
Trên thực tế, tuyên truyền là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao nhận thức người dân về chống phân biệt đối xử, bình đẳng về quyền con người được sử dụng trong các hoạt động trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền chính sách, thông tin truyền thông. Tuyên truyền là hoạt động được nhiều bộ ngành thực hiện thường xuyên tuy nhiên hiện nay chưa có nội dung tuyên truyền riêng về chống phân biệt chủng tộc, về bình đẳng quyền đặc biệt cho đối tượng người DTTS và người dân sống ở vùng DTTS&MN.
Các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Công ước CERD.
Việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Công ước CERD và khuyến nghị của UBCU CERD 2023 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam tuyên truyền về những thành tựu bảo vệ nhân quyền của ta nói chung và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người DTTS, góp phần bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Do dó cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Công ước CERD và khuyến nghị của UBCU CERD 2023; tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai hiệu quả Công ước CERD; triển khai các hoạt động tuyên truyền đối ngoại về quyền con người nói chung và quyền của người DTTS nói riêng với các nước, các tổ chức quốc tế; tại các cơ chế, diễn đàn song phương, đa phương và quốc tế về quyền con người.
Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS. Các quyền dân sự chính trị của người DTTS được Nhà nước bảo đảm bình đẳng như mọi công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.