Hợp tác ACMECS tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác

Chiến lược hợp tác kinh tế Ây-a-oa-đi – Chao Phở-rây-a – Mê Công (ACMECS) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển.

ACMECS thành lập tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao Bagan, trước đó có tên là Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế (ECS), theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Thặc-xỉn Sin-na-vắt và ban đầu gồm 4 nước là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, và Thái Lan. Tại Hội nghị, các nước đã thống nhất đổi tên thành Chiến lược hợp tác kinh tế Ây-a-oa-đi – Chao Phở-rây-a – Mê Công (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mê Công). Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại HNBT ACMECS lần thứ 1 tại Thái Lan, tháng 11/2004.

Hợp tác ACMECS tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác. Tại Hội nghị Cấp cao Bagan (Mi-an-ma, tháng 11/2003), các nước thông qua Tuyên bố Bagan và Chương trình hành động ACMECS với 5 lĩnh vực: Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; Hợp tác công nghiệp – nông nghiệp; Giao thông; Hợp tác du lịch; Phát triển nguồn nhân lực. Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 2 (Thái Lan, tháng 4/2004), các nước nhất trí bổ sung thêm lĩnh vực y tế. Tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ 4 (tháng 7/2006), các nước nhát trí tách lĩnh vực công nghiệp – nông nghiệp thành 2 lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp – năng lượng. Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 4 (Cam-pu-chia, tháng 11/2010), các nước thống nhất bổ sung lĩnh vực môi trường.

Như vậy đến nay ACMECS có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: Thương mại – đầu tư; Nông nghiệp; Công nghiệp – năng lượng; Giao thông; Du lịch; Phát triển nguồn nhân lực; Y tế; và Môi trường.

Từ khi thành lập đến nay, ACMECS đã tổ chức được 9 lần Hội nghị Cấp cao:

Tại HNCC lần thứ 8 (15-16/6/2018, Băng Cốc, Thái Lan) với chủ đề “Hướng tới một Cộng đồng Mê Công kết nối và hội nhập”, Lãnh đạo các nước đã nhất trí hướng tới xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh thông qua: Thúc đẩy kết nối đa phương diện (về hạ tầng, kỹ thuật số, thể chế, con người); trong giai đoạn trước mắt ưu tiên xây dựng các tuyến đường còn thiếu thuộc các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây và phía Nam; Tăng cường hài hòa hóa các quy định và thủ tục thương mại, đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực và công nghệ; Bảo đảm an ninh, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước các dòng sông xuyên biên giới, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Băng-cốc  Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 – 2023, định hướng chiến lược thời gian tới cho hợp tác năm nước xoay quanh ba trụ cột chính là: Tăng cường kết nối hạ tầng cứng thông qua phát triển vận tải đa phương thức, hạ tầng kết nối điện tử và hạ tầng kết nối năng lượng; Thúc đẩy kết nối hạ tầng mềm thông qua tăng cường hợp tác về thương mại – đầu tư và hợp tác về tài chính; Phát triển kinh tế thông minh và đầu tư bền vững thông qua phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước.

Về huy động nguồn vốn, Thái Lan nêu lên đề xuất thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác cơ sở hạ tầng ACMECS với mục tiêu tạo kênh tài chính mới cho việc huy động vốn cho các dự án của ACMECS[1].

Tại HNCC ACMECS lần thứ 9 (tháng 12/2020, trực tuyến), với chủ đề “Quan hệ đối tác vì kết nối và phục hồi”, Hội nghị tập trung rà soát tình hình triển khai Tuyên bố Băng Cốc và Kế hoạch Tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 – 2023 được Lãnh đạo các nước thông qua tại HNCC ACMECS lần thứ 8 (tháng 6/2018 tại Băng Cốc, Thái Lan); đồng thời trao đổi về các biện pháp củng cố hợp tác trong giai đoạn mới, đặc biệt là hợp tác phục hồi tăng trưởng kinh tế và ứng phó với đại dịch COVID-19.

Về tình hình hợp tác của ACMECS: Các nhà Lãnh đạo ghi nhận những kết quả tích cực mà Hợp tác ACMECS đạt được trong hai năm qua, bao gồm việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS 2019 – 2023 xoay quanh ba trụ cột: kết nối hạ tầng cứng, kết nối hạ tầng mềm, và phát triển thông minh – bền vững. Mạng lưới đối tác phát triển của ACMECS ngày càng được mở rộng với việc thông qua danh sách các đối tác đợt 1 (gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Ôx-trây-lia) và chuẩn bị thống nhất danh sách đợt 2.[2]

Định hướng hợp tác trong giai đoạn tới, các nhà Lãnh đạo nhận định khu vực và thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Một số lĩnh vực hợp tác khác được nêu đậm tại Hội nghị gồm: Tăng cường nỗ lực vừa phòng chống, ứng phó với đại dịch COVID-19; vừa tái thiết kinh tế, bao gồm thúc đẩy thương mại, đầu tư, công nghiệp và du lịch giữa các nước thành viên ACMECS, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử và phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Các nước nhất trí tăng cường hợp tác, củng cố hệ thống, dịch vụ y tế trong nước; phối hợp chặt chẽ nhằm ứng phó hiệu quả với COVID-19; và bảo đảm tiếp cận bình đẳng các nguồn vắc-xin. Thủ tướng Thái Lan thông báo Thái Lan sẽ sản xuất và phân phối vắc xin phòng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2021 và bảo đảm các nước ACMECS có thể tiếp cận vắc xin với giá cả hợp lý. Bảo đảm tính kết nối và cộng hưởng giữa hợp tác ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng liên quan, đồng thời xem xét cải tiến cơ cấu, phương thức hoạt động của hợp tác ACMECS theo hướng tăng cường hiệu quả và phát huy tối đa nguồn lực.

Về văn kiện hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnôm Pênh Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 9 kèm theo các phụ lục: Điều khoản tham chiếu (TOR) của Quỹ Phát triển ACMECS (ACMDF), Tài liệu khái niệm về Cơ chế làm việc của các Ủy ban điều phối ACMECS, và Danh sách các dự án ưu tiên; và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10.

Kế hoạch Tổng thể ACMECS thường được triển khai theo giai đoạn 5 năm. Gần đây nhất là Kế hoạch Tổng thể ACMECS giai đoan 2019 – 2023 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 (năm 2018).

Về kết nối hạ tầng cứng: ACMECS đặt mục tiêu trở thành khu vực kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua củng cố và xây dựng mới các hệ thống giao thông, gồm các hành lang kinh tế, cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không. Kế hoạch đã xác định các tuyến đường còn thiếu cần phải bổ sung để thúc đẩy vận tải đa phương thức; tăng cường kết nối điện tử thông qua xây dựng hệ thống thông tin thông suốt để hỗ trợ thương mại – đầu tư và kết nối thị trường; phát triển thị trường năng lượng khu vực thông qua xây dựng các mạng lưới đường truyền điện và các ống dẫn dầu và khí.

Về kết nối hạ tầng mềm: Tăng cường hợp tác về thương mại – đầu tư thông qua hài hòa hóa và đơn giản hóa các quy trình qua cửa khẩu, các quy trình đánh giá quy chuẩn và chất lượng, và các phương thức cắt giảm hàng rào phi thuế quan; Đồng nhất chuỗi giá trị và chuỗi cung cấp, trong đó tập trung vào phát triển thương hiệu ACMECS và thúc đẩy các Khu kinh tế ACMECS; Thúc đẩy thương mại về các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió; Thúc đẩy doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và tăng cường xây dựng thể chế.

Về phát triển kinh tế thông minh và bền vững gồm: Thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chiến lược như đào tạo doanh nghiệp, nông nghiệp, du lịch, y tế và giáo dục; Hợp tác phát triển bền vững bao gồm hợp tác về môi trường, quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác, và các hoạt động bền vững trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu.

Để triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS, tại HNCC ACMECS 9 (tháng 12/2020), các nước đã thông qua 30 dự án ưu tiên dựa trên ba trụ cột phát triển của Kế hoạch trên 03 trụ cột gồm Trụ cột 1 về Kết nối thông suốt; Trụ cột 2 về Đồng bộ hóa các nền kinh tế ACMECS; Trụ cột 3 về ACMECS Thông minh và Bền vững. Trong đó, Nhật Bản đóng góp 1,3 triệu hỗ trợ dự án ACMECS dành cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại tiểu vùng Mê Công; Hàn Quốc đóng góp 1 triệu USD tài trợ Dự án xây dựng thương hiệu ACMECS nhằm thúc đẩy Trụ cột II của Kế hoạch tổng thể ACMECS, đặc biệt trong lĩnh vực tạo thuận lợi xuyên biên giới.

Ngoài ra, các ủy ban điều phối 03 trụ cột cũng đã từng bước phối hợp, đạt được một số tiến triển nhất định, đặc biệt là việc tổ chức thành công các cuộc họp nhằm trao đổi, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động Triển khai kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023.

Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 (Thái Lan, tháng 6/2018), Thái Lan nêu lên đề xuất thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác cơ sở hạ tầng ACMECS với mục tiêu tạo kênh tài chính mới cho việc huy động vốn cho các dự án của ACMECS. Theo đó, Trưởng SOM Tài chính của các nước Mê Công đã tiến hành một số cuộc họp và đang tiếp tục thảo luận điều khoản tham chiếu, mức đóng góp và hoạt động cụ thể của Quỹ ACMECS cũng như tiếp tục trao đổi, phối hợp với các Đối tác phát triển, tổ chức quốc tế nhằm đẩy nhanh tiến độ thành lập Quỹ.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Viện Mê Công; trong đó, Viện Mê Công sẽ là bộ phận phụ trách dự án trực thuộc Ban thư ký lâm thời ACMECS (AIS). Ưu tiên của AIS trong giai đoạn tới gồm: Đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Kế hoạch tổng thể 2019-2023; Chuẩn bị dự thảo Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 – 2028.

Để tăng nhận diện thương hiệu cơ chế nhân dịp 20 năm thành lập cơ chế ACMECS (2003 – 2023), các nước Mê Công thống nhất cần xây dựng logo và trang web chính thức của cơ chế ACMECS. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã tổ chức cuộc thi thiết kế logo chính thức của cơ chế. Tại cuộc họp SOM tháng 6/2024, trưởng SOM Lào, Chủ tịch ACMECS đã công bố kết quả cuộc thi thiết kế logo. Ngày 18/7/2024, Lễ công bố logo và trang web chính thức của ACMECS được tổ chức tại Băng Cốc, có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao Thái Lan và các Đại sứ quán các nước Mê Công tại Thái Lan.

Ngày 03/11/2022, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS lần thứ 5 diễn ra tại Siem Reap, Campuchia. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã ghi nhận sự phục hồi của khách du lịch quốc tế tới các nước ACMECS; thông qua các văn kiện của Hội nghị gồm: Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ 5, Tuyên bố Seam Reap về Tương lai của Du lịch ACMECS, Kế hoạch hành động du lịch ACMECS giai đoạn 2023 – 2025 tập trung vào các nội dung gồm: phát triển sản phẩm du lịch; trao đổi thông tin du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến và tiếp thị du lịch; liên kết sản phẩm du lịch và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Việt Nam được phân công dẫn dắt, điều phối nhiệm vụ về phát triển sản phẩm du lịch.

Ngày 26/9/2023, Bộ Ngoại giao Thái Lan phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (ISC) tổ chức Diễn đàn ACMECS tại Băng Cốc, Thái Lan. Diễn đàn tập trung thảo luận về: Đánh giá thành tựu hợp tác ACMECS trong 20 năm (2003 – 2023); Đề xuất định hướng hợp tác trong giai đoạn mới (2024 – 2028), trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế khu vực có nhiều biến động, đồng thời Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023 sắp kết thúc.

Từ 5 thành viên Mê Công, hợp tác ngày một mở rộng mạng lưới đối tác với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc; một số đối tác đã có đóng góp thiết thực cho tiểu vùng như khoản tài trợ 1.3 triệu USD của Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau dịch COVID-19, khoản hỗ trợ 1 triệu USD của Hàn Quốc giúp các nước Mê Công xây dựng thành phố thông minh, các khóa đào tạo nâng cao năng lực thực hiện dự án của Úc. Ngày 21/11/2022 đã diễn ra cuộc họp SOM ACMECS và các đối tác phát triển. Tại cuộc họp, các bên đã trao đổi về đóng góp của các đối tác phát triển trong hợp tác ACMECS và thông qua Kế hoạch phát triển chung với các đối tác phát triển giai đoạn 1. Dự kiến tại HNCC ACMECS lần thứ 10, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua việc New Zealand trở thành đối tác phát triển của ACMECS giai đoạn tiếp theo.

Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất tại Thái Lan vào tháng 11/2004.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong ACMECS. Với vị trí cửa ngõ phía Đông của tiểu vùng Mê Công, Việt Nam là một nhân tố không thể thiếu của các hành lang kinh tế ở khu vực. Việt Nam đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở. Việt Nam cũng đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa 5 quốc gia.

Tháng 11/2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ ba tại Hà Nội. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố các nhà lãnh đạo ACMECS về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, nhất trí ưu tiên hợp tác liên kết kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối nhằm đối phó với các thách thức và biến động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mê Công, Việt Nam tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước. Tại Hội nghị, Việt Nam đã đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm Công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS và đóng vai trò đồng chủ trì nhóm công tác.

Tháng 10/2016, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ bảy tại Hà Nội với chủ đề “Hướng tới Tiểu vùng Mê Công năng động và thịnh vượng.” Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 tập trung thảo luận hai nội dung chính gồm: (i) Tăng cường kết nối khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế ACMECS; và (ii) Các định hướng hợp tác vì phát triển bền vững tại khu vực Mê Công. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, nhất trí thúc đẩy các nội dung hợp tác ưu tiên của ACMECS trong thời gian tới bao gồm giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại-đầu tư, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và môi trường.

Đáng chú ý, Hội nghị cam kết sẽ tăng cường hợp tác nhằm hoàn thiện kết nối vận tải đa phương thức và tận dụng tối đa các mạng lưới giao thông đường bộ và hành lang kinh tế; Cùng nhau xây dựng các tuyến cao tốc dọc Hành lang Kinh tế phía Nam, trong đó xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ đô Phnom Pênh; Thúc đẩy mở tuyến vận tải kết nối các nước thành viên ACMECS, trong đó có mở tuyến vận tải hành khách cố định Hà Tĩnh (Việt Nam) – Khammuon (Lào) – Nakhon Phanom (Thái Lan) và ngược lại; Nghiên cứu khả năng áp dụng mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu quốc tế dọc Hành lang Kinh tế Đông – Tây và Hành lang kinh tế phía Nam; phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xây dựng “Sổ tay hướng dẫn thực hiện mô hình kiểm tra Một cửa, một lần dừng”; Rà soát thực trạng ngành logistics và xác định phương thức nâng cao tính cạnh tranh của ngành logistics. Khuyến khích khu vực doanh nghiệp tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; Nỗ lực thực hiện đầy đủ Hiệp định GMS về tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua biên giới mà các nước ACMECS đều tham gia.

Việt Nam hiện đang tiến hành các thủ tục trong nước để sớm công bố phương án đóng góp tài chính đối với Quỹ Phát triển ACMECS. Qua đó, thúc đẩy việc sớm thành lập Quỹ Phát triển ACMECS, bảo đảm công tác triển khai hiệu quả các dự án trong Kế hoạch tổng thể ACMECS, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và các nền kinh tế ACMECS cũng như sự phát triển bền vững của tiểu vùng.



[1] Thái Lan đề xuất quy mô của Quỹ khoảng 500 triệu USD, trong đó dự kiến Thái Lan đóng góp 200 triệu USD, các nước thành viên ACMECS khác và đối tác phát triển  đóng góp vào Quỹ dựa trên cơ sở tự nguyện và khả năng của từng nước.

[2] Một số nước thể hiện dự định tham gia nhóm Đối tác Phát triển của ACMECS giai đoạn 2 bao gồm: I-xra-en, Niu Di-lân, Anh, Thụy Sỹ và EU. Tuy nhiên đến nay, chỉ có Niu Di-lân sẵn sàng trở thành ĐTPT của ACMECS giai đoạn tiếp theo.