Mặc dù dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, song các đối tượng tấn công mạng vẫn lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội để tăng cường phát tán, lây nhiễm mã độc. Trong 06 tháng đầu năm, ghi nhận 2.017 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (805 cuộc Phishing, 788 cuộc Deface, 296 cuộc Malware), số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 2.117.083 địa chỉ. Các cơ quan chức năng của Bộ TT-TT và Bộ Công an thực hiện thường xuyên công tác rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh. Nhờ sự chủ động này nên trong 6 tháng đầu năm chống dịch COVID-19, số cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin Việt Nam đã giảm 26% với 06 tháng cuối năm 2019 và giảm 27,1% so với cùng kỳ 06 tháng đầu năm 2019.
Tin giả cũng là vấn nạn gây hoang mang dư luận. Theo thống kê của Bộ TT&TT, bình quân mỗi tháng có gần 12.000 thông tin đề cập tới tin giả, xấp xỉ 20 triệu lượt xem, chủ yếu trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube. Tính riêng trong tháng 4/2020 – tháng thực hiện giãn cách xã hội của đợt dịch đầu tiên tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cả nước đã phải tiến hành xử phạt vi phạm đối với 21 vụ với số tiền là 203 triệu đồng, nhắc nhở 29 trường hợp liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Lợi dụng dịch bệnh COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh, mượn cớ “quyền tự do ngôn luận” để kích động, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nếu các trường hợp này bị xử lý, thì các thế lực thù địch lại sử dụng luận điệu vu cáo Việt Nam “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm tự do Internet”… Trước tình trạng trên, ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử (thay thế Nghị định số 174/NĐ-CP) nâng mức xử phạt đối với hành vi tung tin giả trên mạng xã hội lên 10-20 triệu đồng (Điều 101).
Hiện Bộ TT&TT đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, tin giả; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn.
Dịch COVID-19 đang và sẽ còn tiếp tục đe dọa đến cuộc sống của người dân trên toàn thế giới ít nhất là hết năm 2021. Tuy nhiên, trong hoạn nạn, khó khăn, với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân thì dù ở môi trường thực hay trên mạng, quyền con người, đặc biệt là bảo đảm quyền sống “chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của người dân” vẫn là ưu tiên hàng đầu và cam kết cao nhất của Việt Nam, xứng đáng là “ngôi sao sáng” như đánh giá của truyền thông và dư luận quốc tế.■