Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
47429

Vì sao Tổng thống Duterte vội vàng ký đạo luật chống rửa tiền mới?

 

Hôm 29-1, tức 3 ngày trước thời hạn chót (1-2) mà Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đưa ra, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký Đạo luật Chống rửa tiền nhằm trao thêm quyền cho Hội đồng chống rửa tiền (AMLC) trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu chống lại các tổ chức tội phạm, khủng bố.

Tránh “danh sách xám”

Hãng tin AP cho hay, thời hạn chót (1-2) mà FATF đưa ra đối với Philippines là nhằm gây sức ép với nước này để phòng chống tội phạm rửa tiền mạnh hơn. Hồi năm 2000, FATF đã đưa Philippines vào danh sách xám vì không giải quyết được vấn nạn rửa tiền. Năm 2005, khi Philippines sửa đổi luật, tên của nước này cũng bị xoá khỏi danh sách. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi tình trạng rửa tiền từ các sòng bạc ảo và ngân hàng gia tăng, Philippines lại đứng trước ngưỡng cửa trở lại “danh sách xám”. Tờ báo địa phương dẫn lời một Hạ nghị sĩ Philippines cho hay, việc Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký Đạo luật Chống rửa tiền sẽ giúp nước này “tránh bị đưa vào danh sách xám của FATF”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh ban hành Đạo luật chống rửa tiền

Hồi tháng 3 năm ngoái, FAFT đã ra khuyến cáo đối với chính quyền Manila về việc chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Sau đó, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ,“FATF đã cho chính phủ Philippines thêm thời hạn để ban hành và thực hiện các thay đổi đối với AMLA đến ngày 1-2, theo các tiêu chuẩn của tổ chức này về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Thời hạn ban đầu được đặt ra vào tháng 10-2020. FATF được cho là sẽ quyết định vào tháng 6 thay vì tháng 2-2021 xem liệu Philippines có bị đưa vào danh sách xám của cơ quan giám sát này nữa hay không”. Đại diện FATF cũng lưu ý với chính quyền Manila rằng “việc đưa vào danh sách xám của FATF sẽ dẫn đến một lớp giám sát bổ sung từ các cơ quan quản lý và tổ chức tài chính, làm chậm quá trình xử lý các giao dịch và cản trở con đường đạt được xếp hạng tín dụng “A” của quốc gia này”.

Được biết, FATF là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cơ quan liên chính phủ này được thành lập vào tháng 7-1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris (Pháp) với nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn, phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Hiện nay, thành viên của tổ chức này gồm 36 nước, vùng lãnh thổ và hai tổ chức vùng. Nhiệm vụ hàng đầu của FATF là giúp các nước thành viên ban hành các qui định về chống rửa tiền và mục tiêu cuối cùng là ban hành được luật phòng, chống rửa tiền. Từ tháng 4-1990, FATF đã đưa ra 40 khuyến nghị nhằm chống lại sự lạm dụng hệ thống tài chính để rửa tiền buôn lậu ma túy. Các khuyến nghị này được thiết lập như một khuôn khổ toàn diện về chống rửa tiền để áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Các khuyến nghị đưa ra các nguyên tắc chung, cho phép các nước có thể áp dụng linh hoạt tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể và phù hợp với hiến pháp của mỗi nước.

Mặc dù không có hiệu lực bắt buộc, nhưng các khuyến nghị của FATF đã được cộng đồng quốc tế và các tổ chức liên quan thông qua một cách rộng rãi như một tiêu chuẩn cho công tác phòng, chống rửa tiền. Các nước sẽ phải thực thi đầy đủ các khuyến nghị này nếu muốn được cộng đồng thế giới coi là đang tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về AML. Năm 1996 và 2003, 40 khuyến nghị này đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những diễn biến mới trong lĩnh vực rửa tiền và để phản ánh sự phát triển của những mô hình AML tốt nhất trên thế giới. Từ tháng 10-2001, FATF đã mở rộng sứ mệnh của mình vượt ra khỏi phạm vi chống rửa tiền để thực hiện thêm nhiệm vụ về chống tài trợ khủng bố (CFT) trên toàn thế giới với việc thông qua 8 khuyến nghị đặc biệt đầu tiên về CFT.

Mở rộng quyền cho AMLA

Theo kết quả điều tra của FATF, trong 3 năm qua, Philippines đã nổi lên là một trung tâm cờ bạc trực tuyến hàng đầu thế giới, vượt qua cả Malta, Isle of Man và Curacao. Hoạt động này mang lại nguồn thuế, tạo việc làm nhưng cũng gây ra không ít hệ lụy trong đó nghiêm trọng nhất là hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các nhà phân tích nhận định, hoạt động của các tổ chức đánh bạc trực tuyến chuyên phục vụ thị trường nước ngoài tại Philippines (POGO) đã mang lại nguồn thuế đồng thời tạo nhiều việc làm, đẩy giá thuê mặt bằng lên cao. Thống kê của Cục Quản lý Giải trí và Đánh bạc Philippines (PAGCOR)- cơ quan cấp phép hoạt động cờ bạc tại Philippines cho thấy, hiện nước này có khoảng 60 POGO được cấp phép. Khoảng 90 – 95% khách hàng của các POGO này sống tại Trung Quốc (khoảng 100.000 người). Đáng chú ý là, Trung Quốc đã giới hạn số tiền một cá nhân có thể chuyển ra nước ngoài là 50.000 USD/năm nên dân chơi bạc Trung Quốc muốn tới Philippines chơi thường dùng các dịch vụ điện tử như Alipay hay WeChat Pay, và ngụy tạo thành những khoản mua hàng bình thường. Bản thân các POGO cũng hỗ trợ các con bạc Trung Quốc và người nước ngoài khác chuyển tiền bằng nhiều cách.

Trong 3 năm qua, Philippines đã nổi lên là một trung tâm cờ bạc trực tuyến hàng đầu thế giới và cũng là nơi mà hoạt động rửa tiền diễn ra trên diện rộng

Vì vậy, theo các sửa đổi đối với Đạo luật chống rửa tiền vừa được ban hành, một giao dịch tiền mặt duy nhất của POGO hoặc bởi nhà cung cấp dịch vụ đối với POGO, vượt quá 5 triệu peso (khoảng 104.028 USD), hoặc “số tiền tương đương bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác”, sẽ được xác định như một “giao dịch được bảo hiểm”. Đó là quy tắc đã được áp dụng cho “sòng bạc”, bao gồm cả Internet và các địa điểm trên tàu, cũng như trên đất liền. AMLC có quyền “yêu cầu, tiếp nhận và phân tích” cũng như điều tra, nếu cần, các báo cáo giao dịch liên quan, theo quy chế. AMLC cũng sẽ có thể xem xét kỹ lưỡng các giao dịch liên quan đến các nhà điều hành sòng bạc trực tuyến có trụ sở tại Philippines, nơi sử dụng hàng nghìn công nhân Trung Quốc đại lục, các công ty bất động sản và nhà môi giới tham gia vào các giao dịch tiền mặt trị giá hơn 7,5 triệu peso (khoảng160.000 USD).

Chưa hết, đạo luật mới còn mở rộng quyền hạn của AMLC, cho phép hội đồng này áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu chống lại việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài chính; cho phép hội đồng áp dụng lệnh triệu tập của tòa án, và lệnh khám xét và thu giữ. “Nhất quán với chính sách đối ngoại của mình, nhà nước sẽ mở rộng hợp tác trong các cuộc điều tra xuyên quốc gia và truy tố những người có liên quan đến các hoạt động rửa tiền ở bất cứ nơi nào được cam kết”, đạo luật nêu rõ. Được biết, trước khi đạo luật chống rửa tiền được Tổng thống Rodrigo Duterte ký ban hành, hôm 18-1, Thượng viện và Hạ viện Philippines đã thông qua với sự nhất trí cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *