Trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa 433 tỷ đồng, đại diện VietABank cho rằng các sổ tiết kiệm của khách “có dấu hiệu” liên quan nên phong tỏa “theo quy định”.
Ngày 13/3, TAND Hà Nội tiếp tục ngày thứ 5 của phiên xét xử siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành và 17 cựu cán bộ NCB, VietAbank và PVcombank trong sai phạm gây thiệt hại 433 tỷ đồng.
11 cựu cán bộ VietAbank bị cáo buộc “tiếp tay” Hà Thành, lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với 4 khách VIP. Họ biết Hà Thành giả chữ ký của những người này khi cầm cố sổ song vẫn duyệt cho vay.
Chuỗi sai phạm này gây thiệt hại 274 tỷ đồng cho VietAbank và 63 tỷ đồng cho 4 khách hàng của VietAbank. Yêu cầu trả lại tiền cho những khách này được luật sư nêu tại phiên toà hôm nay.
Bảo vệ cho khách VIP Trịnh Hùng Cường, bị thiệt hại 29 tỷ đồng, luật sư Đặng Thành Tài hỏi đại diện VietAbank: “Tại sao tự ý tất toán các sổ tiết kiệm và thu giữ tiền gửi tiết kiệm của thân chủ?”.
“Thân chủ tôi, khách hàng của VietABank, ký hợp đồng tiền gửi với ngân hàng, tiền nộp theo đúng quy định, đã ký và nhận đầy đủ phiếu kiểm tiền. Nay hết thời hạn gửi, tại sao VietAbank không trả tiền?”, luật sư Tài hỏi.
Ông Hoàng Hướng, đại diện VietAbank đáp: “Chúng tôi không làm việc theo khái niệm “tự ý”. VietABank không có quyền tạm giữ hay tất toán sổ tiết kiệm khi chủ sở hữu không cho phép. VietABank nhận thấy các sổ tiết kiệm này có dấu hiệu liên quan vụ án nghiêm trọng nên có trách nhiệm làm các nghiệp vụ, đúng thẩm quyền ngân hàng, đảm bảo công tác điều tra”.
“Vậy theo ông các dấu hiệu đó là gì?”, luật sư Tài truy vấn. Đại diện VietAbank đáp: “Tôi không trả lời”.
Trước phiên xét xử, VietAbank có văn bản gửi các cơ quan điều tra, tố tụng, thông báo ngân hàng “đã rút tất toán toàn bộ số tiền” trong sổ tiết kiệm của các khách hàng này để khắc phục hậu quả vụ án.
Luật sư Tài thắc mắc “VietAbank dựa vào đâu để làm vậy”, có đúng ngân hàng đã thu hết tiền trong sổ tiết kiệm để đền bù thiệt hại không? Phía VietABank không hồi đáp.
Theo phân tích của ông Tài, khách hàng ký hợp đồng hợp pháp với ngân hàng và việc Hà Thành cấu kết cùng nhân viên ngân hàng làm giả chữ ký của khách để thế chấp và vay tiền, đó là hai khoản tiền khác nhau. “Khách hàng không thế chấp thì phải trả lại tiền cho họ. Hà Thành giả chữ ký khách để chiếm đoạt tiền của VietAbank thì buộc Thành bồi thường cho VietA bank, không thể lấy tiền của khách để đền VietAbank”, luật sư nêu quan điểm.
Ngoài số tiền 29 tỷ đồng liên quan Hà Thành, tại phiên tòa hôm nay, ông Cường cho biết có 3 sổ tiết kiệm, tổng 95 tỷ đồng, đều bị VietAbank “giam”. Vì thế, ông đề nghị ngân hàng trả số tiền này.
Ngoài ông Cường, một số đại gia cũng bị các ngân hàng liên quan vụ án “giam” sổ tiết kiệm. Trong đó, bà Triệu Thị Tuyết Trinh cho hay bị VietAbank “giam” 3 sổ, tổng 75 tỷ đồng. Ông Đặng Nghĩa Toàn có một sổ 20 tỷ đồng ở VietABank, 4 sổ trị giá 50 tỷ đồng ở NCB và 4 sổ trị giá 52 tỷ đồng tại PVcombank.
“Suốt hai năm kêu cứu khắp nơi, tôi bị “kẹt” tổng cộng 122 tỷ đồng ở ba ngân hàng. Cuộc sống gia đình, kinh doanh bị xáo trộn. Tôi bị mang tiếng là kẻ lừa đảo ngân hàng trong khi tiền của mình đang bị ngân hàng đóng băng”, ông Toàn từng chia sẻ.
Những khách VIP này cho hay mất tiền do tin tưởng tuyệt đối nhân viên ngân hàng. Nay, các đại gia đề nghị NCB, VietAbank và PVcombak trả toàn bộ tiền bị “giam”.
Trước đó, VietAbank khẳng định việc phát hành hợp đồng tiền gửi với khách hàng cá nhân, như hành vi của các bị cáo trong vụ án, là không được phép tại ngân hàng này. Song luật sư nói trong một giấy ủy quyền của Tổng giám đốc VietAbank ký tháng 3/2017 gửi các chi nhánh VietAbank lại cho phép.
“Vậy là VietAbank nói một đằng làm một nẻo, cuối cùng có được phép hay không, tại sao có mâu thuẫn này?”, luật sư chất vấn. Đại diện VietAbank một lần nữa trả lời “không biết”.
Sau khi đặt nhiều câu hỏi, các luật sư trình bày với HĐXX: “Cái gì VietAbank cũng nói không biết, luật sư chúng tôi cũng không biết hỏi gì nữa”.
Còn tại toà, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, Phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank) đã khai rất nhiều lần làm hợp đồng tiền gửi cho khách cá nhân, dù đây là mẫu hợp đồng chỉ dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp. “Trong trường hợp này, mẫu được chỉnh sửa dành riêng cho trường hợp của chị Hà Thành”, Hương khai.
Nhà chức trách xác định, khi kinh doanh thua lỗ, nợ khoảng 80 tỷ đồng, năm 2016-2018, Hà Thành vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước, trả nợ đúng hạn, tạo lòng tin với người cho vay, thành khách VIP của một số ngân hàng.
Thành bị cáo buộc câu kết với 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu, hứa sẽ trả lãi ngoài cao, sau đó giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.
Các cựu cán bộ ngân hàng bị cáo buộc bỏ qua nhiều bước, không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo; lập tờ trình cấp tín dụng khi hồ sơ thiếu sót, giả mạo, chưa qua thẩm định. Trong phiên xét hỏi chiều qua, họ khẳng định không tiếp tay lừa đảo, chỉ “hết lòng chăm sóc khách VIP” Hà Thành, dưới áp lực chỉ tiêu chung và áp lực bị cấp trên dọa đuổi việc.
17 cựu cán bộ này bị truy tố ở hai nhóm tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.
VKS cáo buộc Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVCombank 49,4 tỷ đồng, của VAB hơn 273 tỷ đồng, chiếm đoạt của 4 cá nhân 63 tỷ đồng. Siêu lừa này bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt cao nhất tù chung thân.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.